Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Làng nghề chạm khắc đá núi Nhồi


Ðến thăm làng nghề chạm khắc đá núi Nhồi, chúng ta dường như lạc vào một thế giới huyền ảo với những vườn tượng thật kỳ thú. Lặng ngắm hàng trăm, hàng nghìn pho tượng, phù điêu, các mẫu vật bằng đá hết sức tinh xảo được trưng bày trong một khung cảnh rất ấn tượng, lòng thầm cảm phục những người thợ, những nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo đã "thổi hồn" vào đá.
Theo ghi chép và những hiện vật còn lại đến nay, có lẽ nghề chạm khắc đá ở núi Nhồi có từ thời Nhà Lý. Nhắc đến nghề làm đá ở Thanh Hoá, người dân ở đây lại nhớ đến núi Nhồi, bởi sản phẩm của làng không chỉ bền, đẹp, mẫu mã phong phú mà còn trang trí họa tiết hết sức tinh xảo. Các nghệ nhân làng Nhồi, từ xưa đến nay, đã tạo ra nhiều loại hình sản phẩm như: đồ thờ cúng, đá xây dựng (đền đài, thành quách, nhà thờ, chùa chiền,...), tượng đá, bia đá,... Những sản phẩm của làng Nhồi mang đậm phong cách và giá trị truyền thống cũng như tư tưởng văn hoá của làng nghề, góp phần tạo nên nhiều công trình có giá trị văn hoá, nghệ thuật bằng đá.
Danh tiếng làng nghề
Hiện nay, nghề chạm khắc đá thủ công ở Thanh Hoá chủ yếu tập trung ở làng Nhồi thuộc xã Ðông Tân - huyện Ðông Sơn. Vùng đất này có nhiều điều kiện lí tưởng để hình thành và phát triển nghề chạm khắc đá: có nguồn nguyên liệu dồi dào với nhiều loại đá quý hiếm ít thấy trên đất nước ta. Từ xa xưa, vẻ đẹp và chất lượng đá ở đây đã được sử sách ghi nhận: "Sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt". Chính từ những loại đá chất lượng cao như vậy, những nghệ nhân nơi đây với đôi tay khéo léo đã làm ra những sản phẩm nổi tiếng còn lưu truyền cho tới tận ngày nay: "Ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì ngân tiếng muôn dặm, dùng làm bia văn chương để lại thì còn mãi muôn đời". Ngoài ra, vị trí địa lí thuận lợi cũng tạo điều kiện để sản phẩm đá làng Nhồi có cơ hội lưu thông: ven sông (Nhà Lê), cạnh núi (An Hoạch, núi Nhồi).
Song cũng như số phận của nhiều làng nghề truyền thống khác, làng chạm khắc đá núi Nhồi cũng có lúc thăng trầm. Sau ngày giải phóng, làng nghề tuy vẫn tồn tại nhưng do tình hình lúc đó còn nhiều khó khăn, sản phẩm đá mỹ nghệ các loại không tìm được thị trường khiến nhiều thợ, nhất là thợ trẻ phải chuyển sang làm nghề khác. Ðến đầu năm 1980, cả làng chỉ còn vài chục hộ hành nghề.
Năm 1986, thực hiện chính sách đổi mới của Ðảng và Nhà nước, chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh chung có nhiều thuận lợi, làng nghề chạm khắc đá núi Nhồi có cơ hội phát triển mạnh. Ðầu những năm 1990, cả làng đã có hàng trăm hộ với khoảng 500 lao động làm nghề. Ðến nay, nghề đá chạm khắc đá mỹ nghệ ở núi Nhồi đã trở thành nguồn thu nhập chính của hơn 90% số hộ gia đình ở đây, thu hút được nhiều lao động, kể cả lao động phụ như người già và các em nhỏ. Trò chuyện với chúng tôi, ông chủ tịch xã Ðông Tân cho biết: "Năm 2002, toàn xã có 520 lao động làm nghề chạm đá truyền thống, thu nhập bình quân là 0,8 - 1 triệu đồng/người/tháng, quanh năm đều có việc làm". Sản phẩm đá mỹ nghệ của làng Nhồi có chất lượng rất cao, mẫu mã phong phú, đa dạng rất được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.
Những năm gần đây, cùng với sự tồn tại của nghề chạm khắc đá ở núi Nhồi, nghề đá và sản xuất vật liệu xây dựng ở Ðông Sơn cũng đang trên đà phát triển mạnh. Tiêu biểu là làng đá và sản xuất vật liệu xây dựng ở Ðông Hưng (Ðông Sơn) với nhiều nghành nghề mới như khai thác và sản xuất đá ốp lát, đá 1x2, 4x6. Ðá của Ðông Sơn đa dạng về màu sắc từ đen tuyền, vân mây, trắng xám, vàng chanh được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng. Trên địa bàn huyện Ðông Sơn, 10/20 xã có núi đá, đặc biệt các xã phía Tây Nam huyện như Ðông Tân, Ðông Hưng, Ðông Vinh, Ðông Quang, Ðông Văn; có ba cụm núi đá các bon nát là núi Vức, núi Nhồi, núi Nấp với tổng diện tích là 104ha, trữ lượng 44.179.000 m3. Ngoài ra còn có cụm núi Ðông Nam, Ðông Phú với trữ lượng khai thác chưa đáng kể. Hiện nay, đá ốp lát, đá mẻ của Ðông Sơn là mặt hàng nổi tiếng ở trong nước và đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc, Nga, Italia. Ðến nay, toàn xã Ðông Hưng có có 3 doanh nghiệp tư nhân, 3 công ty, 2 hợp tác xã, 27 tổ hợp và hàng trăm hộ gia đình làm đá, doanh thu bình quân đạt 26 tỷ đồng/năm, kim nghạch xuất khẩu đạt 21 tỷ đồng (1,45 triệu USD), thu hút 2.500 lao động (chiếm 70% lao động toàn xã).
Có thể nói, nghề chạm khắc đá truyền thống và nghề sản xuất đá vật liệu xây dựng ở Ðông Sơn nói chung đang có tiềm năng và cơ hội rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như: nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao, đội ngũ thợ lành nghề..., Ðông Sơn cũng gặp muôn vàn khó khăn trong việc duy trì, ổn định và tiếp tục phát triển nghề truyền thống trước ngưỡng cửa hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Ðể làm được điều này, ngoài sự nỗ lực cố gắng của chính quyền và nhân dân địa phương, cần có sự hỗ trợ và quan tâm đúng mức của các bộ, ban, ngành và lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét