Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Nghề đan lát Ninh Sở


Về thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, nơi khởi thủy của nghề tre đan nổi tiếng, bạn sẽ thấy các gia đình đều đan các mặt hàng xuất khẩu được khách hàng trong và ngoài nước rất yêu thích. Ở đây ta bắt gặp khung cảnh đông vui nhộn nhịp hiếm thấy ở một làng quê vì luôn có những đoàn khách nước ngoài đến thăm quan, đặt hàng và không ngớt lời trầm trồ khen ngợi trước bàn tay khéo léo, tài hoa của những người dân nơi đây.
Theo như lời kể của các cụ cao tuổi thì những người dân ở đây vốn thuộc đất Thăng Long, họ lưu lạc về xã Ninh Sở ngày nay. Vì không có đất và do cuộc sống khó khăn, họ đã phải tạo ra các công cụ sản xuất để có thể đơm đó, đánh lờ, đan giỏ mò cua, bắt ốc. Người dân ở đây do nhu cầu sản xuất mà đan lát, không những sản xuất đủ dùng mà còn mang bán sang các vùng lân cận. Các cụ ở đây còn kể lại rằng nghề đan đã có từ ba bốn trăm năm nay, ít nhất là từ đời vua Lê Cảnh Hưng. Từ năm 1920 trở về sau có nhiều nghệ nhân giỏi như ông Bưởi, ông Kỳ, ông Chấp, ông Ước, ông Kiến, ông Toán... Hàng tre đan Ninh Sở nổi tiếng ở các hội chợ Hà Nội, Hà Đông. Khách nước ngoài đặc biệt thích thú và trầm trồ trước những túi xách, lẵng hoa, va li, lẵng đựng hoa quả, nhất là đôi dép quai đan bằng giang, đế tết bằng xơ mướp đi vừa nhẹ vừa lau bóng sàn nhà gỗ.
Nói đến nghề tre đan, thực ra ít dùng đến tre. Tre chỉ dùng làm quai xách tay, vì tre ngắn, đốt lại nhiều đầu mặt. Gọi là hàng tre đan nhưng lại là hàng nứa, hàng luông. Nghề tre đan là một sự kết hợp khéo léo tài tình của việc kết hợp các loại nguyên liệu, tuỳ theo tính chất của từng loại. Lại phải dùng đến mảy guốt để làm quai, cuốn cạp. Những thứ đó đều là sản phẩm của rừng núi. Cây tề, bóc ra là guột. Guột to, guột nhỏ, tuỳ theo kích thước mà làm. Mây cũng phải dùng nhiều: đan lẵng, cạp quai, cuốn miệng, khâu đáy. Dụng cụ làm nan đơn giản lắm: đanh, kìm, kéo, dùi và chủ yếu là dao. Dao có bốn năm loại: to, nhỏ, dày, mỏng khác nhau với những công dụng riêng. Dao to để pha, dao nhỏ vót nan, dao rựa chặt nứa, dao bài to bóc cật. Dùng đến cây nứa tưởng như đơn giản nhưng thực ra cũng khó. Nứa già làm cạp, nứa vừa làm nan, nứa non phải chuốt nan rất mỏng để tết hoa, tết con nhện trang trí ở miệng làn, miệng lẵng. “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Huống hồ đây là một nghề đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo thực sự. Kỹ thuật lót nan yêu cầu ở chỗ phải biết lách con dao sao cho độ dày mỏng thật đều, thật phẳng. Lại phải chọn từng cái cật, dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng. Nan có vót được thật đều thì sau đan mới đẹp. Đã thế phải giữ gìn nguyên vật liệu cẩn thận, để chỗ cao, tránh mục mọt. Nứa cạo gặp nắng rất trắng, gặp mưa là mốc. Có khi nan phải đem sấy khô, thậm chí phải đùng thuốc chống mọt ngay khi ngâm. Điều làm các nghệ nhân tre đan trăn trở nhất là làm sao ngày càng phải có nhiều mẫu mới. Chẳng hạn đan các loại lọ hoa, lẵng hoa phải suy nghĩ từ việc tạo dáng, định kích thước cho thích hợp nơi bày biện, dùng loại nan gì, màu sắc của nan ra sao, độ dày mỏng của nan thế nào.
Nghề tre đan phát triển tinh vi đến mức người nghệ nhân kiệt xuất có thể nhìn vào ảnh, nghĩ ra cách đan để tạo thành những bức tranh chân dung hoặc tranh phong cảnh. Đây không còn là hàng tre đan với nghĩa bình thường nữa mà là những tác phẩm nghệ thuật. Người Nhật rất chuộng hàng tre đan của Việt Nam và đặt hàng nhiều kể cả các hộp, bao bì, vỏ bằng tre lót chai, lót cốc, đĩa đựng hoa quả… Riêng mặt hàng chụp đèn bằng tre hiện nay cũng đang được đặt rất nhiều. Ngày nay, với cơ chế thị trường, xu thế hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng được mở rộng, nghề tre đan ở Ninh Sở đang có điều kiện phát triển và triển vọng của nghề này thật là rộng lớn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét