“Sao mà nó dại thế”
Hai ngày sau khi vụ thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường (45 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm chết người và đem phi tang xác khách hàng khiến dư luận phẫn nộ, chúng tôi tìm về xã Nhân Khang (Lý Nhân, Hà Nam), quê Nguyễn Mạnh Tường. Làng quê yên ả này giờ đây bỗng trở nên “dậy sóng” sau khi tin bác sĩ Tường làm chết người rồi ném xác phi tang.
Bà Nguyệt - Mẹ của bác sỹ Tường
Có một điểm chung là thường sau mỗi câu chuyện mà chúng tôi nghe được từ người dân nơi đây kể lại là tiếng thở dài kèm những câu cảm thán: “Tội quá, thằng Tường xưa nay nó hiền lành lắm, mà nay quẫn trí hay sao mà làm dại thế”, “nhà nó tội lắm”, “khổ thân bà Nguyệt”…
Trò chuyện với chúng tôi tại trụ sở UBND xã Nhân Khang, ông Nguyễn Công Nghị – công an viên xã giọng buồn buồn: “Mọi người cũng mới biết tin được 2 hôm nay thôi, nhất là tối qua xem trên ti vi. Nói chung bà con buồn lắm. Buồn vì từ trước đến nay Tường là người tốt, hiền lành và cũng hay giúp đỡ bà con. Trước nhà nó nghèo lắm, bố thì mất sớm, mấy đứa em thì tàn tật, mẹ già cả… Cả nhà nó có mỗi nó là được học hành đến nơi đến chốn và thành đạt. Không hiểu sao mà trong lúc nông nổi nó lại có hành động dại dột thế nữa”.
Và dù cho xã sắp diễn ra cuộc họp, ông Nghị vẫn dẫn chúng tôi đến nhà bà Nguyệt – mẹ bác sĩ Tường mà như lời ông:“Các anh đến để tận mắt chứng kiến gia cảnh nhà nó”. Sau khoảng 7 phút đi bộ (từ UBND xã), ông Nghị đưa chúng tôi đến một ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ ở xóm 5 (xã Nhân Khang) và bảo: “Đấy, nhà bác sĩ Tường đấy”.
Khi chúng tôi bước vào, dù đã gần 14h nhưng cả gia đình vẫn còn đang dở bữa cơm trưa. Quanh mâm cơm là một bà cụ già và 3 người con gái. Thấy chúng tôi, tất cả đều bỏ bữa. Bà cụ đứng dậy, rót nước mời khách, đôi mắt ầng ậng nước. “Đây là mẹ của anh Tường”, ông Nghị giới thiệu.
Trong câu chuyện kể với chúng tôi, bà Trần Thị Nguyệt (năm nay đã 72 tuổi, mẹ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường) đã không cầm được nước mắt. “Khổ lắm các chú ơi, tôi có ngờ đâu con trai tôi nó lại dại dột làm thế. Từ trước đến nay nó là đứa hiền lành, chịu khó, hay giúp đỡ mọi người, người dân ở đây ai ai cũng biết. Vậy mà…”.
“Nó ít về quê lắm, chỉ có những dịp lễ, tết hay vào ngày giỗ ông nhà tôi nó mới về thôi. Mà cũng chỉ về rồi đi ngay. Lần về quê gần nhất, cũng cách đây mấy tháng rồi nó bảo với tôi là con mở phòng khám hay thẩm mỹ gì đấy, tôi cũng chỉ biết thế chứ có biết phòng khám nó như thế nào đâu, lâu rồi tôi cũng không ra Hà Nội”, bà Nguyệt kể.
Rồi bà rơm rớm nước mắt: “Tôi có ngờ đâu. Hôm tối 17 âm vừa rồi (tức tối ngày 21/10/2013), tôi đi tụng kinh. Có mấy bà trong xóm nói với tôi là vừa rồi có tin trên Hà Nội có bác sĩ nào đó tên Tường, trong khi khám hay chữa bệnh gì đó làm chết người rồi lại còn đi ném xác người ta xuống sông. Tôi nghe xong bảo chắc là không phải con tôi đâu. Rồi mãi tối ngày 23/10, khi xem ti vi thấy người ta nói và thấy con trai tôi bị công an dẫn đi thì tôi mới tin đó là sự thực. Lúc đó tôi như thấy trời sụp xuống đầu mình.
Tất cả tin tức tôi biết cũng là qua ti vi chứ gọi cho vợ chồng nhà nó có liên lạc được đâu, nó cũng ít khi gọi điện về. Nói thực là giờ tôi cũng sợ không dám xem ti vi để xem tin về con mình nữa. Biết chuyện, anh em họ hàng rồi bà con làng xóm mới đến nhà an ủi, động viên tôi, sợ tôi gục ngã. Cả nhà tôi có mỗi nó là con trai và được ăn học tử tế để thành người, đặt hết hi vọng vào nó, vậy mà…”.
Sau khi biết tin về vụ bác sĩ Tường, rất nhiều bà con làng xóm đã đến thăm hỏi, động viên bà Nguyệt, mong bà vượt qua nỗi đau này.
Chỗ dựa cho cả nhà
Gia đình bà Nguyệt có 4 người con, trong đó Nguyễn Mạnh Tường là con cả và cũng là con trai duy nhất. Sau Nguyễn Mạnh Tường còn có 3 người em gái nữa, nhưng cả 3 đều bị nhiễm chất độc màu da cam.
Bà Nguyệt kể: “Ông nhà tôi đi bộ đội, bị nhiễm chất độc màu da cam trong kháng chiến chống Mỹ. Thằng Tường được sinh ra là kết quả sau một lần ông về nghỉ phép, khi đó ông chưa bị nhiễm độc. Sau này, khi đất nước thống nhất, chồng tôi trở về thì ông đã bị nhiễm chất độc da cam rồi. Liên tiếp mấy năm sau đó, 3 đứa con tôi sinh ra đều là nữ và chúng đều bị tật nguyền do di chứng từ chất độc để lại. Cả nhà đặt tất cả niềm hi vọng vào thằng Tường.
Khi đó tôi làm ở cửa hàng thực phẩm, lương ba cọc ba đồng, phải dành dụm để nuôi con. Thằng Tường thì đi học, còn 3 đứa em thì ngơ ngác không biết gì, quanh năm đau ốm. Nhà tôi khi đó gần như nghèo nhất trong làng này, bây giờ vẫn thế thôi, dù rằng không còn đói nữa. Cái nhà cấp bốn này là cũng mãi khi tôi về hưu, thằng Tường đã ra trường, vợ chồng tôi mới dành dụm và vay mượn bà con trong làng để làm”.
Nói về con trai mình, bà Nguyệt nghẹn ngào: “Nó ngày trước ngoan lắm. Ngày còn ở nhà, một buổi đi học, một buổi về nhà đi làm thêm để lấy tiền học, nó đi phụ hồ chú ạ. Sau này, khi đã thi đỗ vào đại học Y Hà Nội rồi, nó cũng vẫn phải đi làm thêm, làm gia sư rồi bán hàng,… Gần như nó đều phải tự lập. Năm 1992 nó mới tốt nghiệp ra trường, cũng năm đó thì bố mất. Ra trường xong, nó lại còn đi học thêm 2 năm nữa rồi mới xin được việc làm ở Bệnh viện E. Mãi sau mới chuyển về Bệnh viện Bạch Mai. Thấy con cái có công ăn việc làm tôi cũng mừng, dù nó bận nên cũng ít về. Tôi cũng đâu có lên Hà Nội được, còn phải ở nhà chăm sóc 3 đứa em tật nguyền nữa”.
“Tôi không hiểu sao trong giây phút hoảng loạn lại hành động nông nổi thế. Làm thế thì ác quá, mất nhân tính quá. Nói thực là sau khi biết chuyện, qua ti vi và qua lời bà con kể tôi cũng thấy sợ con tôi. Tôi không ngờ nó lại làm thế. Con cái mình dứt ruột đẻ ra, nuôi lớn, mong nó thành đạt, giờ thấy nó như thế thì người mẹ nào mà chẳng đau đớn, khổ tâm hả chú. Nó làm sai thì nó phải chịu tội là đúng rồi, nhưng mà tôi thì khổ tâm lắm”, bà Nguyệt bật khóc.
Lối vào nhà bà Nguyệt ở Xóm 5 (xã Nhân Khang, Lý Nhân, Hà Nam).
Một cán bộ UBND xã Nhân Khang (Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, gia đình nhà bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường từ trước đến nay đều được đánh giá là gia đình có công với cách mạng, bản thân bà con làng xóm cũng hết sức quý mến. Không chỉ là niềm tin của gia đình, bác sĩ Tường còn là niềm tự hào của bà con, mỗi khi khuyên răn con, nhiều người vẫn thường bảo với con mình rằng: “Đấy, phải nhìn gương học tập và vượt khó của anh Tường kia mà học theo kìa”. Bố anh Tường là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, ông bị nhiễm chất độc màu da cam. Chú anh Tường là liệt sĩ Nguyễn Vũ Phát, sinh năm 1947, hi sinh năm 1966 ở mặt trận Quảng Bình.
“Xảy ra sự việc đau lòng trên, chúng tôi rất bất ngờ. Cũng chẳng biết nói gì hơn chỉ biết đến nhà an ủi bà cụ, khổ thân bà cụ ấy quá. Cụ ông thì đã mất từ lâu, giờ nhà toàn đàn bà, một mình bà cụ phải tự tay chăm sóc nuôi dưỡng 3 đứa con gái tật nguyền bị nhiễm chất độc da cam. Anh Tường là chỗ dựa, là niềm hi vọng của cả nhà ấy, mà giờ anh ấy như thế thì không biết những ngày tháng tới bà cụ sẽ sống ra sao, có gượng nổi không nữa”, người cán bộ xã nói.
Theo Nguyentandung.org