Làng nghề này tọa lạc tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Theo những bậc cao niên cố cựu ở đây; người đầu tiên đóng tủ thờ là ông Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1890, làm nghề thợ mộc. Sau đó, nghề đóng tủ thờ ở đây ngày càng phát triển, tạo thành một làng nghề nổi tiếng. Trên những chiếc ghe chài, tủ thờ của xóm Ông Non được chở đi bán ở khắp nơi; và được khách hàng rất ưa chuộng. Thương hiệu “tủ thờ Gò Công” xuất hiện từ khi đó.
Năm 1936, chiếc tủ thờ được đóng theo lối cách tân (mặt tủ có cẩn đá mài) do thợ Nhâm ở Ông Non thực hiện đã được trao tặng Bằng khen tại Hội chợ Sài Gòn. Từ đó, ông mở cửa hiệu mang tên là “Nhâm – Sơn Quy”, chuyên đóng tủ thờ Gò Công ở số 350 B, đường Quai de Belgique, Sài Gòn, nhằm mở rộng thị trường và nâng cao giá trị của chiếc tủ thờ Gò Công.
Công nghệ đóng tủ thờ ngày càng tiến bộ. Về kiểu dáng, từ chiếc tủ đầu tiên chỉ có 3 trụ đứng; đến nay, các nghệ nhân đã đóng được những chiếc tủ có đến 19, 21 trụ với các bộ đũa, chỉ đắp rất hoa mỹ và mặt tủ được cẩn trai hoặc cẩn ốc xà cừ sáng lấp lánh dựa theo những điển tích cổ. Tất cả các chi tiết của chiếc tủ thờ đều được lắp nối với nhau bằng ngàm, mộng, khoá chốt gỗ, hoàn toàn không có một chiếc đinh thép nào. Đó là những điểm độc đáo và nổi trội của tủ thờ Gò Công so với tủ thờ của các nơi khác, dù tất cả đều được làm bằng danh mộc, như mun, cẩm lai, gõ, v.v… Năm 1984, tại Hội chợ Giảng Võ (Hà Nội), sản phẩm tủ thờ Gò Công được trao tặng Huy chương Vàng.
Hiện nay, làng nghề đóng tủ thờ ở xóm Ông Non làm ăn ngày càng phát đạt. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước; mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc biệt, tủ thờ Gò Công đã được bày trí rực rỡ và tôn nghiêm tại đền thờ các Vua Hùng ở tỉnh Phú Thọ và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê của Người ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét