Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Làng nghề rèn Hiền Lương


Hiền Lương - làng rèn nức tiếng một thời của xã Phong Hiền huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên-Huế - giờ không còn rộn ràng tiếng đe, búa hay tấp nập kẻ bán, người mua.
Những thợ rèn tay nghề cao giờ đã về bên kia thế giới, trong khi thế hệ trẻ không còn ai mặn mà với nghề của cha ông. Làng rèn trên 500 tuổi đang đứng trước nguy cơ “mất lửa”...
Nổi danh làng rèn
Chúng tôi trở về làng rèn vào đúng ngày người dân trong làng đang tất bật chuẩn bị cho ngày giỗ tổ nghề. Ông Trần Sỹ Ngọc, trưởng thôn Hiền Lương, vẫn không quên tự hào về những năm tháng hào hùng của những họ tộc một thời lừng danh khắp chốn kinh kỳ: “Cái làng ni ngó rứa mà oách lắm, họ tộc nào cũng có người nổi tiếng về làm rèn. Từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV) làng này đã nổi danh về nghề rèn nông cụ và binh khí”.
Cứ đến ngày 18.2 âm lịch hàng năm, con cháu làng rèn quây quần về nhà thờ tổ để tham dự lễ chánh tế..
Theo tài liệu do cụ Huỳnh Hữu Hiến viết trong tập “Hiền Lương Chí lược” xuất bản năm 1991, xưa kia, làng Hiền Lương có tên là làng Hoa Lang, thuộc phủ Triệu Phong, đến thời Minh Mạng được đổi tên thành Hiền Lương với ý nghĩa “một thôn trang có nhiều người hiền tài”. Từ thời chúa Nguyễn, những trai đinh trong làng đã được tuyển mộ, trưng tập vào các cơ sở sản xuất vũ khí và vật dụng vua chúa, quan lại đương triều. Một số người xuất sắc trở thành những vị quản lý, đốc công ở những cơ sở này như: Hoàng Văn Gia, Hoàng Văn Cẩn, Hoàng Văn Lịch, Trần Văn Đắc... Đặc biệt, khi nhắc đến làng rèn này thì tất cả mọi người đều biết đến ông Hoàng Văn Lịch. Chính ông là người đã làm “nghệ thuật rèn đe, giũa liềm” của làng Hiền Lương vang danh khắp thiên hạ.
Chuyện được biết đến vào một buổi chiều tháng 4 năm Kỷ Hợi 1839, Vua Minh Mạng ngự ra cầu Bến Ngự để coi một chiếc tàu Võ Khố mới mua về chạy bằng hơi nước. Đi một đoạn thì tàu bỗng nhiên không chạy được, ngay lập tức vua cách chức quan Bộ Công, đồng thời giao cho Chánh Giám đốc Hoàng Văn Lịch đứng ra đốc suất chế tạo lại. Sau hơn 4 tháng tái tạo, tàu chạy tốt, vua vui mừng bèn thưởng một trự tiền vàng Long Phi Đại Hạng và một chiếc nhẫn bằng pha lê khảm vàng. Vua truyền: “Tàu mua bên Tây cũng được, nhưng ý trẫm muốn cho binh tượng nước nhà được tinh xảo máy móc nên không kể phí tổn”.
Tháng 7 năm Canh Tý (1840), Hoàng Văn Lịch và các binh tượng của triều đình đã chế tạo thành công 3 chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam được vua đặt tên là Yên Phi, Vân Phi và Vụ Phi. Sau sự kiện này, ông được phong tước Lương Sơn Hầu và được xem là người khởi đầu nghề cơ khí của Việt Nam. Sử triều Nguyễn và gia phả họ Hoàng còn ghi, ông là người có tài năng thiên bẩm về nghề rèn và cơ khí. Những đóng góp của ông đã góp phần làm rạng rỡ danh tiếng làng rèn Hiền Lương, một tấm gương sáng để muôn đời con cháu làng rèn học hỏi.
Những thế hệ đi sau đã tiếp tục “phát dương quang đại” oai danh làng nghề như Dương Phước Thiệu, Trương Quang Sừng, Trần Văn Đắc... Riêng ông Dương Phước Thiệu là người giỏi về kỹ thuật sửa chữa các loại súng tây và nghề tiện, nguội, rèn. Ông đã làm tới chức lãnh binh triều Nguyễn, còn Trương Quang Sừng cũng là một bậc thầy về cơ khí. Ông từng tham gia giảng dạy ở trường Bá Công (thành lập dưới triều Vua Thành Thái). Dưới bàn tay đào tạo của ông, nhiều thế hệ thợ rèn Hiền Lương đã thành tài đứng ra giúp dân, giúp nước. Những trai tráng trong làng có tay nghề cao được triều đình tuyển dụng để rèn binh khí và vật dụng.
Giấc mơ du lịch
Quá khứ hào hùng là thế, nhưng hiện nhiều lò rèn trong làng đành “tắt lửa” hoặc chuyển đổi nghề bởi qua thời gian, các sản phẩm của làng rèn Hiền Lương không còn được ưa chuộng, dần dần mất chỗ đứng trên thị trường. Trong tổng số 250 hộ dân làng Hiền Lương hiện chỉ có 3 hộ giữ được nghề, đáng kể là nghề rèn của gia đình ông Trần Hữu Nam. Các hộ dân trong làng đang tìm kiếm một con đường mưu sinh mới. Trong số 3 gia đình “lặn lội” giữ nghề rèn còn lại cũng là những “mái đầu bạc” ngày ngày quai búa, đánh đe. Ông Hoàng Hứa (73 tuổi) - một thợ rèn hiếm hoi còn sót lại của làng rèn Hiền Lương - tâm sự: “Nghề rèn đến tui đã là đời thứ 3.
Bao năm nay vợ chồng ông Hoàng Hứa vẫn quai búa làm rèn.
Từ nhỏ bài vè về nghề rèn đã ăn sâu trong máu thịt của bọn tui, vừa làm vừa ngâm nga câu hò cho đỡ mệt: “Lưỡng diện hoả xa / Ông tướng đại ca / Tay cầm thiết thủ / Đồng phụ hai bên / Nghe lệnh truyền lên / Đồng lai hiệp chiến / Nở ra xao xuyến / Trận đã tan rồi”. Những năm chiến tranh, cả nhà phải sơ tán ra Quảng Trị, tui vẫn lấy nghề này để kiếm kế mưu sinh. Sau khi giải phóng được trở về quê hương, làng rèn vẫn đỏ lửa ngày đêm, có khi khách đến đặt hàng mà bận mùa vụ làm không kịp. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, những mối hàng xa cứ thưa dần, chỉ còn lại trong thôn xóm nên nghề rèn vì rứa mà tuyệt đường mưu sinh”.
Hiện nay, đa số người dân trong làng phiêu bạt vào Nam, ra Bắc kiếm sống, số còn lại chủ yếu là lớp trẻ do nhu cầu cuộc sống cũng chuyển sang nghề cơ khí, sửa chữa ôtô. Nghề kim khí với thu nhập cao hơn trong khi theo mãi nghề rèn sẽ không sống nổi. Ông Trương Văn Thêm - một trong những người thợ rèn lâu năm ở làng rèn - buồn bã: “Hiện nghề rèn thủ công không thể cạnh tranh với các mặt hàng kim khí được sản xuất bằng máy móc. Lâu lâu, các lò rèn trong làng nhận được vài đơn đặt hàng của bà con gởi đến rèn các nông cụ. Những đơn đặt hàng nhiều khi gia đình chỉ kiếm được từ 50.000-100.000 đồng tiền công. Số tiền nhỏ nhoi ấy đôi khi không đủ để trang trải qua những ngày “tắt lửa” nhưng mình cũng cảm thấy được an ủi phần nào khi lại nghe tiếng quai búa rền vang”.
Ông Trần Hữu Nam còn gọi là “Cu Đe”, người đã dạy cho đồng bào Pa Cô cách rèn nông cụ..
Nghề rèn ở Hiền Lương nức tiếng một thời không chỉ bởi số hộ dân làm đông mà còn bởi đôi tay tài hoa, cường tráng của người thợ. Tuy nhiên để sống được với nghề truyền thống “làng rèn Hiền Lương đến lúc phải tìm cách thay áo cho mình”, ông Trần Văn Vĩnh - Bí thư Đảng uỷ xã Phong Hiền - cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng phục dựng lại những lò rèn truyền thống xưa, để phục vụ du khách tới tham quan. Từ đầu năm 2010 đến nay, làng rèn bắt đầu đón những tour du lịch tại gia, tham quan làng nghề. Đây là loại hình đang hút khách ở các tour du lịch, lữ hành hiện nay.
Những bể rèn bắt đầu “ấm” dần sau khi Sở VHTTDL Thừa Thiên-Huế tiến hành quy hoạch làng rèn Hiền Lương vào danh sách các làng nghề truyền thống Huế. Sản phẩm của làng được trưng bày, giới thiệu trong các cuộc triển lãm, hội chợ làng nghề. Tuy nhiên, sau mỗi lần triển lãm thì các lò rèn “tắt lửa trở lại” bởi sản phẩm bán không ai mua, khách tham quan thì lâu lâu mới có một chuyến xe lác đác vài chục khách... nên cũng không hi vọng gì...”.
Làng rèn Hiền Lương hiện còn một nhân vật rất đặc biệt tên là “Cu Đe”. Tên thật của “Cu Đe” là Trần Hữu Nam, năm nay đã 80 tuổi. Ông kể: “Sau năm 1954, tui hoạt động thoát ly ở chiến trường A Lưới. Một thời gian Đảng tiến cử tui giữ chức vụ Bí thư Huyện uỷ Phong - Quảng (Quảng Điền - Phong Điền).
Lúc mới lên, thấy cuộc sống đồng bào khó khăn, trong lúc đó chưa có nông cụ để sản xuất. Nhờ mấy món bí quyết của làng rèn Hiền Lương, thế là tui bày cho bà con cách đốt những thanh sắt nhỏ để chế ra cái rựa chặt củi, cái lưỡi cuốc để làm nương, rồi làm các chông sắt đánh Pháp, đánh Mỹ. Thấy việc làm hữu ích, khắp các thôn bản của người Pa Cô, Cơ Tu, đốt lò học nghề rèn. Vì tui là người đầu tiên dạy bà con làm cái liềm, cái cuốc để phục vụ cho việc đi rừng làm nương đốt rẫy nên đi tới mô bà con đều gọi tui là “Cu Đe”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét