Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Làng nghề tằm tang Yên Lạc


Nghề nuôi tằm đã có từ rất lâu ở Yên Lạc. Đại Tự - Liên Châu - Vạn Yên - Lão Thị - Yên Lão Giáp, là những làng ven sông Hồng đều có nghề “Tằm tang” cổ truyền, vì những nơi này đều có đất bãi, vùng đất thích hợp với việc trồng dâu. Có dâu tức là sẽ có tằm.
Gọi nghề “Tằm tang” là gọi theo lối cổ mang đầy đủ ý nghĩa.
“Một nong tằm là ba nong kén
Ba nong kén là chín nén tơ”
Chữ Tang đã hàm nghĩa: thời vụ trồng dâu, phương pháp trồng dâu, cách hái dâu, bảo quản dâu, cách cho tằm ăn.
Nếu nói “Tằm tơ” thì mới nói được một vế: “nuôi tằm lấy tơ”, chưa nói được vế quan trọng thứ hai “tạo ra dâu để nuôi tằm”. Cho nên, các cụ nói nghề “tằm tang” là rất chí lý.
Ở Đại Tự - Liên Châu - Vạn Yên - Lão Thị - Yên Lão Giáp, là những làng ven sông Hồng đều có nghề “Tằm tang” cổ truyền, vì những nơi này đều có đất bãi, vùng đất thích hợp với việc trồng dâu. Có dâu tức là sẽ có tằm.
Riêng Đại Tự và Liên Châu thuộc Yên Lạc có tới 95% dân số đã trồng dâu nuôi tằm. Trung bình cứ hai nhà lại có một máy kéo kén chạy điện. Ngoài ruộng trồng rau, trồng lúa, tất cả vùng bãi ven sông Hồng, người Liên Châu và Đại Tự đến trồng dâu để chăn tằm. Nhờ đó, họ mau chóng trở nên giàu có, không ai bị đói, bị nghèo. ở Yên Lạc có nhiều xã trồng dâu nuôi tằm rất giỏi, nên bộ mặt của huyện Yên Lạc cũng thay đổi hẳn. Các đường liên huyện của Yên Lạc đều trải nhựa, phẳng lì, thoáng rộng, nối liền với quốc lộ 2, làm thành một mạng lưới giao thông quan trọng, đẩy mạnh tốc độ đô thị hoá, nâng cao đời sống kinh tế quốc dân. Các đường liên xã cũng đang bê tông hoá. Chợ Tam Hồng, Chợ Minh Tân phồn vinh không kém gì các chợ tỉnh. Thị trấn Yên Lạc nằm ở vùng nông nghiệp to đẹp, đàng hoàng vào bậc nhất Vĩnh Phúc. Nhiều nhà cao tầng kiểu dáng hiện đại len lỏi kéo thành dãy ở các xóm thôn.
Yên Lạc có được bộ mặt như thế, chứng tỏ Đảng bộ và chính quyền ở đây đã hình thành và tập hợp được đội ngũ cán bộ và khuyến nông đầy nhiệt tình, có trình độ kỹ thuật cao. Họ chịu khó đến từng hộ nông dân để bàn cách làm ăn cho thật sự hiệu quả.
Hiện nay Yên Lạc, chủ yếu là Nguyệt Đức và Đại Tự, trồng giống dâu Hà Bắc, dâu Tam Bôi số 7, số 12, dâu Bầu trắng, dâu Bầu xanh, dâu lai F1. Dâu để giống đường kính thân từ 1 đến 2 cm, chặt dài 40 cm rồi bó gọn, mần hom cách nhát chặt từ 1 đến 2 cm.
Người ta trồng dâu vào tháng 11/12 dương lịch, lúc thời vụ tốt nhất. Sau 6 tháng vun bón, dâu đã thu hoạch được lá, đạt từ 15 đến 20 tấn một ha lá dâu.hái dâu cho tằm ăn tốt nhất vào buổi sáng, lúc mới tan sương.
Dâu trồng theo rạch, sâu 40cm, rộng 40cm. Rạch nọ cách rạch kia cũng 40cm. Mỗi rạch đặt 5 - 6 hàng hom theo hình nanh sấu, phủ đất dày 7 cm.
Nhà Thức Miều trồng có 1 sào 7 dâu mà một vụ xuân đã nuôi được 4 lứa tằm. Mỗi lứa gọn trong 21 ngày, bán được 2 triệu đồng tiền kén, lãi gấp 3 lần tiền trồng lúa. Số ruộng còn lại, Thức Miều trồng lúa, nhờ rắc phân tằm, họ đạt được 2 tạ 8 thóc một sào. Thật vô địch.
Vùng trồng dâu ở Liên Châu và Đại Tự không xen kẽ các loại cây khác nhau, mà chỉ:“Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu” (Chinh Phụ Ngâm)
Bãi dâu không ở cạnh ao đầm chăn vịt hoặc cạnh ruộng lúa phun thuốc sâu, ruộng bỏ phân chuồng chưa hoại, môi trường sinh thái kiểu này làm cho dâu dễ bị nhậy bị “ruồi bám”, mắc bệnh lá xoăn, bệnh vàng gỉ sắt. Tằm ăn phải lá dâu ấy sẽ chết hàng loạt. Dâu vùng bãi, đất xốp và ẩm nhiều phù sa nên năng suất cao. Lá to và mỡ. Tằm ăn ngon, chóng lớn, ít mắc bệnh, kén lớn, sợi tơ dài chính phẩm.
Hiện nay ở Yên Lạc thông thường nuôi tằm theo hai vụ xuân - thu, ít nuôi vụ hè. Vụ xuân từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch. Vụ thu từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch. Nhân dân đều tận dụng nhà ở để nuôi tằm, xem ra vẫn vệ sinh, không bị ngột ngạt. Một số hộ khá và giàu, làm nhà tranh tre rất thoáng rộng để lấy chỗ nuôi tằm riêng biệt. Thường thường họ kê những chiếc dàn cao 1,7m, lối đi chung quanh dàn vừa chỗ cho một người. Mỗi tầng dàn cách nhau 25 cm, đặt được 2 nong. Cứ mỗi dàn có 5 tầng là đặt được 10 nong.
Nhờ có nghề nuôi tằm ở Đại Tự, Liên Châu nên nghề đan nong ở Tam Hồng lại hồi phục. Nong có đường kính 1,2m, bán khoảng 11.000đồng. Người Tam Hồng đem nong ra chợ Lầm, mỗi ngày bán hàng trăm chiếc.
Người nuôi tằm phải mua trứng tằm từ Trung Quốc đem về, giống Lưỡng Quảng số 2 (F1TQ) “Tờ trứng giống” trạt trên giấy xi măng, trông giống hệt tờ giấy giáp, cỡ 25cm x 8cm, gọi là một vòng, giá mua 18.000 đồng. Từ lúc trứng nở tới khi kén mất 22 ngày, phải dùng 1 sào dâu, chi phí hết 50.000 đồng, thu được 16kg. Mỗi kg kén bán sống được 30.000đ.
Lượng dâu tằm con vào khoảng 15% tổng số. Một kg kén cần 20kg lá dâu. Tằm 1 tuổi thì dâu thái nhỏ bằng sợi mỳ tôm, lá dâu to cắt làm 4 lúc tằm trên 1 tuổi. Khi tằm chuẩn bị ngủ, dâu để cả cành cũng được. Một ngày, người ta cho tằm ăn 5 bữa, thay phân và san tằm trên lưới ni lông, mỗi ngày 1 lần để mở rộng diện tích cho thích hợp. Lưới thay phân có cỡ mắt 2cm x 2cm, không làm tằm sau bữa ăn sớm lúc 5 giờ sáng, bị va chạm xây xát lúc chuyển nong.
Khi tằm ngừng ăn dâu, mình vàng và bóng là lúc tằm sắp ngủ. Họ ngừng cho tằm ăn để mô tằm được mỏng, tằm lột xác dễ dàng. Sau khi tằm dậy đều, họ cho ăn trở lại. Lượng dâu chiếm 85%. Họ chú ý rắc vôi bột trong buồng tằm để chống ẩm và phòng bệnh cho tằm.
Khi tằm chín lên né vào lúc 5 tuổi. Nhiệt độ tốt nhất là 250 C , ẩm 70-75%. Loại tằm chín này làm thuốc chữa tê thấp rất hiệu nghiệm. Trần tằm vào nước sôi cho sạch nhớt và phân, sau đem rang khô bỏ vào lọ. Mỗi bữa ăn độ 5-6 con. Hai ba hôm đã thấy chuyển bệnh.
Người ta làm né kiểu nút “sâu róm” cỡ 1,2m đến 1,8m, bỏ từ 1.000 con đến 1.200 con tằm lên né là vừa. Sau 3 ngày, tằm nhả hết tơ và hoá nhộng. Vào ngày thứ 4, thứ 5 có thể gỡ kén bán hoặc kéo tơ. Ở Liên Châu có loại máy kéo kén giá 2 triệu đồng, dùng cùng lúc với một máy guồng tơ chạy điện và một nồi nhôm quân dụng cỡ 65cm. Dùng nồi nhôm gọn hơn dùng chảo gang hoặc vạc to. Mỗi máy kéo kén cần 2-3 công nhân. Thuê thợ ngoài trả công nhật 13.000đồng với cơm một người.
Tôi chú ý quan sát chị Hải thả kén vào nồi nước sôi, nồi này đặt cách máy kéo kén 1m. Mẻ “đầu đi” tức là mẻ đầu tiên, chị khoắng ngang nồi cho ra đầu mối, rồi quén bốn chung quanh cho gọn, vớt kén đổ vào mãng kẽm có nước vừa đủ ấm trên máy kéo kén. Cứ 25 quả chập đầu tơ lại với nhau rút thành 1 sơi. Sợi xuyên qua “khuy”, lồng vào “lỗ luồn”, xuống hai “con se”, ngắt sang “đuôi chuột”, vòng qua “ngàng nhỏ”. Máy kéo có 15 con “con se” được 15 con tơ. Chị Hải cho biết, ươm 6kg kén tằm mùa xuân hay mùa thu thì được 1kg tơ. Còn mùa hè phải mất 7 đến 7,5kg kén mới được 1kg tơ. Mùa hè, chỉ những nhà dư công nhân mới tiếp tục nuôi tằm, thường thì tạm nghỉ khoảng 3 tháng. Thời kỳ này hay có nhặng đốt tằm và hay mắc bệnh “bủng trong”. Trời nắng nóng, nhiệt độ thường 280 và ẩm độ vượt quá mức cho phép. Kéo kén mùa này thường gặp phải kén có nhộng chết. Kén xấu, không lãi mấy. Đạt nhất là hai vụ xuân thu, mỗi ngày máy kéo được 25kg kén, cho 4 kg tơ, tháo cao tơ ở “gàng nhỏ” ra, cho vào guồng quay thì được “nén tơ”.
Các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc cử người về Yên Lạc mua tơ để xuất sang Thái Lan. Hơn bù kém, mỗi kg tơ người Liên Châu lãi 500.000đồng. Nếu tự giải quyết được khâu tiếp thị, chắc chắn họ còn lãi nữa.
Ngoài tiền lãi ấy, người nuôi tằm còn bán được “sơ kén”. Mỗi kg thu được 65.000 đồng. Lại còn mảng vỏ của kén, gọi là “áo nhộng” mỗi kg cũng bán được 12.000 đồng. Cuối cùng mới bán đến “con nhộng” dùng để rang với hành mỡ, mắm muối làm thực phẩm. Mỗi kg nhộng cũng bán được 10.000 đồng. Món ăn này rất bổ, nhiều Protít và Lipít. Ta biết rằng cứ 1kg kén thì được 5 lạng nhộng. Từ đó cộng các món lại ta sẽ tính ra tổng doanh thu mỗi ngày của một hộ nuôi tằm.
Có đi tận nơi, nhìn tận mặt mới thấy người Yên Lạc giỏi, xoay hết nghề này lại chuyển sang nghề khác để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, một khi nghề đã bão hoà. Nhờ thế Yên Lạc mới tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc. Nền văn hoá cổ truyền rực rỡ, được phục chế, được tôn tạo. Nền văn hoá hiện đại thì đồ sộ, tráng lệ trên những vật thể lâu đài, phố xá, công sở... Văn học nghệ thuật, thơ ca cũng từ đó vươn lên.
Nghề “Tằm tang” ở Yên Lạc là một trong những đóng góp đáng kể ấy để cho Vĩnh Phúc tự khẳng định mình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét