Tự ngàn xưa. Khi công nghiệp chế biến nước mắm chưa có, cư dân ở Trà Vinh tự chế biến các loại nước mắm để dùng. Các loại nước mắm (dùng làm nước chấm) này gồm có: nước mắm cá (nguyên liệu từ những con cá như: cá lóc, cá sặc, thuộc loại cá đồng, cá cơm, cá mề gà, cá đối, cá kiến, thuộc loại cá biển), nước mắm tôm (nguyên liệu từ con tôm - loại dạt), nước mắm ruốc (làm bằng con ruốc). Đặc biệt có loại nước mắm mang tính đặc trưng ở Trà Vinh là nước mắm rươi (làm bằng con rươi), rất được dân ưa chuộng.
Rươi là một loài sên đất. Chúng sống dưới mặt đất thuộc vùng nước mặn, ngập mặn, cập theo sông rạch, bãi bồi ven biển. Hình dạng con rươi nhỏ chừng cây diêm quẹt, dài từ một tất rưỡi trở lại, thân mềm nhũn. Khi còn sống con rươi mang màu máu tươi, trong suốt.
Hàng năm, rươi thoát khỏi nơi cư trú vào mùa gió chướng, khi con nước rồng dâng cao ngập cả bờ (từ tháng 11 mà đỉnh cao là cuối tháng chạp âm lịch). Chúng quyện vào nhau, trôi từng giề đông đặc trên mặt nước, dọc theo những con sông, rạch miền biển. Bà con cư dân dùng vợt bọc bằng vải mùng để hứng, vớt rươi. Nhiều nhất là ở miệt Cồn Cù, thuộc Trường Long Hoà ngày xưa. Có năm rươi ra nhiều quá, dùng vợt vớt không xuể, người ta mang cả mùng ra mà hứng ngang dòng kênh như đóng đáy vậy.
Trước đây, có năm được mùa rươi, mỗi nhà vớt đến năm ba mái dầm ( mỗi mái dầm chứa khoảng 4,5 đôi). Có thể nói rằng: không khí “vớt rươi” vào dịp giáp tết hàng năm đông vui như lễ hội- “Người người vớt rươi, nhà nhà vớt rươi”. Nếu ta hỏi bà con ngư dân ở đây về giá trị và chất lượng của nước mắm rươi như thế nào, thì họ sẽ trả lời gọn lỏn: “Thì ai cũng thấy đó, cả ngày 30 và mùng một tết, thiêng liêng nhất vậy mà cũng ngưng ăn tết khi có rươi ra, quần là áo lượt, bông hoa cũng nhảy ùm xuống nước mà tranh nhau vớt rươi”.
Thực vậy, Rươi là một loài động vật tự sinh sản trong tự nhiên, không phải mất công nuôi dưỡng. Nhưng khi chế biến chúng thành nước mắm thì lại là loại nước mắm có giá trị thơm ngon bậc nhất, nước mắm cao cấp, cho ta lượng đạm cao, nhiều bổ dưỡng và hấp dẫn khẩu vị.
Công thức chế biến nước mắm rươi của cư dân ở đây cũng đơn giản thôi. Trung bình cứ một đôi rươi bằng 40 lít khi mới vớt lên, pha 8 lít muối hột cộng 20 lít nước lã, ủ trong lu hoặc trong mái dầm, rồi đem phơi nắng khoản 10 đến 15 ngày là ăn được. Điểm lưu ý là khi xác rươi bị phân huỷ, nổi giề trên mặt lu trông như bãi phân trâu, phân bò. Nhưng đặc biệt là đám ruồi lằn không hề dám bén mảng tới. Đúng ngày ăn được ta vẹt lớp xác nổi trên mặt thì thấy nước mắm hiện ra một màu vàng óng của mật ong. Đó là nước mắm cốt, ngon nhất, bốc lên mùi thơm dịu. Ta chỉ cần vắt thêm vào miếng chanh, dầm tí ớt là có thể dùng làm nước chấm cho các loại thức ăn là rất ngon miệng, thậm chí chang cơm nguội ăn cũng rất ngon. Đó là ngày xưa, còn hiện nay, do nguyên liệu khan hiếm và trong một chừng mực nhất định, nước mắm rươi đã trở thành hàng hoá trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng không được ăn loại nước mắm cốt đậm đặc nữa, mà người ta pha chế kém chất lượng, đã làm giảm đi giá trị loại nước mắm đặc trưng, cao cấp này.
Các cụ già ở vùng Ba Động (thuộc Duyên Hải - Trà Vinh) ngày nay còn kể lại rằng: tương truyền ngày xưa khi Nguyễn Ánh bôn tẩu tới xứ này, được một phú hộ cung cấp phục vụ, cho ăn toàn nước mắm rươi. Sau khi lên ngôi vua, hàng năm Gia Long cho ghe bầu vào Nam mua nước mắm rươi về ăn, theo nghi tiết cung đình gọi là vua ngự thiện. Bởi thế, nước mắm rươi còn có cái tên Vương Giả là nước mắm ngự.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét