Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Làng nghề áo dài Trạch Xá


Chẳng biết từ bao giờ, hình ảnh người thiếu nữ trong trang phục áo dài với các sắc màu trang nhã rỡ đã trở thành biểu tượng của trang phục, là sản phẩm văn hóa không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của phụ nữ Việt nam. Nhưng chiếc áo dài đã có tự bao giờ và đâu là nơi nguồn cội...
Chạy dài trong khu phố cổ còn giữ nguyên vẻ trầm mặc, cổ kính và quý phái, phố Lương Văn Can thường được biết đến là phố “Áo Dài” với những nhà may nổi tiếng như Vinh Trạch, Phúc Trạch, Tân Trạch... Khi được hỏi tại sao các hiệu may đều có chữ “Trạch” ở cuối tên, những người chủ cửa hàng đều rất đỗi tự hào kể về quê hương của họ, làng Trạch Xá, huyện Mỹ Ðức, tỉnh Hà Tây, ngôi làng có nghề may áo dài gia truyền nổi tiếng lâu đời.
Những người già ở Trạch Xá cũng không rõ nghề may áo dài của làng mình có từ bao giờ, nhưng ngược dòng thời gian tìm về cội nguồn, hình ảnh chiếc áo dài Việt với hai tà áo thướt tha trong gió đã được tìm thấy qua các hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách nay đã hàng nghìn năm. Ở Trạch Xá, dường như mỗi người khi vừa sinh ra đã biết cầm kim, chỉ cần một tay nải trong có cái thước kinh (thước dài 40 cm), cái kéo, cái vạch cùng cây kim sợi chỉ là họ có thể làm được nghề may ở khắp mọi nơi. Nhiều người thợ Trạch Xá đã được các vị Vua của triều đình Huế triệu về may áo, họ chỉ được nhìn từ xa mà vẫn phải cắt chuẩn.
Cũng giống như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari, trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, Áo dài của Việt Nam cũng yêu cầu những chuẩn mực hết sức khắt khe nhằm thể hiện được những nét tinh tế nhất, từ việc lựa chọn kiểu may, màu sắc, chất liệu vải, đến những họa tiết trang trí... May áo dài khó nhất có lẽ là may những đường luôn (đường tà), nên ở Trạch Xá ai cũng thuộc lòng câu “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”, nghĩa là phải khâu đường tà sao cho mũi kim chỉ tròn nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đên cũng không được nhìn thấy.... Để có những mũi chỉ như thế, người Trạch Xá đã phát minh ra cách cầm kim dọc làm đường kim sẽ không bao giờ chệch hướng và đều. Tuy nhiên có đường tà đẹp vẫn chưa đủ mà việc đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi” cũng là một trong những bí quyết góp phần làm những chiếc áo dài của người Trạch Xá bao giờ cũng mềm mại hơn, tha thướt và thực sự quyến rũ hơn.
Đã có rất nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến Trạch Xá, không chỉ để đặt mối quan hệ hợp tác đưa sản phẩm Áo dài của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới, mà còn để chiêm ngưỡng những đôi bàn tay, những ngón tay búp măng đang lướt nhẹ trên những suối lụa mềm, để hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa phi vật thể của chiếc áo dài Việt Nam. Còn đối với người Trạch Xá, dù đi đâu, họ vẫn luôn yêu quý và gìn giữ nghề như một báu vật mà cha ông đã truyền lại, một nghề mà họ luôn tự hào có thể đem lại cho phụ nữ cái đẹp mãi trường tồn cùng dân tộc, trường tồn cùng năm tháng ./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét