Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Nghề làm giấy của người Mông ở Sơn La


Nghề làm giấy thủ công là một nghề mà sản phẩm của nó không thế thiếu được trong cuộc sống tâm linh của đồng bào người Mông ở Sơn La.
Giấy thường được làm vào thời gian nông nhàn đặc biệt là vào dịp tết để cúng mừng năm mới. Người ta thường làm giấy vào mùa khô ráo, trời nắng mới đem phơi giấy để giấy được trắng và đẹp. Nghề làm giấy chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm, không yêu cầu kỹ thuật cao lắm. Người Mông thường sử dụng các loại chất liệu liệu có rất nhiều ở nơi họ cư trú như cây dướng, tre non, rơm là những loại chất.
Dụng cụ làm giấy rất đơn giản, do đồng bào tự sáng chế ra để dùng trong gia đình. Dụng cụ cơ bản nhất là một cái khuôn để tráng giấy. Khuôn được làm bằng vải bông, có độ thoáng có kích cỡ tuỳ thuộc vào ý định của gia chủ, thường là 60 x 1,2 m. Ngoài ra, còn có một nồi nấu chất liệu giấy, một cục kê và một thanh gỗ để đập giấy và một chậu đựng nước pha bột giấy. Có ba loại giấy là giấy dướng (giấy làm từ vỏ cây dướng), giấy làm bằng tre non chưa có lá và giấy làm từ rơm. Quy trình làm các loại có khác nhau một chút.
Giấy thành phẩm của ba loại chất liệu có những đặc điểm khác nhau. Giấy rơm có màu vàng nhạt dày, độ xốp cao, dai mịn. Giấy tre có màu trắng ngà, trên mặt nổi rõ những sợi tơ tre, bóng, mỏng, dai. Giấy dướng có màu trắng ngà, thô dai dày.
Dân tộc Mông ở Sơn La không có chữ viết riêng và giấy sản xuất ra không phải để viết mà chủ yếu làm giấy cúng nên không cần độ mịn, trắng cao. Họ quan niệm rằng, nếu lễ tết, cúng cầu mùa không có giấy cúng tự mình làm ra thì tổ tiên sẽ không nhận. Mỗi gia đình người Mông có một góc thờ, chỉ dán tờ giấy lên vách phía sau đối diện với cửa chính đánh dấu góc thờ nhưng rất đỗi linh thiêng. Ngoài ra giấy còn được dùng làm lá gió cho bễ lò rèn, vừa dai bền lại lâu rách.
Ngày nay, không phải gia đình người Mông nào cũng làm giấy nhưng trong tất cả các bản đều vẫn duy trì nghề này vì sản phẩm giấy đã đi vào tâm linh của họ, là sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét