Người dân Ðồng Lạc làm nghề đúc lưỡi cày đã gần 300 năm nay. Theo bà con trong làng kể lại: một người ở Thác Nghè (Thiệu Yên, Thanh Hoá) đã truyền nghề này cho họ Lê Thiệu.
Lưỡi cày Ðồng Lạc bán khắp hạt Hoằng Hoá, sang cả Quảng Xương, Ðông Sơn, qua Hậu Lộc, Hà Trung. Lưỡi cày và diệp cày được đúc bằng gang, nên người đi bán lưỡi cày, diệp cày cũng chính là người đi đổi lưỡi cày và diệp cày cũ đã cùn hoặc bị gãy mang về làm nguyên liệu.
Dụng cụ đúc lưỡi cày gồm một cái bễ, làm bằng cây gỗ lim chẻ đôi, lọng ruột, ốp lại rồi gắn bằng hồ đặc biệt gồm vôi, lá bới lời, bồ hóng giã kỹ trộn với mật. Ðường kính của bễ khoảng 30 - 40cm, thân dài khoảng 4m. Gương bễ hay lòng bễ (piston) được kết bằng lông cổ gà trống. Lúc kéo gương bễ phải dùng đến sức người để điều khiển lòng bễ. Quan trọng nhất là người cầm cái guốc của cán lòng bễ phải khoẻ và có kỹ thuật cao. Lòng bễ có một cái rãnh, lỗ hơi ra để phụt vào nồi gang nằm giữa ống bễ. Lúc đúc lưỡi cày, bễ phải để nghiêng khoảng 300. Nồi đúc bằng gang, mặt nồi có trát một lớp đất mỏng. Gang chảy theo một cái khe, từ đó đổ vào khuôn. Khuôn lằm bằng đất, cốt bằng gang. Gang đổ vào khuôn để nguội, dỡ khuôn ra, lấy lưỡi cày và diệp cày. Tất nhiên phải dùng dao, cái giũa,... kỳ cọ không nhiều để lưỡi cày và diệp cày được tinh tươm. Ngoài ra, muốn xem kỹ thuật cao hay thấp, lưỡi và diệp cày đẹp hay không còn phụ thuộc vào dòng chảy của gang, kỹ thuật đổ khuôn, và tay nghề của người thợ khi làm khuôn nữa.
Có thể nói, nghề đúc lưỡi cày ở Ðồng Lạc khá vất vả. Song điều khiến nông dân huyện Hoằng Hoá luôn tự hào chính là ở danh tiếng của lưỡi cày Ðồng Lạc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét