Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Nghệ thuật ghép vải của người HMông

Phương pháp chắp ghép vải có lẽ là dấu vết của nền “văn minh da thú” vốn có từ xa xưa…là một trong những yếu tố để nhận biết “người Hmông mình với nhau” dù họ có ở nhóm nào đi nữa. Những nét xa xưa ấy đã được cộng đồng người Hmông ở Kỳ Sơn, Nghệ An phát triển thành một loại hình nghệ thuật thực thụ - Nghệ thuật ghép vải
Ghép vải là phương pháp cắt tạo hoa văn trên một mảnh vải để chắp (may) trên những mảnh vải nền khác nhằm tạo ra một loại hoa văn trang trí với các cấp độ màu sắc khác nhau. Tất cả các chi trong dân tộc người Hmông, dù là người Hmông Trắng, Hmông Hoa, Hmông Đỏ hay Hmông Đen… đều có kỹ thuật thêu và ghép vải khá tinh vi, nhưng để tạo nên những tác phẩm thực sự làm rung động lòng người, để tạo nên những sản phẩm thủ công xuất khẩu đến nhiều quốc gia thì có lẽ chỉ có ở xã Huồi Tụ của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Mỗi một hoạ tiết hoa văn của người Hmông Kỳ Sơn luôn chứa đựng các ý nghĩa hết sức khác nhau, là một câu chuyện kể về muôn mặt cuộc sống của mỗi người Hmông, rất đỗi giản dị đời thường. Theo truyền thuyết của người Hmông kể lại rằng, xưa kia người Hmông cũng có chữ, song do thua trận trong cuộc chiến với người Hán nên phải chạy bộ và để giữ lại chữ viết của mình không còn cách nào khác là nhờ người phụ nữ thêu, chắp chữ lên váy. Đó là những hoa văn dạng cầu vồng để cầu mong mưa thuận gió hoà, ruộng đồng tốt tươi, hoa văn hình con ốc sên để nhắc nhở các công việc ruộng đồng bởi ngày ngày lên nương họ thường gặp những con ốc sên ở đó, rồi hoạ tiết hoa gai biểu tượng cho nỗi nhớ nhung của người phụ nữ Hmông khi mang thai, họ rất nhớ chồng con mỗi buổi lên nương, bên cạnh họ chỉ có những cây hoa gai làm bạn nên họ đã thêu những bông hoa gai lên cổ áo, ngực áo, tay áo để đánh dấu nỗi nhớ của mình
Các dạng mẫu hoa văn được truyền từ đời này được truyền từ đời này sang đời khác, từ người này sang người khác một cách tự nhiên, ở bất cứ đâu và trở thành thói quen, thành yếu tố tâm lý thẩm mỹ mang tính cộng động. Khi tạo văn bằng phương pháp thêu, người Hmông Kỳ Sơn rất chú ý đến cách pha màu sao cho mỗi mảng hoa văn đều có chiều sâu và những đường nét chủ đạo đều nổi bật, chính vì vậy sự phân bố hoa văn của họ luôn gây được ấn tượng đối với bất kỳ một khách hàng nào.
Sản phẩm ghép vải của Kỳ Sơn đủ kiểu dáng và sắc màu trông thật bắt mắt. Một vài sản phẩm chính có thể kể đến là: những chiếc ba lô, túi khóac du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, ... với đủ sắc màu và thật tinh tế. Các sản phẩm hàng hóa làm ra ở đây được bán tại rất nhiều cửa hàng sang trọng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hội An…, xuất khẩu không chỉ sang các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan mà còn có mặt ở Anh, Pháp… và cũng thật tự hào khi các sản phẩm của nghệ thuật chắp vải của mảnh đất Kỳ Sơn đã được Tổ chức 10.000 làng nghề “ten thousands villages” phân phối trên thị trường của Mỹ…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét