Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Làng nghề làm bánh đa nem ở Nguyên Lý

Xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân là một nơi đất chật, người đông. Xã có 548 ha đất canh tác, 2865 hộ và 11.858 nhân khẩu. Nói đến Nguyên Lý người ta nghĩ ngay đến nơi làm bánh đa nem nổi tiếng. Đây không những là một nghề truyền thống mà còn là một bí quyết gia truyền để phát triển kinh tế.
Làng nghề làm bánh đa nem ở Nguyên Lý
Nguyên Lý hiện có hơn 400 hộ làm bánh đa với đủ loại: bánh đa thái, bánh đa quạt, bánh đa nem. Song đáng kể là có khoảng 100 hộ làm bánh đa nem đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Số sản phẩm do các hộ khác làm được tiêu thụ trong nước.
Trước tiên nói đến dụng cụ để sản xuất bánh đa gồm xoong, nồi, khuôn tráng bánh, giàn phơi bánh, một vài ống nứa để lấy bánh đa ra khi chín, một số vật đựng bằng nhôm hoặc bằng nhựa để ngâm gạo, đựng bột nước… Vốn đầu tư để sản xuất bánh đa nem không lớn lắm, chỉ khoảng trên dưới 3 triệu đồng là có thể sản xuất được với quy mô hộ gia đình. Vì là nghề truyền thống nên những người biết làm bánh đa đều có bí quyết riêng. Đó được xem như bí quyết gia truyền trong công thức pha chế bột sao cho bảo đảm một tỷ lệ thích hợp với từng mùa trong năm. Có lẽ vì thế mà bánh đa nem của Nguyên Lý luôn giữ được chất lượng tốt: bánh có độ dẻo cao, trắng mềm mà không dính… Đây là yếu tố quyết định đến việc chiếm lĩnh thị trường của sản phẩm.
Làng nghề làm bánh đa nem ở Nguyên Lý
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm. Cũng như bao làng nghề truyền thống khác trong cơ chế mở cửa, sản phẩm bánh đa nem của Nguyên Lý gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ bởi vì nó bị phụ thuộc vào các cai thầu. Những người sản xuất ở đây cho biết: nếu mỗi hộ một ngày sản xuất, chế biến 10kg gạo, thành phẩm đạt 6,4kg bánh đa nem, giá bán 8000đ/kg thì trừ mọi chi phí cũng chỉ còn lãi 10.000đ. Đấy là chưa kể những lúc sản phẩm bán chậm, bị tồn đọng, phải bán với giá thấp hơn.
Nguyên Lý hiện có 5 cơ sở chính thu mua sản phẩm để xuất khẩu bằng phương thức ứng vốn trước nhưng số lượng cũng chưa lớn, trong khi đó sản phẩm làm ra ngày một nhiều nên giá cả chưa ổn định. Xã cũng có một cơ sở làm trung gian chuyển hàng thông qua con đường tiểu ngạch để xuất khẩu sang Hàn Quốc, mỗi năm khoảng 10 chuyến, mỗi chuyến được 10 tấn. Số còn lại được thu mua để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bánh đa nem Nguyên Lý cũng giống như bao sản phẩm làng nghề truyền thống khác: bị ép giá thường xuyên và đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán nan giải với người sản xuất và cơ quan hữu trách.
Hiện nay, các lò sản xuất bánh đa nem ở Nguyên Lý hoạt động liên tục sẽ tiêu thụ khoảng 4000kg/gạo/ngày, làm ra 3.200kg sản phẩm, doanh thu khoảng hơn 25 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động. Cùng với việc làm bánh đa nem, các nghề: xay xát, buôn bán thóc gạo, các dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, dụng cụ sản xuất cũng theo đó mà phát triển, nhất là chăn nuôi, các hộ làm bánh đã tận dụng phế liệu trong quá trình sản xuất để phát triển chăn nuôi lợn. Mỗi hộ tối thiểu cũng phải có 2 con lợn.
Tuy nhiên không thể không nói đến hiện trạng môi trường hiện nay ở Nguyên Lý. Trung bình mỗi ngày các lò tiêu thụ khoảng 10 tấn than. Ở một diện tích hẹp như Nguyên Lý thì lượng khí thải CO2 làm ô nhiễm nguồn không khí là không thể tránh khỏi. Rồi lượng nước thải trong quá trình vo gạo, chế biến bột… cũng ảnh hưởng đến nguồn nước ở đây.
Để tiếp tục phát triển làng nghề truyền thống, đồng thời để hạn chế đến mức thấp nhất việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường các hộ, các cấp chính quyền huyện, xã cần tìm một giải pháp thích hợp cho làng nghề như có thể xây dựng khu tráng bánh tập trung, hoặc liên doanh vài hộ với nhau, các lò tráng bánh cần phải có hệ thống ống khói đủ tiêu chuẩn…
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử bánh đa nem Nguyên Lý vẫn tồn tại và phát triển, đây cũng là nét đẹp văn hoá của một làng nghề truyền thống.

Theo langnghe.org.vn

Related Posts:

  • Làng nghề làm miến rong Bội thu, được giá và cận Tết đang là động lực lớn cho sản xuất miến ở làng Bình Lư (huyện Tam Đường, Lai Châu). Anh Hoàng Xuân Huề, Chủ tịch UBND xã Bình Lư phấn khởi: “Năm nay, dân Bình Lư chúng tôi được cả mùa dong và g… Read More
  • Làng Chiếu Tà Niên Làng Tà Niên (xã Vĩnh Hòa Hiệp, H.Châu Thành, Kiên Giang) nổi tiếng khắp “Nam kỳ lục tỉnh” với nghề dệt chiếu. Chiếu Tà Niên từng đoạt nhiều huy chương vàng qua những cuộc đấu xảo thời thuộc Pháp và ngày nay vẫn là vật không… Read More
  • Làng nghề làm gốm của người Bana Nghề làm gốm của người Bana ở Kon Tum. (Theo Phạm Lý Hương, Lê Hải Đăng, Nghề làm gốm bằng tay của người Bana ở Kontum, vài so sánh dân tộc – khảo cổ học, KCH số 4, 2006, tr 77 – 86) Người Bana có một làng nghề làm gốm đó l… Read More
  • àng nghề đan bàng Phú Mỹ Đồng cỏ bàng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của nhân dân trong vùng. Sống giữa một vùng đất phèn mặn, đồng bào Khmer nơi đây đã kiên nhẫn biến cỏ bàng thành hàng hóa với các sản phẩm sinh hoạt và mỹ nghệ mang… Read More
  • Làng nghề thổ cẩm của người Thái Tây Bắc Nghệ thuật trang trí của người Thái Tây Bắc rất phong phú và độc đáo, có tới hơn ba mươi loại hoa văn, họa tiết, thể hiện sống động trên thổ cẩm. Có thể nói mỗi người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Việc biết thêu thù… Read More

0 nhận xét:

Đăng nhận xét