Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Làng nghề Đậu Bạc Định Công


Xưa kia, làng Định Công (Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề kim hoàn đặc biệt là nghề đậu bạc. Đây là một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long còn tồn tại đến ngày nay.
Theo sử sách ghi chép lại, nghề đậu bạc Định Công có từ thế kỷ thứ VII (thời Tiền Lý) do ba ông Tổ nghề Trần Điền - Trần Điện - Trần Hòa truyền lại cho dân làng. So với các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hải Dương), những sản phẩm từ đậu bạc ở Định Công có nét đặc trưng riêng.
Đó là các sản phẩm được tạo thành từ những sợi bạc se, do đó lỗ chỗ những khoảng trống trên bề mặt sản phẩm chứ không liền mạch. Muốn vậy, trước hết người thợ phải nấu chảy bạc rồi kéo thành sợi với những kích cỡ khác nhau. Sau đó, thợ sẽ se (Tết) hai sợi chỉ bạc lại như chiếc dây thừng, cán bẹp để chúng liền làm một. Bằng sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay, người thợ sẽ gắn kết các sợi bạc se đó lại với nhau, tạo thành những bông hoa, cánh bướm... trên đồ trang sức, đồ trang trí, khung tranh ảnh...
Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 50-60% gia đình theo nghề kim hoàn. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, số gia đình theo nghề đậu bạc ở Định Công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tiền công làm ra chẳng đáng kể so với các ngành nghề khác nên nhiều gia đình gác nghề đậu bạc lại để chuyển đổi sang công việc dễ thở hơn.
nghề đậu bạc biểu trưng cho sự tinh xảo của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, hoàn toàn làm thủ công và không thể thay thế bằng máy móc. Trước tiên, người thợ kim hoàn phải nấu bạc thành thoi sau đó cán kéo và rút thành từng sợi nhỏ như sợi chỉ hoặc tóc. Tiếp đến họ xe hai hoặc ba sợi giống như sợi dây thừng rồi dùng sợi này uốn thành những họa tiết nhỏ như cành hoa, con bướm, hoa bèo, hoa phù dung… Kỹ thuật đậu cũng làm ra những hạt bạc nhỏ li ti rồi dùng vẩy hàn gắn kết lại với nhau thành các vật phẩm.
Để có được một sản phẩm bạc đậu, những người thợ phải mất tới hàng chục ngày công với những thao tác công phu, tỉ mỉ. Người thợ đậu có tay nghề cao là khi tất cả các hoa văn đính trên sản phẩm phải đều nhau, không được lộ ra những mối hàn. Hiện nay, đền thờ Tổ nghề vẫn ở làng Định Công và đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1994.
Theo thời gian, nghề đậu bạc Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) đã dần mai một. Những người trẻ không còn thiết tha với nghề truyền thống, còn lớp nghệ nhân nay đã xấp xỉ bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy". Nhưng giữa vòng tranh tối tranh sáng đó vẫn còn những người yêu nghề, gắn bó và gìn giữ gia sản của cha ông, nghệ nhân Quách Văn Hiểu là một trong số ít người của làng vẫn còn hoài cổ với nghề đậu bạc này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét