Nghề mây tre đan không biết có từ bao giờ nhưng theo lời kể của những người già trong làng thì có lẽ, nghề này được hình thành vào thời nhà Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ XIX. Trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển với bao biến cố, thăng trầm, nghề mây tre đan xã Hoằng Thịnh - Hoằng Hoá - Thanh Hoá đang ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân làng nghề từng bước được cải thiện bằng chính nghề truyền thống của mình.
Nhìn con đường làng rộng rãi, khang trang, dẫn đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Hoằng Thịnh được trải bê tông phẳng lỳ và những ngôi nhà mái bằng, nhà hai, ba tầng còn thơm mùi vôi dọc hai bên đường, chúng tôi cảm nhận được sự thay da, đổi thịt của làng nghề nơi đây. Ðón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, vừa dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan các cơ sở hạ tầng của xã như: trụ sở uỷ ban nhân dân, trường học, trạm xá,... được xây dựng khang trang, sạch đẹp, ông Chủ tịch xã Hoằng Thịnh vừa hào hứng kể: "Cách đây hơn chục năm, nơi đây còn là một vùng quê nghèo. Nền kinh tế thị trường đã đem lại sức sống mới cho làng nghề, hàng hoá của chúng tôi đã được xuất khẩu ra nhiều nước. Bây giờ chúng tôi đã nghĩ đến chuyện làm giàu".
Khởi sắc làng nghề
Trong cơ chế bao cấp, do thị trường không lớn nên nghề mây tre đan ở Hoằng Thịnh hoạt động theo kiểu tự sản tự tiêu, chủ yếu lấy công làm lãi, hàng hoá có chất lượng thấp, mẫu mã đơn giản, đa phần tiêu thụ ở các xã quanh vùng, chỉ xuất khẩu được số lượng rất ít sang Liên Xô (trước đây) và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu. Nhiều người dân trong làng không sống được bằng nghề, phải bỏ ra các thành phố lớn tìm kế mưu sinh, làng nghề có nguy cơ bị mai một.
Bước sang thời kỳ đổi mới, cùng với sự đổi thay của đất nước, làng nghề Hoằng Thịnh cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ năm 1999 đến nay, Hoằng Thịnh đã nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu các mặt hàng như rổ, rá, sọt đựng hoa quả cung cấp cho các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, Trung Quốc với số lượng lớn. Xác định uy tín, chất lượng là hàng đầu, các nghệ nhân làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã nên các sản phẩm rất đa dạng và phong phú. Hiện có tới 80% số hộ tham gia sản xuất tại nhà, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi, từ người già cho tới các em nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều tổ hợp tác sản xuất với quy mô lớn đã được hình thành, năng lực sản xuất 40 - 50 nghìn sản phẩm/ngày.
Với sự phát triển của làng nghề, người dân Hoằng Thịnh giờ đây đã sống được bằng nghề với mức thu nhập tương đối ổn định, trung bình khoảng 25 - 30 nghìn đồng/người/ngày, người nào làm giỏi có thể đạt 40 - 50 nghìn đồng/người/ngày. Vào thăm gia đình ông Nguyễn Văn Quỳnh, một nghệ nhân của làng, đồng thời cũng là ông chủ của một tổ hợp tác đang làm ăn rất phát đạt, ông tâm sự: "Nghề mây tre đan ở đây đã thực sự hồi sinh, phát triển nhờ được xuất khẩu đi nhiều nước. Bây giờ bà con đã có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, điều đó đã tạo ra sự yên tâm, cố gắng hết mình vì nghề của người dân nơi đây". So với mặt bằng chung ở Thanh Hoá (thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp, chỉ khoảng 4 - 8 nghìn đồng/người/ngày), những gì mà Hoằng Thịnh đã và đang làm được thực sự không phải là nhỏ. Mô hình phát triển của làng nghề Hoằng Thịnh cần được phát huy và nhân rộng trong công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hoá.
Vươn vai cùng đất nước
Cũng như bao làng nghề khác ở Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, làng nghề xã Hoằng Thịnh đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, mà nếu chỉ trông đợi vào "nội lực" của chính quyền xã cũng như bà con nhân dân không thể giải quyết được. Kế đó là việc thiếu mặt bằng phục vụ cho sản xuất và mở rộng sản xuất: hàng làm ra chất thành từng đống, không có chỗ tập kết, không có kho xưởng, phải để ở nhiều nơi gây khó khăn cho khâu vận chuyển. Các tổ hợp, doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng kho tàng, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để xử lí công đoạn sấy và nhúng dầu sản phẩm cũng "lực bất tòng tâm", "cái khó bó cái khôn". Không mở rộng được quy mô sản xuất, phải duy trì việc sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, Hoằng Thịnh thực sự gặp khó khăn trong việc thực hiện các đơn đặt hàng lớn.
Ðể khắc phục phần nào những khó khăn trên, trong kế hoạch phát triển làng nghề trong những năm tới, Ðảng bộ, chính quyền xã Hoằng Thịnh đã nhóm họp và xác định nghề mây tre đan là nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; phù hợp với lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động dư thừa, kể cả lao động phụ, góp phần xoá đói giảm nghèo. Trên cơ sở đó, chính quyền xã đã đề ra chủ trương phát triển ngành nghề mây tre đan truyền thống:
1) Nâng cao chất lượng, số lượng, đa dạng và cải tiến mẫu mã, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh.
2) Hoàn thiện việc xây dựng khu trung tâm làng nghề, xây dựng hệ thống giao thông trị giá hơn 2 tỷ đồng. Tổ chức cho các nghệ nhân và lao động kỹ thuật đi học hỏi thêm ở các địa phương khác ngoài tỉnh.
3) Giảm thiểu các đầu mối thu gom cho các doanh nghiệp tư nhân và các công ty xuất nhập khẩu ở nơi khác như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tây, Hải Hưng, Nam Ðịnh, tiến tới địa phương thống nhất tổ chức quản lí mặt hàng này thành một mối.
4) Khuyến khích thành lập các công ty, tổ hợp tác, kêu gọi đầu tư, tạo hành lang pháp lí thuận lợi, cho thuê mặt bằng, miễn giảm thuế để kích thích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và các công ty.
Chính sách hội nhập và phát triển kinh tế về thương mại và dịch vụ của Nhà nước đang mở ra cơ hội cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nói chung và các mặt hàng mây tre nói riêng có điều kiện phát triển mạnh hơn, góp phần giải quyết việc làm, giúp người dân làng nghề có cuộc sống ổn định. Vì vậy, việc đưa ra các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Ðảng bộ, chính quyền xã Hoằng Thịnh là kịp thời và đúng đắn, giúp người dân ý thức rõ hơn trong việc phát triển kinh tế làng nghề, tạo tâm lí đoàn kết, cố gắng nâng cao tay nghề, hoàn thiện về chất lượng, đa dạng về mẫu mã để vươn tới những thị trường lớn hơn ở trong và ngoài nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét