Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Làng nghề giát vàng quỳ Kiêu Kỵ


Tới thăm các di tích lịch sử, văn hoá, các công trình kiến trúc… ta thấy choáng ngợp bởi các pho tượng Phật, bàn thờ, trên các hoành phi, câu đối, trên tranh sơn mài… lấp lánh ánh vàng, ánh bạc, trông thật rực rỡ. Trên các tác phẩm ấy, người ta đã giát những lá vàng quỳ, bạc quỳ. Mặt hàng đặc biệt đó đã được làm ra ở làng Kiêu Kỵ.
Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa, làng duy nhất ở Việt Nam chuyên làm vàng quỳ, nay thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội), có lịch sử trên 400 năm do danh nhân Nguyễn Quý Trị truyền dạy. Đến Kiêu Kỵ hôm nay, từ xa đã nghe tiếng âm vang khúc nhạc đập quỳ khoan mau, vang qua luỹ tre làng, trải trên các cánh đồng suốt ngày không dứt. Không chỉ riêng tại làng, người Kiêu Kỵ còn đem theo nghề của mình đi khắp các vùng, miền trên đất nước như: Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Huế… lập nghiệp. Có lẽ, quê hương Kiêu Kỵ mới có nhiều người mang nghề đi lập nghiệp bốn phương trời như thế. Vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, làng vào đám, mở hội nghề khai xuân và lễ cúng tổ nghề. Dân làng từ khắp nơi nô nức về quê tham gia lễ hội.
Kiêu Kỵ còn là quê hương của lưỡng quốc tướng quân Nguyên Sơn (tên thật là Vũ Nguyên Bác). Ông tham gia cuộc Vạn lý trường chinh của Bát lộ quân Trung Quốc, từng là thành viên của Chính phủ Lâm thời nước CHNDTH. Đầu thế kỷ 18, dòng họ Vũ Nguyên của ông đã dựng một "xưởng" làm vàng quỳ lớn, được ghi chép trên văn bia hiện còn lưu giữ ở làng.
Khôi phục và phát triển nghề xưa
Trước Cách mạng tháng 8, nghề làm vàng quý khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để giát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước, cả tranh sơn mài nữa… Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nghề làm vàng quỳ gần như bị mai một. dân làng chuyển sang làm nghề sản xuất đồ dùng bằng da và giả da. Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là thời kỳ kinh tế mở cửa, các công trình văn hoá, các di tích lịch sử được khôi phục hoặc xây dựng mới rất cần đến vàng quỳ, do đó nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ được khôi phục và phát triển. Hiện có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn, có tới 20 thợ làm việc. Nhờ vậy, hàng trăm thanh niên sau khi rời khỏi trường phổ thông và vài trăm lao động nữ có công việc làm và thu nhập ổn định.
Kỹ thuật sản xuất
Từ những thỏi vàng, bạc thật được đập cho dài và mỏng (gọi là đập diệp) có bề ngang 1cm, được cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ loại giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mỏng và dai, được "lướt" nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc. Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm2, dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ. Cắt nhỏ lá vàng đã đập mỏng thành mười hai mảnh, lấy một mảnh đặt tiếp lên lá quỳ và tiếp tục đập mỏng. Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m2. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục. Tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng. Còn ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng trả khách, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi trong màn vì chỉ cần vô ý thở mạnh, vàng cũng đã bay tung. Khi sử dụng, người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc mảng tre vát mỏng để giát vàng lên các sản phẩm; hoạ sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.
Giao lưu với các làng nghề
Nghề làm vàng quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều thợ, kiên trì cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với keo da trâu, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực "lướt" quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách và chỉ cần lơ đãng một chút là búa quỳ sẽ đập vào ngón tay… 1 chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2 thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được, kể cả công nghiệp giát vàng của Nhật. Chính vì vậy, cho đến nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng duy nhất trong cả nước làm nghề này. Hầu hết các làng làm nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc làm hàng sơn mài như Sơn Đồng, Vũ Lăng, Hạ Thái (Hà Tây); Mai Động, Đồng Quang (Bắc Ninh); Liên Minh, Cát Đằng (Nam Định); Bảo Hà (Hải Phòng)…; nhiều nghệ nhân ở Đình Bảng, Huế và miền Nam đều là những bạn hàng thân thiết của Kiêu Kỵ. Không những xưa kia mà gần đây, các hoạ sĩ trang trí những công trình kiến trúc lớn cũng đã tìm đến vàng quỳ Kiêu Kỵ dùng cho việc trang trí nội thất của Nhà hát Lớn thành phố, Bảo tàng Hồ Chí Minh, lăng Bác và nhiều khách sạn lớn trong toàn quốc. Các di sản văn hoá, kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Hội An, cả Văn Miếu Quốc Tử Giám càng không thể thiếu vàng quỳ, bạc quỳ.
Lượng vàng bạc dùng làm quỳ lệ thuộc vào mùa và thời tiết trong năm, khi các công trình tín ngưỡng và nghệ thuật vào mùa trùng tu, khôi phục và cũng lệ thuộc vào sự phát triển các sản phẩm sơn mài xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ. Số lượng vàng thường ít hơn bạc vài phần, nhưng cũng đến vài kilôgam nguyên liệu mỗi ngày.
Kiêu Kỵ hiện có 3 công trình tín ngưỡng là đình, đền và chùa đều được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc. Hiện Kiêu Kỵ còn giữ được 29 trong số 80 đạo sắc của các triều vua Trần, Lê và Nguyễn phong Khổng bắc tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa làm Thành hoàng làng Kiêu Kỵ. Ông là vị tướng giỏi của Trần Hưng Đạo, hai lần tham gia chống Nguyên Mông và 3 lần đi sứ Trung Quốc giao hoà với các quốc gia phương Bắc. Đền thờ ông được dựng theo kiểu chồng diêm nổi tiếng. Trong chùa làng hiện còn lưu giữ 43 pho tượng làm từ các thế kỷ trước, được sửa lại từ năm 1941 đến nay vẫn giữ nguyên màu vàng son lộng lẫy, có giá trị nghệ thuật điêu khắc cao.
Hiện Kiêu Kỵ đang được huyện Gia Lâm xây dựng thành làng văn hoá kiểu mẫu. Đến Kiêu Kỵ hôm nay, khách có thể đi ô tô về tận các xóm ngõ trong làng bởi từ đường trục chính và các đường trong làng đều đã trải bê tông. Cả làng đã thực hiện ngói hoá, có tới vài chục ngôi nhà cao 3, 4 tầng. Hàng chục xe ô tô con và chừng ấy xe vận tải nhỏ dùng chuyển hàng hoá của các chủ hộ. Làng còn có nghề làm đồ dùng bằng da và giả da cũng rất phát triển, có thể nói là nhất nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét