Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Làng nghề gốm Lò Chum


Lò Chum thuộc phường Nam Ngạn, Thành phố Thanh Hóa, cách trung tâm khoảng 2 km về phía Đông Bắc, nằm dọc theo bờ tả ngạn con sông đào Bến Ngự. Đây là một làng nghề thủ công nổi tiếng của tỉnh Thanh với sản phẩm gốm sành độc đáo được nhiều người cũng như lịch sử công nhận và địa danh hóa sản phẩm do làng nghề sản xuất “ Gốm Lò Chum”. Theo hiểu biết hiện nay, nghề gốm ở đây do các thợ thủ công từ Thổ Hà (Hà Bắc cũ), Đanh Xá (Hà Nam), Hương Canh (Vĩnh Phú cũ), Bát Tràng (Hà Nội) di cư đem đến vào đầu thế kỷ XIX. Từ đó làng nghề ngày càng được phát triển mở rộng và chuyên môn hóa cao.
Về với Lò Chum, bạn sẽ được chứng kiến sự kết hợp hài hòa giữa kỹ nghệ làm gốm và chất đất sét vàng tại chỗ của những người thợ gốm tỉnh Thanh, những người đã tạo nên danh tiếng cho những sản phẩm tưởng chừng vô cùng bình dị như chum, vại, hũ, cảnh quả, chậu, cối giã, bình vôi… Trên 300 thợ gốm trong làng đều là những người tài hoa, nhiều người trong số họ đã làm được các loại chum đựng tới 500 lít và các loại bình cao tới 2 mét mà vẫn đảm bảo được tính hoàn hảo của sản phẩm. Một trong những đặc điểm nổi bật của gốm Lò Chum là dòng gốm chịu lửa, thường được nung trong lò bầu ở nhiệt độ cao lên tới trên 1200oC, sản phẩm chín thấu, không ngấm nước, không chỉ được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể được dùng cho cả mục đích công nghiệp như bảo quản các loại hóa chất.
Với sự thay đổi và nhu cầu ngày một cao của thị trường, thành phố Thanh Hóa đã có những chính sách phù hợp và đầu tư cho Công ty Vật liệu xây dựng Cẩm Trướng Thanh Hóa để duy trì và phát triển nghề gốm của Lò Chum. Bên cạnh các mặt hàng dân dụng truyền thống như chum, vại, chậu hoa… những người thợ gốm ở đây cũng đã được đào tạo và làm ra được những sản phẩm gốm mỹ thuật hết sức độc đáo bằng nghệ thuật tạo hình tinh xảo và sự kết hợp rất phong phú và đa dạng của các chất liệu men, trong đó loại men nâu là chủ yếu.
Nghệ thuật tạo hình và trang trí của các sản phẩm gốm mỹ nghệ Lò Chum được kết hợp cả tính tả thực và tính trừu tượng trên nhiều mảng đề tài phong phú làm cho người xem có những cảm nhận rất khác nhau. Đó là những tác phẩm, những lọ hoa, tượng… từ khắc họa sự hình thành của vũ trụ, núi lửa phun, cô gái múa dưới trăng, tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình… đến các sản phẩm mang đậm bản sắc các cộng đồng dân tộc của Việt Nam như gùi của đồng bào Tây Nguyên, váy của đồng bào Thái… Các sản phẩm này vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị nghệ thuật cao.
Sau bao nhiêu biến động thăng trầm, có lúc tưởng nghề gốm ở Lò Chum sẽ bị mai một, nhưng cuối cùng, những sản phẩm gốm Lò Chum đã dần tìm lại được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Với các trang thiết bị kỹ thuật và năng lực sản xuất hiện tại, gốm Lò Chum có khả năng đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước. Gian hàng gốm Lò Chum tham dự Hội chợ Expo 2003 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khách hàng và hiện nay, các mặt hàng gốm của Lò Chum đã xuất khẩu cho các thị trường Nhật Bản, Pháp…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét