Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Làng nghề nặn tò he Xuân La


Từ bàn tay và sự tâm huyết, những nghệ nhân của làng nghề tò he Xuân La, Hà Tây đã mang đến cho đời một không gian nghệ thuật đầy sáng tạo và màu sắc. Để tuổi thơ quê lụa dù đi đâu vẫn khắc khoải một nỗi nhớ xa xôi về quê nhà và những màu sắc lung linh.
Từ lâu, mảnh đất xứ Đoài được nhiều người biết đến không chỉ là quê hương của lụa Vạn Phúc mượt mà, những thắng cảnh tuyệt đẹp, những ngôi chùa nổi tiếng… mà còn là xứ sở của những con tò he rực rỡ sắc màu – nét văn hóa độc đáo của người làng Xuân La. Nét văn hóa ấy còn gắn liền với cây đa, giếng nước, sân đình, tiếng trẻ con vui đùa ngoài nương lúa, chiếc giỏ mây của mẹ sau buổi chợ tan… Cách Hà Nội 50km, nghề nặn tò he của làng Xuân La, xã Khương Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây đến nay đã xấp xỉ 300 năm tuổi. Qua các thế hệ, nghề được lưu giữ lại theo hình thức cha truyền con nối. Trong làng, từ lão cao niên đến lớp thanh niên thiếu nữ hay đứa trẻ lên ba chưa biết đọc chữ đều biết nặn tò he.
Để làm ra những con tò he xinh xắn trải qua rất nhiều công đoạn. Bột phải được làm từ gạo nếp dẻo, trắng, tròn, thơm và mịn đến độ không dính tay. Sau đó, bột được cho vào nồi nước đang sôi để luộc chín. Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận và kinh nghiệm của người thực hiện. Khi luộc bột, phải chú ý đến thời gian, độ nóng của lửa để bột vừa chín tới. Nếu bột nhão quá sẽ khó nặn nhưng nếu sống quá thì khi nặn, tò he dễ bị nứt.
Công đoạn kế tiếp cũng cực kỳ quan trọng là trộn bột với phẩm màu. Đây là công đoạn rất đặc biệt, mang đậm tính thẩm mỹ và nhân sinh quan sâu sắc của người làng Xuân La. Những phẩm màu đều có nguồn gốc thực vật tự nhiên để trẻ em không bị ngộ độc khi ăn tò he. Đó là màu vàng tươi từ củ nghệ, màu vàng đậm của quả dành dành, màu xanh từ lá cây cơm nếp, màu đỏ từ ruột quả gấc chín, màu đỏ nâu của hoa dâm bụt giấm, màu tím từ củ nghệ đen…
Sau các công đoạn chuẩn bị, khâu quan trọng nhất là nặn tò he. Hình ảnh những cô cậu học trò, những người lớn yêu thích thứ đồ chơi dung dị này tụm năm tụm bảy xung quanh một nghệ nhân đang nặn tò he trở thành quen thuộc với mọi người Việt Nam. Dưới bàn tay khéo léo, những viên bột bỗng hóa thành chú gà trống vươn cánh gọi bình minh, chú nai vàng ngơ ngác, chàng hiệp sĩ uy phong, nàng công chúa xinh đẹp, chàng Thạch Sanh dũng cảm hay Ngộ Không thiên biến vạn hóa, hay mâm xôi, mâm ngũ quả, phẩm oản, nải chuối, buồng cau, thủ lợn... rất sống động.
Bên cạnh phong cách truyền thống, tò he còn rất phong phú với Pikachu, Đôrêmon và những nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích. Đến với gian hàng của các nghệ nhân, nếu không thích tò he nặn sẵn, các thượng đế nhí được thỏa thích đặt hàng những mẫu mã mà mình yêu thích. Cảm giác trầm trồ, thích thú khi chứng kiến bàn tay thoăn thoắt của nghệ nhân đối với những đứa trẻ thật tuyệt diệu biết bao. Không những thế, chúng còn học được sự cần cù, tinh tế, sắc sảo, biết nâng niu quý trọng những hạt ngọc của đất, biết yêu thương và nâng niu những giá trị cuộc sống.
Đã có những khoảnh khắc, tò he tưởng chừng bị quên lãng trước sự phát triển của các loại đồ chơi hiện đại và những nghệ nhân tưởng như không thể trụ được bằng nghề truyền thống… Nhưng cuối cùng, tò he vẫn giữ được giá trị đích thực của mình trong tâm hồn Việt. Những chuyến xuất ngoại của các nghệ nhân trong làng để giới thiệu về làng nghề đã minh chứng cho điều đó. Và từ Xuân La, mọi người con tỏa đi khắp các nẻo đường đất nước, vẫn miệt mài bên những khối bột lung linh ước mơ.
Để rồi mỗi độ xuân về, tiết trung thu sáng trong, các lễ hội truyền thống… hình ảnh những đứa trẻ đang tung tăng với con tò he đầy màu sắc trở thành nét chấm phá độc đáo, dễ thương hơn bao giờ hết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét