Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Làng dệt Mỹ Nghiệp


Nghề dệt của người Chăm ở Mỹ Nghiệp không những mang nét đẹp truyền thống của thổ cẩm mà còn mang nét đặc sắc của văn hoá Chăm với các đường nét lạ độc đáo với nhiều loại sản phẩm thổ cẩm đa dạng như: xàrông, khăn choàng, nón, áo khoác...
Nằm cách thị xã Phan Rang khoảng 10 km về hướng Nam, làng dệt Mỹ Nghiệp thuộc huyện Ninh Phước là làng nghề dệt cổ truyền duy nhất còn lại của người Chăm ở Ninh Thuận nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm trong những năm gần đây. Theo người địa phương kể thì vua Polnưga - đã dạy cho con cháu làm nghề xe sợi, dệt vải này từ thế kỷ thứ 11. Bà là một nghệ nhân tạo ra những hoa văn rất đặc sắc trên nền vải, và chính bà đã tạo ra nghề dệt này và truyền lại cho dân làng.
Ngày xưa người dân Mỹ Nghiệp tự trồng bông làm nguyên liệu sản xuất và dùng cây Chùm Bầu, cây Mo, bùn non làm phẩm nhuộm và dùng các khung gỗ thô sơ làm công cụ tạo ra sản phẩm nổi tiếng về chất lượng cũng như nghệ thuật trang trí hoa văn trên vải, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Chăm và các cư dân quanh vùng như Raglai, Churu, Êđê.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay nghề dệt của người Chăm ở Mỹ Nghiệp vẫn được lưu truyền và phát triển mạnh. Đến Mỹ Nghiệp hôm nay, du khách được chứng kiến những đôi bàn tay thuần thục của những người thợ, sự khéo léo của các nghệ nhân làm nên những sản phẩm thổ cẩm tuyệt đẹp. Với kỹ thuật dệt đã đạt đến trình độ tinh xảo, phụ nữ Chăm đã tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau như váy, áo, khăn, vải trải bàn, trải giường, dây thắt lưng ... với nhiều loại hoa văn khác nhau như: hoa văn quả trám (bingu tamun), hoa văn cách điệu hình rồng (bingu hăng), chân chó (takay asâu), chân chim (takay wa)…Bạn sẽ thật sự bị cuốn hút qua những tấm thổ cẩm, sống động bởi nhiều màu sắc lạ vừa chân phương, mộc mạc bởi chất liệu và cách thể hiện đường nét hoa văn... Gần như hoa văn ở mỗi tấm thổ cẩm mỗi khác, bởi người thợ, nghệ nhân Mỹ Nghiệp muốn làm theo sự sáng tạo, theo sự ngẫu hứng của mình, để không trùng lặp và đơn điệu, tuy nhiên điều dễ nhận ra trong từng tấm thổ cẩm là sự gởi gắm những ý tưởng, tình cảm của những người Chăm nơi đây bức thông điệp của một nền văn hóa Chămpa rực rỡ từ lâu đời còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Nói đến thổ cẩm Chăm ở Mỹ Nghiệp người ta thường nói đến sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại đã ngày càng tạo cho mình một chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong những năm gần đây, khi khách du lịch tìm đến Mỹ Nghiệp ngày càng nhiều, làng dệt bắt đầu làm ra các mặt hàng lưu niệm như: cà vạt, túi xách, bóp, ví đầm, áo ghi lê...bên cạnh các sản phẩm truyền thống như khăn trải bàn, khăn trang trí, áo choàng... Đặc biệt tấm vải Xàrong (Tukman) được dùng làm trang phục cho các vị vua và hoàng hậu thời xưa với những họa tiết hoa văn tinh xảo bởi với chất liệu rất mềm mại được nhiều khách nước ngoài rất ưa chuộng.
Mời bạn đến với kỹ thuật của người Chăm chúng tôi…
Các công đoạn hình thành sản phẩm:
Đưa sợi vào sa quay để quay vào từng ống nhỏ theo từng màu.
Đưa vào khung móc để pha màu chỉ
Sau đó mới ráp vào khung để chuẩn bị dệt
Có hai loại khung: Khung ngắn (dalah) và khung dài (băn)
Khung dệt
Có hai loại khung: Khung ngắn và Khung dài
Khung ngắn: Các nghệ nhân dùng 7 cây go bằng tre để tạo hình hoa văn. Khung ngắn chỉ tạo ra những sản phẩm bề ngang 0,9m và dài 3,4m. Những sản phẩm này người nghệ nhân hoàn thành trong ba ngày.
Khung dài: Dùng 7 hòn go làm bằng đá San hô(10X6cm) được buộc bởi các sợi dây để tạo hoa văn. Khung dài cho ra những sản phẩm bề ngang từ 2cm đến 30 cm, bề dài từ 100 đến 120 m, bình quân mỗi ngày người nghệ nhân dệt khoảng 5 đến 6m. Hoàn thành sản phẩm từ 25 đến 30 ngày.
Các hình hoa văn thường có dạng:
Hoa văn quả trám (bingu tamun)
Hoa văn cách điệu hình rồng (bingu hăng)
Bông hình thoi
Bông chân chó (takay asâu)
Bông chân chim (takay wa)
Bông mai
Bông gùrék.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét