Trước đây, tôi nghĩ đơn giản, bẹ chuối chỉ có thể làm thức ăn cho heo hoặc phơi khô làm chất đốt, sao có thể biến thành hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, khi nghe kể về làng nghề đan bẹ chuối, tôi đã tìm về xã Quảng Long (Quảng Xương - Thanh Hóa) để “mục sở thị”.
Từ Quốc lộ 1A, đi trên con đường bê-tông phẳng phiu, chúng tôi tìm về thôn Thổ Ngõa, nơi đang tổ chức lớp học và chế biến hộc, giỏ hoa từ bẹ chuối. Nhà văn hóa thôn gần một năm nay luôn tấp nập người đến học nghề hoặc trao đổi sản phẩm.
Tay thoăn thoắt vắt sổ cho xong chiếc hộc, bà Nguyễn Thị Miện, học viên nhiều tuổi nhất lớp, móm mém nhai trầu vui vẻ nói: “Tôi tham gia lớp học được một tuần, hôm nay là ngày tôi cho ra sản phẩm đầu tiên”. Tại lớp học đan bẹ chuối không ít học viên có tuổi trên dưới 60, có cả học viên tàn tật đang cố gắng tạo ra những sản phẩm xinh xắn.
Chị Nguyễn Thị Tâm, người trực tiếp đào tạo nghề cho bà con tâm sự: “Để làm hộc, giỏ hoa bằng bẹ chuối phải qua nhiều công đoạn khác nhau, đầu tiên phải căng khung bằng các sợi đay vào đáy, rồi dùng kỹ thuật vê”. Theo chị Tâm, bẹ chuối được cơ sở Trường Phúc cung cấp, thường là bẹ chuối tây, màu trắng, được sấy khô, dẻo, đảm bảo không mốc.
Quả thật, nếu không trực tiếp chứng kiến các công đoạn sản xuất thì ít ai nghĩ những chiếc hộp xinh xắn này lại được làm từ một nguyên liệu đơn giản, sẵn có, giá thành rẻ như bẹ chuối. Sắp tới, chính quyền xã Quảng Long sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chuối tây để chủ động nguồn nguyên liệu.
Ông Lê Bá Tân, Chủ tịch UBND xã Quảng Long cho biết, địa phương có trên 10.000 dân, chủ yếu làm nông nghiệp. Việc mở các lớp đào tạo nghề đan bẹ chuối đang trở thành hướng đi tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho nông dân.
Theo ông Lê Minh Được, Phó giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Quảng Long, từ năm 2009 đến nay, thông qua cơ sở Trường Phúc, Trung tâm đã tổ chức cho hơn 200 lao động học nghề đan bẹ chuối. Tuy là việc làm lúc nông nhàn nhưng thu hút được rất nhiều người tham gia, đặc biệt là chị em phụ nữ. Trung bình một lao động làm được 3 sản phẩm/ngày, thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng trở lên.
Ngoài huyện Quảng Xương, cơ sở Trường Phúc còn mở nhiều lớp dạy nghề đan bẹ chuối tại các huyện Nông Cống, Thiệu Hóa... Tại mỗi huyện, trung bình có từ 2 - 3 xã tổ chức lớp học với hàng trăm lao động tham gia.
Ngoài huyện Quảng Xương, cơ sở Trường Phúc còn mở nhiều lớp dạy nghề đan bẹ chuối tại các huyện Nông Cống, Thiệu Hóa... Tại mỗi huyện, trung bình có từ 2 - 3 xã tổ chức lớp học với hàng trăm lao động tham gia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét