Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Nghề nghề đúc đồng ở Long Điền


Long Điền là một huyện nằm trên trục lộ 55 nối liền thị xã Bà Rịa, thành phố Hồ Chí Minh với huyện Xuyên Mộc và tỉnh Bình Thuận. Long Điền nằm sát bên con đường vận chuyển hàng hoá từ cửa biển Phước Tỉnh, Long Hải và Chợ Bến. Do vị thế thuận lợi, cách đây 300 năm, những người Việt trên con đường mở đất về phương nam đã chọn vùng đất trù phú này làm nơi an cư và lập nghiệp. Sự quy tụ được nhiều dân cư nhiều nơi về đây sinh sống đã làm cho thôn xóm trở nên đông đúc kéo theo là sự phát triển mạnh của các nghề nông, diên, ngư nghiệp và thương nghiệp, tiếp đó là hàng loạt các nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ những lĩnh vực này ra đời như nghề đóng ghe, nghề đục đá, nghề mộc, nghề làm bún… Đặc biệt là nghề đúc đồng tương đối phát triển. Nhiều sản phẩm bằng đồng của Long Điền đã nổi tiếng khắp thị trường miền tây Nam Bộ.
Nghề đúc đồng ở Long Điền có từ những năm 90 của thế kỷ XVII, đến nay đã được truyền qua nhiều đời. Đúc đồng là nghề có một sức sáng tạo độc đáo với những hoa văn phức tạp trên sản phẩm mang đậm nét dân gian truyền thống đòi hỏi người thợ phải có cặp mắt tinh tường, đôi tay khéo léo và phải là những nghệ sỹ bậc thầy về âm thanh. “Quá khứ vàng son” của nghề là vào thời Chúa Nguyễn và thời nhà Nguyễn khi mà triều đình phong kiến còn tồn tại với sự phát triển mạnh của các đền miếu, chùa chiền,…
Tuy nhiên cho đến nay trên địa bàn thôn Long Sơn, huyện Long Điền chỉ còn lại 04 hộ làm nghề đúc đồng với quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu là chuông lớn, chuông gia đình, và các sản phẩm khác như lư đồng, đồ thờ cúng,…. Thị trường tiêu thụ được thông qua cửa hàng phân phối trung gian tại thành phố Hồ Chí Minh và các chùa trong khu vực miền Nam. Nguồn nguyên liệu được các cơ sở mua tự do ngoài thị trường với chất lượng trôi nổi không được kiểm soát. Nghề đúc đồng ở Long Điền đang đứng trước nguy cơ bị chìm lãng, mai một do thiếu thị trường, thiếu vốn, thiếu công nghệ, bị cạnh tranh bởi nhiều loại hàng thay thế. Nhiều nghệ nhân đã phải chuyển đổi sang nghề khác vì kế mưu sinh. Xóm chuông “một thời xa vắng” đang rất cần có sự lên tiếng, quan tâm của các cấp lãnh đạo và các ban ngành chức năng trong việc phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân đồng thời phát huy tiềm năng phát triển làng nghề gắn liền với du lịch./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét