Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Làng rau Trà Quế


Làng rau truyền thống Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà, Hội An (Quảng Nam). Rau xanh Trà Quế nổi tiếng từ rất lâu với nhiều sản phẩm rau được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông Cổ Cò nên có hương vị đặc trưng riêng.


Chị Ann Margaret, người Úc, đang “một ngày làm cư dân làng rau Trà Quế, Hội An”.
Trà Quế không chỉ là thương hiệu nổi tiếng về làm rau sạch chất lượng cao mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.Giữa tiết trời xuân ấm áp, chúng tôi đến làng nghề truyền thống Trà Quế để thưởng thức dư vị ngan ngát thơm nồng của các loại rau và xem người làng rau… làm du lịch.
Câu ca làng nghề
Ai về Trà Quế thì về
Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh
Buổi mai đi bán củ hành
Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm…
Làng rau Trà Quế cách trung tâm thành phố Hội An hơn 3 km về hướng Tây bắc và cách TP Đà Nẵng chưa đến 20km về phía Nam. Làng hiện có 220 hộ gia đình làm nghề nông nghiệp, trong đó có 130 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40 ha. Từ xưa đến nay, làng rau Trà Quế nổi tiếng vì có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, đặc biệt là có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như húng, é, tía tô… Khi trộn lẫn các loại rau vào nhau sẽ hội đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát.


Người dân trồng rau - Làng rau Trà Quế Hội An
Nhờ hương vị đặc biệt ấy mà rau Trà Quế đã góp phần làm nổi tiếng các món ăn dân dã riêng có ở Hội An và Quảng Nam. Rau hành, ngò thì kết hợp với món gỏi sứa, canh chua; cải bằng, ngổ điếc… dùng để nấu lẩu; rau răm, húng, hành lá dùng trong món hến trộn khoái khẩu ở vùng Cẩm Nam. Còn món mì Quảng thì phải ăn với rau sống Trà Quế mới thấy được cái ngon của sự phối hợp hương vị của thiên nhiên.
Theo nông dân Trần Kế, rau xanh Trà Quế trước hết phải “sạch” từ khâu chọn đất và hệ thống nước tưới không bị ô nhiễm. Đất được tăng độ mùn và tơi xốp bằng các loại phân chuồng để hoai, phân vi sinh chế biến từ thảo mục. Cách trồng và chăm sóc truyền thống được người làng rau Trà Quế áp dụng với tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất rau sạch theo quy trình khép kín. Nhờ vậy mà không ảnh hưởng đến môi trường, đến người trồng rau và đặc biệt là không ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Về Trà Quế, du khách có dịp thưởng thức món tôm hữu truyền thống của người làng rau. Món ăn này không thể thiếu trong giỗ chạp, cúng xóm, cúng đình và… đãi khách quý. Cách chế biến không cầu kỳ nhưng phải có đầy đủ các nguyên liệu là tôm đất, thịt heo và các loại rau trồng trên đồng đất Trà Quế. Có phải vì cái ngon của rau, của tôm đất và chén rượu “hồng đào” Quảng Nam nồng nàn hay vì phong cảnh hữu tình mà mỗi năm đã có hơn 1.000 lượt khách quốc tế theo các tour du lịch đến tham quan làng rau Trà Quế.
khách du lịch trồng rau - Làng rau Trà Quế Hội An
Làng nghề rau truyền thống Trà Quế có cách làm du lịch không giống ai. Trên 30 lao động nông nhàn bắt tay vào làm du lịch. Họ sắm những bộ áo quần nông dân, dép lê, nón lá và dựng những ngôi nhà dành cho du khách nghỉ ngơi. Nếu muốn, du khách sẽ được người làng rau bày cho cách cuốc đất, trồng, tưới nước và chăm bón rau. Nhưng trước khi làm “nông dân”, họ sẽ được “chiêm ngưỡng” thỏa thích các loại rau Trà Quế tại các điểm trưng bày, giới thiệu tại nhà đón khách.
Sau khi tắm rửa, nghỉ ngơi, du khách sẽ thưởng thức các món ăn chế biến từ các loại rau xanh đặc hữu Trà Quế và các “món ngon nhớ lâu” của Quảng Nam như bánh đập, bánh vạc, hến trộn, tôm hữu, mì Quảng, cao lầu Hội An… “Làng rau Trà Quế đẹp lắm. Người dân hiền lành chất phác và rất thân thiện với du khách. Nếu có dịp trở lại Hội An của các bạn, mình sẽ lại ghé thăm Trà Quế. Anh Houtơn, du khách quốc tịch Úc cho biết.
Người trồng rau Trà Quế lạc quan, vì ngoài thương hiệu rau xanh nổi tiếng được nhiều người tìm mua tại hệ thống siêu thị Metro và các chợ trong khu vực, làng rau truyền thống Trà Quế là một điểm đến hấp dẫn với du khách. Theo bác Cao Ngọc Đây, người tham gia tổ chức tour du lịch “homestay”, trồng rau ở Trà Quế không chỉ thơm ngon, chất lượng đảm bảo, mà còn phải… đẹp nữa.
Những luống diếp cá, xà lách, cải xanh, húng, hành, ngò, tần ô, rau mùi… xanh mơn mởn trên những luống dài tăm tắp thật thích mắt. Du khách đến với Trà Quế cũng bị “mê hoặc” bởi những luống rau xanh và tấm lòng mến khách của cư dân nơi đây nên đã không ngần ngại tự nguyện làm “nông dân làng rau Trà Quế”. Họ cùng xắn tay áo cuốc đất, trồng rau, tưới nước chăm bón cho rau. Sau một ngày “lao động” vất vả, những “nông dân” này lại thưởng thức các món ẩm thực “đặc sản” của làng nghề truyền thống này.

Related Posts:

  • Làng nghề Bánh tráng Trường Cửu, Nhơn Lộc Đến xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), đi đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những vỉ bánh tráng phơi dọc hàng rào hai bên đường. Trong số sáu thôn của xã, Trường Cửu là nơi sản xuất bánh tráng nhiều nhất nên được mệnh danh là làng bán… Read More
  • Làng nghề Giồng Trôm ở Mỹ Thạnh Qua nhiều năm thăng trầm, hôm nay làng kềm Mỹ Thạnh đã được khẳng định. Từ một vài cơ sở, nay đã tăng lên trên 70 cơ sở, thu hút hàng trăm lao động, góp phần khá lớn ổn định và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Làng kề… Read More
  • Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng Ngày 7-4, xã Mỹ Thạnh được công nhận làng nghề truyền thống “Bánh tráng Mỹ Lồng”.Nằm cách thị xã Bến Tre 7km về hướng Đông là làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Nhiều người dân cư ngụ lâu năm ở… Read More
  • Làng bánh tráng Chợ Lầu Bánh tráng Chợ Lầu đã có mặt trên thị trường từ trước năm 1945, ban đầu chỉ là 2 lò nhỏ đến nay đã có gần 60 lò bánh tráng lớn nhỏ, tập trung nhiều nhất ở thôn Xuân An thành làng nghề hiện nay. Bánh tráng Chợ Lầu sở dĩ ngo… Read More
  • Làng nghề đan Phú Lễ Cụ Nguyễn Văn Nghị ở ấp Phú Khương là bậc lão làng của nghề đan đát tại xã Phú Lễ. Đêm, dưới ánh trăng rằm tỏa sáng, cụ trải chiếu trước sân nhà cùng tôi ngồi uống trà rồi vào chuyện: “Qua (1) nay đã gần tám mươi tuổi nhưng … Read More

0 nhận xét:

Đăng nhận xét