Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Nồi niêu làng Hiển


Từ thời xa xa, làng Hiển Lễ, tên nôm là làng Rẫy đã có một quá trình làm nồi đất nổi tiếng. Lúc ấy, làng thuộc về Tổng Hiển Lễ, huyện Bình Tuyền, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Sau thuộc về huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, nay là huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, nằm trong xã Cao Minh, cách thị trấn Xuân Hoà 2km. Ông tổ nghề làm nồi đất ở Hiển Lễ là người họ Vũ, nguyên quán thôn Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Thanh Hoá, lưu lạc ra Bắc Hà và định cư ở đó.
Làng Hiển Lễ chuyên vần những chiếc nồi đất rất to, gọi là Nồi Cảng, Nồi Hông hoặc Nồi Đình, đường kính rộng tới 50cm và chuốt những chiếc chậu rất lớn, gọi là Chậu Hiển. Loại chậu này khi nung xong vẫn còn nặng tới 6kg, có đường kính 60cm. Nồi Cảng và Chậu Hiển dùng để gánh nước, đựng nước ăn, làm bột sắn dây, nhất là để ngâm sứa biển từ Hải Phòng mang lên. Sứa biển được ngâm nước vỏ dà, vỏ sú, bán làm quà cho người ta ăn với đậu phụ, mắm tôm, kinh giới ở chợ Phúc Yên và Vĩnh Yên.
Đặc biệt các cô gái làng Hiển khi về nhà chồng, cô nào cũng phải dùng nồi hoặc chậu để gánh một gánh nước thật đầy từ giếng ngoài đồng về làng. Phong tục ấy rất đẹp và có ý nghĩa sâu sắc. Vì nồi hay chậu to, chữ Hán gọi là Chung, đồng âm với chung là sau. Còn nước chữ Hán gọi là thuỷ, đồng âm với thuỷ là trước. Con người ta phải sống sao cho có thuỷ, có chung, trước như thế nào, sau phải như thế ấy, không được quay quắt, bội bạc. Làm thân con gái, khi về nhà chồng, đạo đức ơn nghĩa, quý nhất là hai chữ thuỷ chung. Gánh nước đầy nói lên trọng trách gánh vác giang sơn nhà chồng của người con gái, đồng thời cũng thể hiện cái đẹp thanh khiết, thơm tho trong sáng như phẩm giá nàng trinh nữ.
Người Hiển Lễ lại khéo léo chuốt được đủ loại vung nồi. Bé như vung niêu đất, đường kính có 5cm. Lớn như vung nồi đồng điếu, loại nồi 7, nồi 10, cho tới nồi 30, ta vẫn dùng luộc bánh chưng, cạo lông lợn. Miệng rộng tới 30cm. Vào cái thuở nồi đồng úp vung đất, như câu ca dao đã răn đe:
“Nồi đồng lại úp vung đồng
Con gái xứ Bắc lấy chồng Quảng Nam”
Nhưng vùng đất Hiển Lễ vẫn chiếm u thế. Nồi đồng đậy vung đất mới khít.
Người Hiển Lễ chuốt vung thành 4 tầng để kiêng không cho giống bầu vú nàng trinh nữ. Phần loe ở dưới như cái vành khăn, tiếp xúc thật khít với nồi. Nếu là nồi đồng thì vung lọt vào trong, nếu là nồi đất thì vung chờm ra ngoài. Phần khum nối với phần loe, úp chụp xuống. Phần chóp dính với phần khum, thu diện tích miệng nồi lại. Cuối cùng là phần núm, tuyệt đối không được giống núm vú, mà nom như cái chén vại đặt ngửa. Cầm núm ấy, ta mở và đậy vung được dễ dàng, không bịt tuột tay. Nghĩ ra kiểu dáng ấy, Đức tổ muốn rằng trong quá trình làm nghề, trai gái gần nhau sẽ không sàm sỡ.
Có lẽ chỉ riêng một mình làng Hiển Lễ biết chuốt vung kiểu như thế. Âu cũng là niềm vinh dự, tự hào, nét độc đáo của huyện Mê Linh, vừa có văn hoá, vừa có đạo đức.
Cho đến thời đại nhôm, nhựa, sứ, thuỷ tinh, pha lê, những người nấu rượu để lấy bã chăn lợn, vẫn thích vung Hiển và bắt buộc phải dùng vung Hiển. Họ lấy dao nhọn khoáy một cái lỗ thật tròn bên trong núm vung rỗng ấy. Đất mới nung chín màu cá vàng được dấp nước, nên khoét dễ, miễn là đừng vội vàng.Họ lắp cái ống cao su to bằng cái săm xe đạp, dày và cứng. Hơi rượu bốc lên vung, chui thẳng vào vòi cao su, qua bể lạnh, ngưng tụ thành rượu, chảy vào hũ. Sản lượng rượu thu được, cao chưa từng thấy ở kỹ thuật nấu rượu, chảy cổ điển nào! Bỗng rượu lại không hăng, lợn ăn no chóng lớn, sạch sán đỏ da, thắm thịt.
Hầm cá rô, nếu không có vung Hiển cũng không thể hầm được, khi loại nồi “áp xuất” cha ra đời. người ta cho cá rô vào niêu đất, lớp riềng, gừng hoặc sung dưới đáy, pha tương với nước lã vừa đủ, đổ sâm sấp láng mặt cá. Đậy vung thật khít rồi đun lửa nhỏ. Đun cho kỹ không còn nghe thấy tiếng sôi lạch bạch nữa thì đổ chấu ủ lại phía trên vung và 4 cạnh nồi thì quấn rơm rạ hoặc lá khô đốt lửa cho bén. Lửa đang cháy thì đổ trấu ập tràn lên vung. Qua một đêm hầm, gắp ăn, con cá rô khô cứng. Tất cả xương cá đều chín dừ. Cá rô vốn là loại cá lắm xương răm, thế mà hầm bằng nồi, niêu vung Hiển, trẻ con lên 3 ăn cũng không sợ hóc. Có thể coi cách kho cá của người Mê Linh là một “Tài năng văn hoá ẩm thực” Nhai cả sung lẫn cá, vừa thơm vùa bùi, chống được bệnh còi xương.
Chín thôn Đại Hoàng, Hán Nữ, Minh Quyết, Thanh Dã , Vĩnh Thịnh, Mậu Lâm, Mậu Thông, Đôn Hậu, Khai Quang và Bảo Sơn, xóm Bàu, xóm Láp thuộc phường Liên Bảo, thị xã Vĩnh Yên cũng biết chuốt nồi niêu đất. Nhưng nói đến làm vung nồi đất thì họ chịu. Các bà ở Hương Canh như bà Thìn Sánh, bà Bèn, bà Quảng xa buôn nồi đất Vĩnh Yên, dù sang Thái Nguyên, xuống Phù Lỗ, chợ Đồng Xuân hay Hà Đông, Sơn Tây, bao giờ các bà cũng phải rẽ vào Hiển Lễ lấy đủ số vung cho cả gánh nồi đất.
Như vậy, giữa Vĩnh Yên và Hiển lễ (Phúc Yên) đã có mối quan hệ gắn bó “Nồi vung” từ lâu đời thật là điều lý thú. Chả thế mà Vĩnh Yên và Phúc Yên đã hợp nhất thành Vĩnh Phúc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét