Xuất phát từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là nương rẫy, sử dụng cày trên khô, người dân tộc Mông sinh sống tại tỉnh Sơn La có nghề rèn kỹ thuật cao từ khá sớm. Trước đây, mỗi gia đình đều có một lò rèn. Lò có thể được đặt ở ngay cạnh nhà hay trong những hang đá. Nghề rèn được làm vào lúc nông nhàn hay dịp đầu năm để chuẩn bị cho mùa nương, mùa ruộng mới.
Khâu đầu tiên trong công việc làm rèn là chuẩn bị than đốt và đắp lò. Lò được đắp bằng đất, cao khoảng 80 cm, hình trụ, đường kính khoảng 60 cm, mặt lò võng xuống khoảng 15 – 20 cm để cho than vào. Công cụ làm rèn gồm bễ, đe, búa, kéo cặp và máng nước.
Các sản phẩm làm từ nghề rèn chủ yếu là công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như dao, cuốc, thuổng, hái cắt lúa, cày... Trong đó, cày là công cụ sản xuất điển hình với phương pháp đúc thủ công nhưng có khả năng cày sâu 10 – 15 cm. Lưỡi cày còn cắt đứt các rễ cây, cỏ dại, thích nghi với việc cày đất khô, dốc thoải và tương đối cao.
Làm rèn đều theo một quy trình và cần có 2 người, một người kéo bễ để than trong lò cháy đều cung cấp nhiệt cho quá trình rèn và một người rèn. Khi rèn, người ta cho sắt vào nung đỏ, đưa ra để lên đe dùng búa đập cho đến khi sắt nguội lại cho vào lò nung, cứ vừa nung sắt, vừa quai búa cho đến khi được sản phẩm ưng ý. Sau khi tạo xong dáng của sản phẩm tiến hành tôi sắt, máng gỗ đựng đầy nước, bỏ vào đó một ít một lượng muối tuỳ theo và chờ cho muối tan hết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét