Nhắc đến Tây Ninh người ta thường nghĩ ngay đến bánh tráng Trảng Bàng - loại nguyên liệu làm nên món cuốn tuyệt vời của vùng đất Đông Nam Bộ này. Đến xứ Trảng Bàng hỏi người dân tráng bánh không ai biết nghề làm bánh tráng ra đời từ lúc nào mà nổi tiếng đến vậy, họ chỉ biết làm cha truyền con nối đời này đến đời kia thấm thoát cũng cả trăm năm.
Thị Trấn Trảng Bàng nằm cách thành phố HCM khoảng 40Km, theo hướng quốc lộ 22 bắt đầu từ ngã tư An Sương bạn sẽ qua Hóc Môn, Củ Chi và đến Trảng Bàng dễ dàng.
Đến ấp Lộc Du của thị trấn Trảng Bàng bạn sẽ thấy nơi đây có khá nhiều lò bánh chuyên nghiệp chuyên sản xuất bánh tráng phơi sương cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận mà nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Người làm nghề ở đây nói bánh tráng ra lúc đâu chỉ là loại bánh tráng nem rất mỏng. Sau này bà con mới nghĩ ra loại bánh phơi sương làm công phu hơn. Bánh này được tráng hai lớp mỏng chồng lên nhau, khi lớp bột thứ nhất vừa chín thì tráng tiếp lớp thứ hai. Sau khi phơi khô thì nướng lên bằng lửa đậu phộng cho bánh chín phồng, giòn mà vẫn trắng. Buổi tối thường là lúc 9, 10 giờ đêm khi sương đã xuống nhiều, người ta sẽ mang bánh ra hứng sương khoảng 5 phút cho bánh dẻo lại.
Sau khi phơi bánh được gói kĩ lại và bán ngay cho người dùng, bánh được dùng càng sớm thì càng ngon, quá một tuần bánh cứng coi như bỏ chứ không thể phơi lại một lần sương nữa. Đi quanh các lò bánh nếu để ý bạn cũng sẽ thấy nhà nào quanh vườn cũng trồng khá nhiều rau lang, đó chính là nơi phơi bánh mỗi tối của người dân. Cứ mỗi chiều chủ nhà lại dùng vòi phun nước khắp lượt lá khoai cho sạch để đêm xuống thả từng chiếc bánh lên phơi,có lẽ đó là một trong những cách tận dụng đất độc đáo của người dân xứ này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét