Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Mạng 3G: Khi nào chất lượng tăng kịp giá?


- Sau khi các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G gói không giới hạn lên 40%, trên hàng loạt các mạng xã hội, diễn đàn công nghệ, người dân có những phản ứng gay gắt và nhiều người cho biết sẽ từ bỏ 3G vì giá đã vượt quá xa so với chất lượng.
 >>  Đồng loạt tăng cước 3G: Có dấu hiệu độc quyền nhóm!
 >>  Vì sao tăng cước 3G?

Giá dịch vụ 3G hiện đang bỏ xa chất lượng mạng.
Giá dịch vụ 3G hiện đang bỏ xa chất lượng mạng. (ảnh: Khôi Linh)
 
Tính từ đầu năm tới nay, các nhà mạng đã 2 lần tăng cước 3G. Hồi tháng 4/2013, MobiFone và Vinaphone tăng gói cước không giới hạn từ 40.000 đồng/tháng lên 50.000. Viettel lúc đó mặc dù không tăng giá nhưng đã ghép chung giá gói cước và phí duy trì, và mức giá cũng là 50.000 đồng.
 
Tới ngày 16/10, nhà mạng tiếp tục nâng giá các gói này lên 70.000đ. Như vậy chỉ trong vòng 6 tháng, những gói cước này đã tăng giá gần gấp đôi.
 
Trong Buổi tọa đàm “Vì sao tăng cước 3G” do báo Infonet tổ chức sáng 17/10 tại Hà Nội, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các nhà mạng… đã trả lời rất nhiều câu hỏi của bạn đọc xung quanh chủ đề nóng này.
 
Tuy nhiên những câu trả lời chưa thỏa mãn một thắc mắc: Khi nào chất lượng tăng kịp giá?
 
Giá dịch vụ 3G hiện đang bỏ xa chất lượng mạng.
Hồi cuối tháng 3/2013, mạng 3G của Viettel bị trục trặc khi truy cập vào một số trang báo trong nước, tuy nhiên nhà mạng không có lời giải thích nào tới người dùng.
(iPhone 4S sử dụng gói cước 3G MIMAX của Viettel gần như không thể truy cập vào báo Dân trí, ảnh chụp màn hình điện thoại chiều 21/3)
 
Trước câu hỏi “Từ khi các mạng di động cung cấp dịch vụ 3G, Bộ đã kiểm tra hay chưa? Nếu có kiểm tra thì có mạng nào không đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không?”, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục Trưởng Cục Viễn thông cho biết hiện nay tiêu chuẩn chất lượng về di động nói chung chủ yếu nằm ở chất lượng thoại. Với dịch vụ data, hiện chưa có tiêu chuẩn.
 
Theo ông Trung, cơ quan quản lý hiện chỉ kiểm tra “theo cam kết của DN về chất lượng trong quá trình được cấp phép”.
 
“Chúng tôi đang hoàn thiện tiêu chuẩn cho dịch vụ data trên di động. Khi đấy chúng tôi sẽ đánh giá theo chất lượng do Bộ TT&TT ban hành. Đến thời điểm này, hàng năm chúng tôi vẫn kiểm tra chất lượng dịch vụ của DN nhưng kiểm tra sâu về data hiện nay thì chủ yếu theo cam kết của DN chứ chưa có tiêu chuẩn cụ thể”, ông Trung nêu.
 
Cơ quan nhà nước chưa có thước đo chuẩn về chất lượng 3G của các mạng di động, hiện chỉ hoàn toàn dựa vào cam kết của doanh nghiệp. Chất lượng 3G hiện nay đang ở mức nào, bất cứ ai cũng có thể đánh giá bằng cách tự mình trải nghiệm thực tế trên các gói cước của nhà mạng, cũng như  nhìn vào hàng nghìn ý kiến đánh giá của người sử dụng trên hầu hết các diễn đàn công nghệ hiện nay.
 
Sau các bài viết về 3G đăng trên Dân trí, hàng nghìn độc giả đã gửi ý kiến bày tỏ sự bất bình khi chất lượng mạng 3G ngày càng kém nhưng giá thì tăng chóng mặt. Ngoài việc than phiền về chất lượng mạng ngày càng đi xuống, nhiều người cho biết trong thời buổi bão giá này, họ sẽ cắt 3G để tiết kiệm một khoản chi tiêu mà “nếu không có cũng không sao”.
 
Khôi Linh
 
Sau một ngày thực hiện khảo sát về dịch vụ 3G, Dân trí đã  nhận được gần 1 vạn lượt trả lời bình chọn. 92% (7012 người) đánh giá rằng việc tăng giá là một hành vi độc quyền nhóm của 3 ông lớn, và sẽ không sử dụng dịch vụ 3G nữa; 4% (297 người) tin đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường viễn thông Việt Nam bắt đầu trưởng thành, cước 3G tăng tức người dùng sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn và 4% (335 người dùng) có ý kiến khác.
 
Theo ông Nguyễn Đức Trung thì “sự tồn tại của các gói cước hoàn toàn do thị trường quyết định”. Quan điểm của ông rất đúng. Với việc hàng nghìn người dùng “dậy sóng” phản ứng, dọa quay lưng với các gói cước tăng tới 40% này, có lẽ doanh nghiệp cũng phải dự tính một tương lai không mấy sáng sủa cho các gói cước tăng phi mã của họ.
Theo dantri.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét