Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Làng nghề dệt len La Phù


Làng - tên gọi La Phù, nhất thôn, nhất xã, thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây vốn xưa đã từng nổi tiếng khắp chốn kinh kỳ với những sản phẩm the lụa tiến vua nổi tiếng, là đỉnh cao của nghệ thuật dệt thủ công Việt Nam. Nhưng ngày nay La Phù lại được biết đến như một trong những làng giàu có nhất Việt Nam với nghề dệt len xuất khẩu - Người La Phù đang viết nên những câu chuyện thần kỳ của mình…
Theo con đường bê tông rộng chạy thẳng vào làng, du khách chúng tôi khó mà hình dung mình đang ở giữa một làng nông thôn vùng lúa bởi dấu ấn làng quê đã được thay thế bằng những con đường rực rỡ màu sắc của len, biến La Phù thành một công xưởng dệt thật khổng lồ.
Nhiều người La Phù nhớ lại những tháng năm bên khung cửi với nghề dệt the lụa, một nghề truyền thống đã có hàng trăm năm tuổi nhưng không có thị trường tiêu thụ nên hoạt động rất “lay lắt”. Để duy trì cuộc sống, những người La Phù ngoài việc sản xuất nông nghiệp còn phải chuyển sang làm nhiều nghề phụ khác như làm bún, miến, nấu nha, kẹo, cất rượu, chế biến tinh bột…và dù với công việc gì thì sự sáng tạo, nhạy bén cũng luôn được những người La Phù phát huy. Người ta còn nhớ khi tất cả các nơi chỉ biết làm kẹo mạch nha theo phương thức cổ điển dùng mầm lúa nấu với xôi thì người La Phù lại nghĩ ra cách làm mạch nha bằng mầm lúa và bột sắn, kẹo làm ra rất ngon mà giá thành lại giảm hàng chục lần.
Bước vào những năm đầu thập kỷ 90, sau những biến động lớn, thị trường Liên Xô và Đông Âu dần dần ổn định, những người La Phù đã nhanh chóng nhận ra thời cơ để phát huy nghề dệt truyền thống của mình, nhưng không phải để dệt the như ngày nào, mà chuyển sang dệt các sản phẩm bằng chất liệu len với 5 loại sản phẩm chính là quần, áo, mũ, tất và khăn với quyết tâm: "Phi công bất phú". Hàng bao đời nay, việc sản xuất tại làng là thủ công với quy mô thu nhỏ trong từng gia đình. Nay thì khác hẳn, các hình thức tổ chức sản xuất hình thành, lớn là doanh nghiệp, vừa là tổ nhóm, nhỏ là chủ hộ đứng ra đảm nhận vai trò cung cấp nguyên vật liệu, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ dân mua sắm công cụ sản xuất. Để khép kín dây chuyền sản phẩm, một số cơ sở còn nhập luôn các loại máy móc sản xuất các linh kiện phụ trợ như máy làm chun, khoá, máy sản xuất bao bì, nhãn mác... Đến nay, La Phù có l.830 hộ thì 95% số hộ có nghề. Cả xã có 20 doanh nghiệp và hàng trăm tổ hợp sản xuất được hình thành, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Minh Phương, Đông Đô, Vĩnh Thịnh... Trong xã có khoảng 8000 máy dệt len, gần 500 máy dệt tất tự động, ngoài ra còn có nhiều loại thiết bị hiện đại như máy dệt vi tính, máy thêu vi tính…sản xuất ra hàng trăm triệu sản phẩm len các loại, hơn 4 triệu mét vải và hàng ngàn tấn chun sợi, bao bì các loại. Ngày càng nhiều các cơ sở mạnh dạn đầu tư máy, đổi mới công nghệ sản xuất có quy mô một doanh nghiệp đưa sản phẩm La Phù đến với thị trường các nước Nga, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ...với giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 300 tỷ đồng.
Để khẳng định uy tín của mình trên thị trường, Hiệp hội Dệt Len La Phù đã được thành lập và đang từng bước tiến tới đăng ký mã vạch chất lượng, thương hiệu và biểu tượng riêng của làng nghề. Đồng thời La Phù cũng đang khẩn trương quy hoạch khu công nghiệp để giúp các doanh nghiệp và các hộ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hứa hẹn một tương lai rộng mở cho những con người ở vùng quê năng động La Phù./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét