Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Làng rèn Đa Sỹ


Làng rèn Đa Sỹ, xưa gọi là Kẻ Sẽ là một ngôi làng Việt cổ, nổi tiếng với nghề rèn.
Hội làng Đa Sỹ được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng Âm lịch với rất nhiều nghi thức cổ truyền như Tế lễ, dâng hương, rước kiệu, cùng các hoạt động văn hóa như hát ca trù, diễn tuồng đồ, đánh đu, đánh cờ người ... thu hút hàng nghìn khách thập phương về dự hội.
Thôn Đa Sỹ thuộc phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông là một làng Việt cổ với hơn 1000 năm lịch sử, nổi tiếng với nghề rèn truyền thống và nằm trong danh sách làng nghề cổ truyển được bảo tồn.
Người Đa Sỹ có nhiều niềm tự hào về mảnh đất quê hương: có nghề rèn trải qua nhiều thế hệ, có nghề thuốc nổi tiếng với nhiều bậc danh y và đặc biệt, đây là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sỹ đỗ đạt. Đó cũng là lý do cái tên Đa Sỹ được đặt tên cho miền đất này thay cho tên trước đây là Làng Sẽ.
Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng, nghề rèn Đa Sỹ có từ đời Hùng Vương thứ 18, là nơi cung cấp vũ khí cho các lạc hầu, lạc tướng giữ yên bờ cõi và sản xuất nông cụ phục vụ sản xuất, lao động.
Nhưng làng Đa Sỹ chính thức có được nghề rèn độc đáo như ngày nay là phải nhờ có hai vị tổ nghề là cụ Nguyễn Thuật và cụ Nguyễn Thuấn, khi đóng quân trên đất làng Sẽ xưa đã truyền nghề rèn lại cho dân làng. Dân làng Đa Sỹ tổ chức cúng lễ hai cụ vào các ngày 27 tháng 3 và 25 tháng 8 âm lịch để tưởng nhớ công ơn mở nghiệp.
Các sản phẩm của Đa Sỹ nổi tiếng bởi độ bền, sắc, cứng hơn bất cứ sản phẩm rèn nào trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những lưỡi mác, những ngọn giáo Đa Sỹ đã góp phần viết nên lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc.
Hòa bình lập lại, nghề rèn Đa Sỹ lại cho ra đời những nông cụ như chiếc cày, cái bừa, các chi tiết máy phục vụ công nghiệp hay đơn giản là trở thành người bạn thân quen của các bà nội trợ...
Đến với Đa Sỹ, cảm giác ban đầu của bạn hẳn là sự hào hứng khi tới đầu làng đã nghe thấy tiếng búa vang vang từ các xưởng rèn với không khí lao động hăng say, nhiệt huyết.
Vào đến đầu làng, bạn sẽ được người dân chỉ dẫn đến gian trưng bày của "Hiệp hội nghề rèn truyền thống Đa Sỹ". Tại đây, bạn có cơ hội được nghe nghệ nhân Hoàng Văn Huynh kể chuyện về lịch sử của nghề rèn truyền thống, cũng như những tận mắt chứng kiến những sản phẩm được rèn theo phương pháp cổ truyền không nơi đâu có được.
Bạn có thể yêu cầu được tham quan xưởng rèn của Hợp tác xã Tiền Phong để biết được các công đoạn làm nên một sản phẩm như rèn tạo phôi, làm nguội, bào gọt, tôi, mài ... do chính bàn tay các lớp thế hệ người dân Đa Sỹ tạo ra.
Bạn nên dành một chút thời gian tham quan quần thể di tích kiến trúc Đình và Chùa Đa Sỹ. Và đừng quên thắp lên một nén tâm hương dâng lên ban thờ vị thành hoàng cùng các vị tổ nghề rèn để bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với công lao của các bậc tiền nhân.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét