Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Giaotrinhabc

Giao Trinh  ABC
Chờ 10 s để hệ thống chuyển sang trang download
Link Trực tiếp : Sách giaotrinhabc.pdf

Prepare to be redirected after second(s)!



Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Làng nghề rượu Vọc

 Đóng góp vào sự độc đáo cùng với hơn 40 làng nghề tại Hà Nam, làng Vọc ở huyện Bình Lục là một làng nghề nổi tiếng với rượu Vọc. Về thăm làng Vọc ta sẽ được thấy cuộc sống no ấm cùng với nghị lực vươn lên của người dân vùng đất chiêm khê mùa thối.
Làng nghề rượu Vọc
Làng nghề rượu Vọc thuộc xã Vũ Bản được coi là làng thịnh vượng hơn cả nhờ có nghề nấu rượu gạo truyền thống. Ngoài công việc chính làm ruộng, hầu hết các gia đình trong làng đều tham gia ít nhiều vào nghề này: hoặc làm men, buôn bán men, nấu rượu hay mở cửa hàng bán rượu.
Từ bao đời nay, người làng Vọc chỉ trung thành với một công thức chưng cất rượu. Rượu được nấu bằng gạo đặc sản ủ với men ta gồm 36 vị thuốc Bắc. Công đoạn làm rượu rất công phu. Từ lúc úp men phải trải qua 2 – 3 ngày, chờ khi men dậy mới được mở. Cơm rượu nấu chín vừa, không khô hoặc nhão quá, đánh tơi để nguội trước khi rắc men, sau đó cho vào vò sành ủ 48 tiếng, khi có mọng mới được đổ nước, sau 2 đêm thì đem nấu.
Từ lâu người làng Vọc đã xây dựng được hương ước bảo vệ và giữ gìn bí quyết gia truyền. Quy ước quy định rõ ràng về chất lượng rượu cổ truyền làng Vọc, rượu chỉ dùng men thuốc Bắc, nấu với gạo đặc sản của quê hương, nghiêm cấm việc sản xuất rượu kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của làng. Hiện nay có nhiều công nghệ sản xuất rượu hiện đại nhưng người làng Vọc vẫn cất rượu theo phương pháp cổ truyền. Cầm chai rượu trong veo, chỉ cần mở nút hoặc lắc nhẹ, những bọt rượu chạy quanh chai bám chặt với nhau toả ra hương thơm ngào ngạt.
Nói tới rượu làng Vọc, không ai không nhắc tới thương hiệu Vọc Long Tửu của gia đình ông Nguyễn Văn Long, người đã có công lớn trong việc vực dậy danh tiếng của rượu làng Vọc trước sự suy giảm chất lượng men và sự tấn công ồ ạt của các loại rượu ngoại cùng nhiều sản phẩm đồ uống trên thị trường. Sinh ra trong gia đình theo nghề nấu rượu lâu đời, ông Long rất buồn khi thấy rượu quê mình ngon mà chỉ bán quanh quẩn mấy vùng lân cận. Ông quyết định phải xây dựng một thương hiệu cho rượu Vọc để có thể tự tin mang sản phẩm quê mình đi xa hơn nữa, đó là thương hiệu Vọc Long Tửu.
Hiện nay, Vọc Long Tửu đang có mặt trên thị trường cả nước nhất là các thành phố lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và được du khách mua làm quà mang sang các nước Nhật, Đức, Pháp, Nga... để làm quà và quảng bá thương hiệu. Vọc Long Tửu đã đoạt được nhiều giải, cúp vàng về chất lượng và mẫu mã cùng nhiều câu thơ ca tụng.
Cùng với bí quyết gia truyền và sự chịu thương, chịu khó của người dân làng nghề, làng Vọc còn được thiên nhiên ban tặng cho một nguồn nước quý để tạo nên sản phẩm rượu Vọc có hương vị đặc trưng mà những nơi khác không thể có được dù có cùng bí quyết nấu rượu.
Nhờ sự giáo dục qua nhiều thế hệ làng nghề về cái tâm trong sáng nên dù trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt nhưng rượu Vọc vẫn giữ được hương vị đậm đà, không phai lẫn với hàng trăm thứ rượu đang có mặt trên thị trường. Đặc biệt, để đảm bảo vệ sinh, rượu chỉ đóng trong vò sành, nậm gốm chứ không đựng trong can hoặc chai nhựa. Được khách hàng gần xa biết đến, nhất là trong thời kỳ hội nhập WTO, thị trường rượu Vọc ngày càng mở rộng. Trước đây, làng chỉ bán ra thị trường 1 triệu lít /năm, nay tăng lên gấp 2 lần. Nhờ rượu, mỗi năm Vũ Bản đạt giá trị thu nhập 22 – 25 tỷ đồng. Hương rượu Vọc đã bay tới Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, là món quà không thể thiếu của những người con xa quê hương. Nhờ làm rượu mà làng Vọc đã thay da đổi thị, đường làng ngõ xóm được bê tông hoá, nhà cao tầng mọc lên san sát, làng không còn hộ đói, hộ khá giàu tăng mạnh.
Năm 2006, rượu Vọc đã đoạt giải nhất về mẫu mã và giải nhì về chất lượng tại Hội thi tuyển chọn các sản phẩm làng nghề truyền thống do Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức. Đầu năm 2007, rượu Vọc được tặng Bằng khen tại Hội chợ triển lãm thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với giá trị văn hoá ẩm thực cùng bề dày truyền thống của làng, ngày 10/5/2007, làng đã được đón nhận danh hiệu “Làng nghề rượu Vọc” theo quyết định của UBND tỉnh. Không những thế, dự án đăng ký nhãn hiệu tập thể rượu Vọc với Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ sớm được hoàn thiện và triển khai thành công trong thời gian tới . Đây sẽ là bước đệm để rượu Vọc vươn xa hơn nữa.
Các cấp lãnh đạo xã Vũ Bản đã đưa ra chủ trương coi làng nghề rượu Vọc là vùng kinh tế trọng điểm của xã. Để giữ gìn, phát huy nghề truyền thống, chính quyền địa phương sẽ dồn sức đầu tư, khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của làng, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Dự kiến, xã sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chế biến rượu Vọc với tổng vốn đầu tư 2 tỷ đồng, đồng thời dành khoảng 100 ha để trồng các giống lúa đặc sản cung cấp cho làng nghề.
Với sự quyết tâm phát triển nghề của những người dân làng Vọc như ông Long cùng thương hiệu Vọc Long Tửu và cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền như trên, rượu Vọc đã trở thành đặc sản quý không chỉ của Hà Nam. Niềm tự hào đó nhắc nhở người làng Vọc càng phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc truyền thống của làng nghề, để rượu Vọc chiếm lĩnh được thị trường, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển./.


Theo langnghe.org.vn

Bánh cuốn hoa cải

Những miếng thịt nướng vàng ruộm được tuốt ra từ xiên chả còn nóng hổi, trông như những bông hoa cải.
Những miếng thịt nướng vàng ruộm được tuốt ra từ xiên chả còn nóng hổi, trông như những bông hoa cải. Bánh cuốn trắng tinh, thơm mùi gạo, mềm, mỏng tang và dai, nhắp trong mỡ phi hành thơm, ăn với chả. Đó là bánh cuốn chả, hay có người gọi là bánh cuốn hoa cải - đặc sản của vùng đất chiêm trũng Hà Nam.
Bánh cuốn hoa cải
Hà Nam là đất thuần nông nghiệp, đặc sản của vùng hầu hết là những vật phẩm từ lúa gạo, là những chắt chiu một nắng hai sương của người nông dân. Bánh cuốn là một trong số những sản phẩm như thế.
Nguyên liệu làm bánh cuốn là bột gạo tẻ. Gạo ngon khi làm bánh có độ dẻo, mịn, có thể cán thật mỏng trên tấm vải căng trên mép nồi lúc nào cũng nóng hơi. Người làm bánh cuốn đẹp, đạt yêu cầu cảm quan phải là người có tay nghề, thành thạo các thao tác từ láng bột đến gạt, lật, gỡ lớp bánh mỏng ra khỏi nồi sao cho không bị rách, không bị gấp lại và xếp lần lượt lên nhau, tạo thành một tệp. Khi ăn, người bán hàng sẽ lật từng lớp lá bánh một cách khéo léo, các đầu ngón tay thoăn thoắt, được lớp nào, nhấp vào hũ hành khô phi mỡ vàng, rồi cắt ra thành miếng vừa ăn. Những miếng bánh óng ả, thơm gạo, thơm hành mỡ đến là hấp dẫn.
Bánh cuốn ở Hà Nam không ăn với chả quế, chả lụa mà ăn với chả thịt nướng hình hoa cải. Nướng thịt sao cho vàng, các rìa ngoài của miếng thịt se lại như những cánh hoa cũng không dễ. Trước hết, phải lựa thịt ngon, thường là thịt nạc thăn thái mỏng, miếng vừa đủ ăn, đem ướp gia vị gồm nước mắm, tiêu, tỏi, đường, hành khô, rắc chút vừng nữa, nướng trên bếp than hoa đến khi vàng ruộm và dậy mùi thơm là được. Bánh cuốn ăn với chả nóng, nước chấm âm ấm ngọt thanh, dầm trong đó là đu đủ thái lát mỏng, ướp tỏi, đường cho chín mà vẫn giòn, thêm chút rau thơm nữa là đủ bộ.
Bánh cuốn Hà Nam có bán nhiều ở chợ Phủ Lý, trong những quán xá của thành phố bên sông Đáy. Nơi đây đã trở nên rất quen thuộc với các thực khách từ nhiều nơi tìm về, nhất là ở khách ăn ở Hà Nội. Và, mỗi khi nhắc đến Hà Nam, là nhắc đến món ăn dân dã, mà vẫn rất hấp dẫn này - Bánh cuốn hoa cải - Bánh cuốn chả Hà Nam.
Theo langnghe.org.vn

Bánh chưng làng Đầm

Không khí Tết đang lan tỏa khắp trong Nam, ngoài Bắc. Trong những ngày rạo rực niềm vui, chúng tôi có dịp về thăm làng Đầm, xã Liêm Tuyền (Thanh Liêm, Hà Nam), nơi có truyền thống làm bánh chưng hàng trăm năm nay.
Bánh chưng làng Đầm
Làng Đầm cách thành phố Phủ Lý chừng 5km. Mới đến đầu làng, chúng tôi đã thấy ngan ngát mùi lá dong, nếp cốm, đỗ xanh... không khí rất nhộn nhịp, tất bật. Người rửa lá dong, người giã đỗ, thái thịt, chuẩn bị lò; trẻ con thì tước lạt, lau lá... Từ cụ già đến trẻ nhỏ đều tham gia gói bánh. Nhà ít thì 4 - 5 người, nhà đông có khi hơn chục lao động cùng chụm đầu trong gian bếp nhỏ, quây quần, ấm cúng.
Cụ Bùi, người cao tuổi ở làng cho hay: “Làm bánh chưng là nghề truyền thống ở làng Đầm. Người dân từ kinh nghiệm truyền thống đã đúc rút được nhiều cách làm bánh ngon. Bà con gồng gánh đi khắp các chợ ở những vùng lân cận để bán; được ưa chuộng, vậy là thành nghề. Bánh chưng làng Đầm đã đi khắp Hà Nội, Nam Định rồi vào cả miền Trung”.
Ngày nay, làm bánh chưng là nghề mang lại thu nhập chính của một số gia đình trong làng. Nhìn cậu bé chưa đầy 10 tuổi ngồi gói bánh rất điệu nghệ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục. Ông Quỳnh, trưởng thôn cười nói: “Làm bánh chưng không khó, nhưng phải tỉ mỉ, cẩn thận”.
Đến làng Đầm, vào nhà nào cũng thấy có một bể nước mưa rất lớn. Chị Thúy giải thích: Người dân làng Đầm chỉ dùng nước mưa để luộc bánh, nguyên liệu phải thật sạch. Làm như thế bánh mới thơm ngon. Cụ Thinh, năm nay đã 80 tuổi tiết lộ: “Bánh chưng làng Đầm có vị thơm ngon là do bà con dùng gạo Hải Hậu để nấu. Chọn loại đỗ xanh vàng mẩy, hạt tiêu phải tự rang và xay, thịt ba chỉ đều các phần nạc mỡ. Bánh ở làng tôi có thể để được cả chục ngày mà không bị ôi thiu”.
Thơm ngon là vậy nhưng nghề làm bánh chưng ở làng Đầm đang đứng trước nguy cơ mai một. “Trong hơn 300 hộ, chỉ khoảng 30 hộ giữ được nghề tổ. Khó khăn nhất là giá nguyên liệu tăng vùn vụt. Một chiếc bánh nhỏ khoảng 2-3 lạng gạo vẫn phải đủ thịt, đỗ, trước đây bán 1.500 đồng, nay nhích lên 2.000 đồng, bán đắt không ai mua, bán rẻ thì lỗ”, chị Thuý than thở.
Kinh tế phát triển, nông thôn có nhiều khởi sắc; song song đó, nhiều giá trị truyền thống dần mai một. Chỉ lo chẳng bao lâu nữa, có dịp về thăm làng Đầm, chúng tôi sẽ không được thấy không khí rộn ràng của làng nghề dịp Tết!
Theo langnghe.org.vn

Làng sừng Đô Hai

 Làng Đô Hai (xã An Lão, huyện Bình Lục, Tỉnh Hà Nam) có tới 90% dân số theo đạo Thiên chúa và 100% theo nghề làm sừng lúc nông nhàn.
Làng sừng Đô Hai
Tìm lại trong trí nhớ khá lâu, ông Lê Ngọc Nuôi- Bí thư chi bộ làng mới giới thiệu được cho chúng tôi cụ Nguyễn Văn Ba - một người tỉ mẩn với nghề, kèm theo lời phân trần: "Bây giờ, các cụ khéo nổi tiếng già hết cả rồi, đến nỗi tay run, mắt mờ trí nhớ kém không thể trò chuyện nổi. Chỉ có cụ Nguyễn Văn Ba là hơn hẳn thôi". Giữa những tiếng cưa, đục, mài... chúng tôi được tiếp chuyện với một cụ già 78 tuổi nước da hồng hào, dáng vẻ nhanh nhẹn và khoẻ mạnh. Đã 65 năm làm sừng mỹ nghệ cụ Nguyễn Văn Ba được tiếng là tinh tế, như vậy đủ thấy sự quý giá của mỗi sản phẩm cụ làm ra. Thuở hàn vi cha của cụ dạy cụ từ cách tiếp cận mẫu mã đến những thao tác dù nhỏ nhất. Cụ tâm sự "Ngày ấy con cái không cãi cha mẹ. Chúng tôi đã quen với việc xếp đặt nên học nghề một cách tự nhiên".
Buổi sơ khai của sừng mỹ nghệ chỉ là lược chải tóc, bàn chải đánh răng, tóm lại là những vật dụng rất nhỏ. Cũng vì nhu cầu ngày ấy không thể cao hơn. Rồi hợp tác xã sừng ra đời là nơi gửi thân những người theo nghề. Trước năm 1974, mỗi khi đạn bom giội xuống thì hợp tác xã sơ tán, yên ổn lại tụ về sản xuất. Những năm tháng đó, ai làm sừng thì yên tâm hoàn toàn vì số tiền mỗi người có được hàng tháng thừa sức gõ được thịt, cá! Nhà nước "bao tiêu", làng nghề được lợi như thế. Đang hàn huyên, cụ Ba như bị thực tế đánh thức, nhìn sang ông Bí thư chi bộ, chau mày nói: "Con trai nó đang giục tôi lên Hà Nội ở cùng cho vui. Nhưng vui gì, chật chội tôi không quen, với lại tôi còn lao động được".
Một tháng cụ Ba cũng chỉ làm một vài sản phẩm cho khách quen. Đấy là những bộ tam đa, những con giống có kích thước lớn, đôi khi cụ làm theo mẫu khách đưa. Sản phẩm cụ làm là những "sản phẩm tinh" nên người làng rất nể và khách hàng rất nhớ. Mặc dù ngày nay đã được sự trợ giúp của máy móc, nhưng có những sản phẩm cụ vẫn mất đến hàng tuần, chẳng thế cả làng gọi cụ là Nghệ nhân. Chỉ nói riêng công đoạn đánh bóng, dẫu không còn dùng đến lá chịu, lá ngái như ngày xưa nhưng sau 2-4 công (1-2 ngày) mới xong. Vậy là "người làm hàng loại một" chỉ còn lại một.

Theo langnghe.org.vn

Làng nghề làm bánh đa nem ở Nguyên Lý

Xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân là một nơi đất chật, người đông. Xã có 548 ha đất canh tác, 2865 hộ và 11.858 nhân khẩu. Nói đến Nguyên Lý người ta nghĩ ngay đến nơi làm bánh đa nem nổi tiếng. Đây không những là một nghề truyền thống mà còn là một bí quyết gia truyền để phát triển kinh tế.
Làng nghề làm bánh đa nem ở Nguyên Lý
Nguyên Lý hiện có hơn 400 hộ làm bánh đa với đủ loại: bánh đa thái, bánh đa quạt, bánh đa nem. Song đáng kể là có khoảng 100 hộ làm bánh đa nem đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Số sản phẩm do các hộ khác làm được tiêu thụ trong nước.
Trước tiên nói đến dụng cụ để sản xuất bánh đa gồm xoong, nồi, khuôn tráng bánh, giàn phơi bánh, một vài ống nứa để lấy bánh đa ra khi chín, một số vật đựng bằng nhôm hoặc bằng nhựa để ngâm gạo, đựng bột nước… Vốn đầu tư để sản xuất bánh đa nem không lớn lắm, chỉ khoảng trên dưới 3 triệu đồng là có thể sản xuất được với quy mô hộ gia đình. Vì là nghề truyền thống nên những người biết làm bánh đa đều có bí quyết riêng. Đó được xem như bí quyết gia truyền trong công thức pha chế bột sao cho bảo đảm một tỷ lệ thích hợp với từng mùa trong năm. Có lẽ vì thế mà bánh đa nem của Nguyên Lý luôn giữ được chất lượng tốt: bánh có độ dẻo cao, trắng mềm mà không dính… Đây là yếu tố quyết định đến việc chiếm lĩnh thị trường của sản phẩm.
Làng nghề làm bánh đa nem ở Nguyên Lý
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm. Cũng như bao làng nghề truyền thống khác trong cơ chế mở cửa, sản phẩm bánh đa nem của Nguyên Lý gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ bởi vì nó bị phụ thuộc vào các cai thầu. Những người sản xuất ở đây cho biết: nếu mỗi hộ một ngày sản xuất, chế biến 10kg gạo, thành phẩm đạt 6,4kg bánh đa nem, giá bán 8000đ/kg thì trừ mọi chi phí cũng chỉ còn lãi 10.000đ. Đấy là chưa kể những lúc sản phẩm bán chậm, bị tồn đọng, phải bán với giá thấp hơn.
Nguyên Lý hiện có 5 cơ sở chính thu mua sản phẩm để xuất khẩu bằng phương thức ứng vốn trước nhưng số lượng cũng chưa lớn, trong khi đó sản phẩm làm ra ngày một nhiều nên giá cả chưa ổn định. Xã cũng có một cơ sở làm trung gian chuyển hàng thông qua con đường tiểu ngạch để xuất khẩu sang Hàn Quốc, mỗi năm khoảng 10 chuyến, mỗi chuyến được 10 tấn. Số còn lại được thu mua để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bánh đa nem Nguyên Lý cũng giống như bao sản phẩm làng nghề truyền thống khác: bị ép giá thường xuyên và đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán nan giải với người sản xuất và cơ quan hữu trách.
Hiện nay, các lò sản xuất bánh đa nem ở Nguyên Lý hoạt động liên tục sẽ tiêu thụ khoảng 4000kg/gạo/ngày, làm ra 3.200kg sản phẩm, doanh thu khoảng hơn 25 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động. Cùng với việc làm bánh đa nem, các nghề: xay xát, buôn bán thóc gạo, các dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, dụng cụ sản xuất cũng theo đó mà phát triển, nhất là chăn nuôi, các hộ làm bánh đã tận dụng phế liệu trong quá trình sản xuất để phát triển chăn nuôi lợn. Mỗi hộ tối thiểu cũng phải có 2 con lợn.
Tuy nhiên không thể không nói đến hiện trạng môi trường hiện nay ở Nguyên Lý. Trung bình mỗi ngày các lò tiêu thụ khoảng 10 tấn than. Ở một diện tích hẹp như Nguyên Lý thì lượng khí thải CO2 làm ô nhiễm nguồn không khí là không thể tránh khỏi. Rồi lượng nước thải trong quá trình vo gạo, chế biến bột… cũng ảnh hưởng đến nguồn nước ở đây.
Để tiếp tục phát triển làng nghề truyền thống, đồng thời để hạn chế đến mức thấp nhất việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường các hộ, các cấp chính quyền huyện, xã cần tìm một giải pháp thích hợp cho làng nghề như có thể xây dựng khu tráng bánh tập trung, hoặc liên doanh vài hộ với nhau, các lò tráng bánh cần phải có hệ thống ống khói đủ tiêu chuẩn…
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử bánh đa nem Nguyên Lý vẫn tồn tại và phát triển, đây cũng là nét đẹp văn hoá của một làng nghề truyền thống.

Theo langnghe.org.vn

Làng nghề Trống Đọi Tam

Làng Ðọi Tam, xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có nghề làm trống từ rất lâu đời. Hỏi từ trẻ tới già ở làng Đọi Tam, ai ai cũng có thể kể vanh vách về lai lịch nghề trống. Năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng làm công tác tịch điền dưới chân núi Đọi, nhân dân nô nức tới xem.
Làng nghề Trống Đọi Tam
Lúc ấy, có hai anh em là Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Đạt biết tin đã ngả cây gỗ mít lấy gỗ ghép lại, thịt một con trâu để lấy da bịt lại hai đầu làm thành chiếc trống, khi đánh lên, âm thanh rất hay. Hai anh em mang trống ra dự lễ đón vua. Khi gióng lên, tiếng kêu như sấm (cho nên sau này, hai ông được gọi là Trạng Sấm), vua thấy hay liền hỏi cách làm. Nghề làm trống hình thành ở Đọi Tam từ đó và tính đến nay, cũng đã hơn nghìn tuổi.
Làng nghề Trống Đọi Tam
Nghề làm trống của Ðọi Tam nổi tiếng khắp nơi, thợ của làng có mặt ở mọi miền đất nước nhưng hàng năm cứ đến ngày hội làng và ngày giỗ tổ nghề họ lại trở về quê để dự hội. Nghề làm trống Ðọi Tam là nghề cha truyền con nối. Theo quy định, kỹ thuật làm trống chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể hay người ngoài do sợ thất truyền. Trước kia,con trai làng Ðọi Tam khoảng 12, 13 tuổi đã được dạy làm các loại nhỏ...Ðến 16, 17 tuổi đã có thể theo cha anh đi làm trống đại. Trống sấm chỉ dành cho cánh đàn ông khoẻ mạnh, có kinh nghiệm và kĩ thuật điêu luyện. Thợ làng Ðọi Tam làm đủ các loại trống: trống dùng trong đình chùa, trống chèo, trống trường trống trung thu...
Trước kia vào dịp Trung thu thợ làng làm tới hơn hai vạn chiếc đem bán ở khắp nơi. Thế nhưng mấy năm gần đây, họ không làm nhiều nữa vì rất ít người mua.
Ðể làm một chiếc trống phải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Da được chọn để làm trống là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em. Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít- loại gỗ dẻo, mềm không bị cong vênh, nứt vỡ, hơn nữa "Gỗ mít đánh ít kêu nhiều". Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng "dăm". Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu "dăm", cũng như độ cong và độ dẻo của dăm để khi ghép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở. Ngoài ra, để cho trống thật kín người ta còn dùng sơn ta miết vào các khe, cứ một lớp sơn lại có một lớp vải màn. Cuối cùng là bưng trống. Da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chết. Ðinh chốt được làm từ vầu hoặc tre già. Dù trống làm bằng gỗ xoang cầu kì hơn thì dùng gỗ gụ, gỗ dổi.
Vẫn là những bước làm trống cơ bản nhưng trống Ðọi Tam nổi tiếng nhờ độ bền, đẹp, nhờ bí quyết riêng cũng như tinh thần trách nhiệm của người thợ. Ngay cả những lúc khó khăn thiếu thốn, Ðọi Tam vẫn duy trì được nghề nhờ truyền thống tương trợ nhau, giúp đỡ nhau giữa các gia đình làm trống trong làng. Ngày nay, các nghệ nhân ở Ðọi Tam vẫn ra sức bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Nhiều gia đình vẫn lấy nghề làm trống làm nghề chính và đã có cuộc sống khá giả, sung túc hơn trước.
Theo langnghe.org.vn

Làng nghề lụa Nha Xá

Nói đến Hà Nam, người ta thường nói đến mảnh đất với tên của những làng nghề dệt đã trở nên rất đỗi thân thuộc như Nha Xá, Đại Hoàng, Nhật Tân… với đủ các chất liệu dệt khác nhau từ tơ lụa, sợi bông đến các loại sợi tổng hợp…, là cầu nối không thể thiếu cho sự phát triển của nhiều ngành kinh tế của đất nước.
Làng nghề lụa Nha Xá
Nằm dọc bên dòng sông Đáy với những cánh đồng dâu xanh ngát là làng dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên), một làng dệt lụa được mệnh danh là Á Hậu của Việt Nam được hình thành từ đầu thế kỷ XIII gắn liền với tên tuổi vị Thành Hoàng Trần Khánh Dư, người đã có công dạy cho dân làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.
Từ những năm đầu thế kỷ, những súc tơ lụa nõn bóng, mượt mà của vùng quê Nha Xá đã chinh phục được hầu hết các thị trường lớn cả nước. Cái hồn của lụa tơ tằm Nha Xá chính là hồn của thiên nhiên, trong sắc có độ trong, độ đục, có sự lấp lánh dưới ánh nắng trời… Khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, làng nghề càng nhộn nhịp hơn và quy mô sản xuất của làng nghề tiếp tục được mở rộng theo hướng công nghiệp. Nhiều gia đình tiếp tục đóng thêm máy dệt, hoặc đầu tư thay khung gỗ bằng khung sắt để làm ăn lâu dài. Đặc biệt người làng dệt nhanh nhạy với thị hiếu người tiêu dùng luôn chuyển đổi mặt hàng. Nhiều mặt hàng mới ra đời như hàng đũi, hàng tơ se, hàng lụa hoa, hàng lụa trơn, hàng lanh… và chất lượng, mẫu mã sản phẩm tiếp tục được nâng cao. Từ Nha Xá, nghề dệt đã lan rộng đến nhiều vùng như Lảnh Trì, Chuyên Ngoại, Hoà Mạc, Đồng Văn… tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm gia đình.
Rời Nha Xá, chỉ gần 20 phút đi xe là bạn đến với làng dệt Nhật Tân của huyện Kim Bảng. Tiếng những khung dệt đều đều chen lẫn tiếng đục chạm gỗ đâu đây tạo nên bức tranh nhộn nhịp của một làng quê đa nghề, trong đó nghề dệt đã có cách đây gần 500 năm. Đây là quê hương của nghề dệt vải mộc sử dụng chất liệu sợi bông chủ yếu làm vải lót phục vụ cho ngành công nghiệp đóng dày, các loại vải lót được sử dụng phổ biến làm túi xách xuất khẩu, hay đủ các loại vải phục vụ cho đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao…
Điểm dừng chân cuối của chúng tôi là làng dệt Đại Hoàng thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân. Nét cảm nhận đầu tiên mà bất cứ du khách nào có dịp đến đây là những con đường làng gạch đỏ với những khúc uốn cong mềm mại cùng những dòng người tấp nập vận chuyển vải, manh đay…. Hiện nay các sản phẩn của dệt Đại Hoàng rất đa dạng và phong phú, nhiều kiểu loại, mẫu mã như khổ 40 cm là vải kẻ dân tộc, khổ 80 cm là vải thường, khổ 1,4 m là vải dệt chéo… , ngoài ra Đại Hoàng còn nổi tiếng về dệt bao tải và manh đay phục vụ xuất khẩu.
Nghề dệt vải Đại Hoàng phát triển rất mạnh trong những năm gần đây do nhu cầu của thị trường xuất khẩu, không những thu hút đông đảo người dân tham gia, mà còn lôi cuốn nhiều cơ sở kinh doanh làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm, dịch vụ nhuộm vải, cung cấp nguyên liệu sợi dịch vụ vận chuyển, dịch vụ gỡ sợi tơ bị rối… Đại Hoàng cũng đã năng động đổi mới, mua sắm thiết bị để nâng cao năng suất. Đến nay, cả làng đã có tới trên 2.500 khung dệt chạy bằng điện, có 800 khung dệt được khổ rộng đem lại năng suất sản phẩm đạt 23 triệu mét vải, 5 triệu chiếc khăn mặt, 1.200 bao tải đay và 500 tấn manh đay trong năm 2005.
Phát triển nghề dệt vải truyền thống ở Nha Xá, Nhật Tân, Đại Hoàng … chỉ là những điểm sáng trong vô số các điểm sáng tại Hà Nam. Mô hình làm giàu bằng nghề dệt truyền thống ở đất đa nghề dệt Hà Nam đáng được biểu dương và học tập./.

Theo langnghe.org.vn

Làng nghề thêu ren Thanh Hà

Từ cách đây hơn 100 năm, người dân Thanh Hà đã làm quen với đường kim, sợi chỉ và cuộc sống của họ chẳng biết tự bao giờ đã gắn liền với nghề thêu ren. Không ai biết chính xác là ai đã đem nghề thêu ren về, chỉ biết rằng toàn xã có hơn 8.000 lao động thì đã có đến hơn 6.500 lao động làm nghề.
Làng nghề thêu ren Thanh Hà
Xã Thanh Hà nằm ở ven đường Quốc lộ 1A thuộc Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách thị xã Phủ Lý khoảng 10 km về phía nam. Thanh Hà có hai thôn chính làm nghề thêu đó là Thôn An Hoà và thôn Hoà Ngãi, đem lại doanh thu mỗi năm gần 2 triệu USD.
Nhìn những người thợ Thanh Hà thêu có cảm giác như nghề thêu sao mà đơn giản thế, chỉ cần đưa mũi kim lên xuống thế là xong, nhưng quan sát kỹ hơn thì mới thấy là nghề thêu mới thật kỳ công bao gồm nhiều công đoạn trước khi thêu thành sản phẩm, từ việc vẽ những hoạ tiết cần thêu ra giấy, sau đó lại đem hoạ tiết đó trổ vào tấm mica mỏng, nếu muốn mẫu thêu đẹp trước hết mẫu trổ phải đẹp, để rồi sau đó người thợ mang mẫu đã được trổ trên tấm mica mỏng đặt trên tấm vải cần thêu rồi lấy mực quét lên để lại dấu trên vải sau đó mới bắt đầu thêu.
Đối với mỗi người thợ Thanh Hà, mỗi mũi thêu đều đem đến cho họ nguồn cảm hứng vô tận. Dưới đôi bàn tay khéo léo, những cánh hoa cứ dần hiện lên sống động dù để trang trí vào giữa tấm nệm hay góc khăn tay. Những cánh hoa cũng tạo ra các đường viền trang trí thanh nhã và lãng mạn dọc hàng ngang khăn trải dường, và những tấm màn cửa, chúng cũng có thể được thêu rải rác ngẫu nhiên gợi cho ta nhớ lại những mẫu quần áo thêu hoa giản đơn từ những năm đầu của thế kỷ XVIII… Tất cả đã tạo dựng nên một không gian thêu với đủ loại hoa muôn sắc khoe màu.
Từ khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, làng nghề Thanh Hà ngày càng mở rộng về không ngừng phát triển. Những năm 80 là thời gian thịnh vượng của làng nghề: sản phẩm đa dạng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Những năm 90 đến nay, trong điều kiện thị trường truyền thống bị thu hẹp và thị trường nước ngoài lại đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và thời gian các mặt hàng thêu truyền thống của Thanh Hà vẫn không ngừng phát triển. Nghề thêu Thanh Hà hiện nay không chỉ được những nhà kinh doanh Đông Âu biết đến mà cả những nhà kinh doanh nước ngoài khác như Pháp, Ý, Nhật... về trực tiếp để đặt hàng. Với xu thế phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp thêu ở Thanh Hà không những đảm bảo duy trì các thị trường truyền thống mà còn mong muốn tiếp tục đưa những sản phẩm thêu của mình đến những thị trường mới.
Về Thanh Hà hôm nay, chúng ta càng tin tưởng hơn ở lớp thợ mới đang đứng vững và tự khẳng định mình trong cơ chế thị trường. Họ đang thổi hồn mình vào các bức tranh, nâng những sản phẩm của một nghề thủ công lên thành những tác phẩm độc đáo.
Theo langnghe.org.vn

Làng nghề gốm Quế

Một anh bạn người Nhật khi sang thăm Việt Nam đã nhất định nhờ tôi mua giúp cho một bộ ấm trà làm từ gốm Quế. Hóa ra sau một lần được thưởng thức trà trong một bộ ấm trà gốm Quế, anh và nhiều người bạn Nhật đã nhận thấy khả năng giữ nhiệt tốt và khử được dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật, cho hương vị trà đậm đà rất đặc trưng của loại ấm này. Thế mới biết “hữu xạ tự nhiên hương” bởi nói chung đồ gốm đất nung, gốm son, gốm sành của làng Quế (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) không mang vẻ sang trọng, đài các về hình thức. Được tạo dáng trên bàn xoay, không phủ men và được trang trí đơn giản thông qua kỹ thuật chạm chìm, đắp nổi... các công đoạn tưởng chừng như đơn giản ấy lại được những người thợ nơi đây chọn làm phương cách để tạo ra vẻ quyến rũ tự nhiên của gốm. Những người thợ gốm ở đây luôn thận trọng trong từng khâu khai thác và xử lý đất, tạo dáng, hoa văn cũng như dành từ 12-15 ngày cho công đoạn nung mới hy vọng có được một sản phẩm hoàn thiện. Nguồn nguyên liệu đất sét vàng chất lượng cao tại địa phương có khả năng tự chảy men tự nhiên khi được nung ở một nhiệt độ nhất định cho phép đa dạng hóa sản phẩm.
Làng nghề gốm Quế
Làng gốm Quế (thuộc làng Đanh Xá xưa), nằm ở hạ nguồn sông Đáy, thuộc huyện Kim Bảng, Tỉnh Hà Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 60 km về phía Nam là một trong số các làng gốm lâu đời của Việt Nam. Đến làng Quế, điều đầu tiên có thể quan sát được là sự thanh bình của môt vùng làng quê cổ, những khu lò bầu tập trung và các mặt hàng gốm rất đa dạng do những người thợ gốm của nhiều thế hệ ở đây làm ra. Trên địa bàn làng gốm Quế có hợp tác xã gốm Quyết Thành và gần 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ gốm, đã thu hút được trên 500 lao động và có khả năng sản xuất được trên 200 m3 sản phẩm mỗi tháng, cho doanh số khoảng 10 tỷ đồng/năm và đem lại với mức thu nhập ổn định cho người lao động trên 5 triệu đồng/người/năm. Bằng tài năng được hun đúc, cộng với tấm lòng yêu nghề, yêu nghệ thuật, những người thợ gốm Quế đang ngày càng làm ra nhiều sản phẩm đẹp hơn và tốt hơn để phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ những bộ ấm chén uống trà, các sản phẩm gốm đất nung đa dạng của làng Quế như chậu trồng hoa, bình đựng, các loại chum, vại, tượng… đã có mặt ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Đài Loan, Đan Mạch, Nhật, Mỹ, Hung-ga-ri…
Tham gia buổi lễ rước thần lửa đầu năm tại địa phương để tôn vinh truyền thống làng nghề, anh bạn người Nhật của tôi cảm nhận được tính nhân văn của một làng gốm cổ. Anh bảo gốm làng Quế có duyên, mà là nét duyên ngầm như ẩn chứa vẻ đẹp và nụ cười của những cô gái quê Việt Nam dung dị ./.
 Theo langnghe.org.vn

Làng nghề làm dũa An Đổ

Xã An Đổ (Bình Lục) có hơn 8000 nhân khẩu, 2700 hộ. Nơi đây có nghề làm dũa - một nghề độc nhất vô nhị mà chưa làng nghề nào có được ở Việt Nam.
Làng nghề làm dũa An Đổ
Hiện nay ở An Đổ có hơn 200 hộ sản xuất dũa, tập trung chủ yếu ở thôn Đại Phu. Những năm 1960 - 1964 rồi 1976 - 1982, nghề dũa ở Đại Phu đã tạo ra niềm tin đối với khách hàng xa và gần. HTX tiểu thủ công nghiệp Đại Phu được trang bị máy dập răng, xưởng cơ khí với hơn 200 công nhân, mỗi năm làm ra hơn 400.000 sản phẩm. Dũa của An Đổ đã xuất sang các nước Đông Âu, Lào, Campuchia… thu được nguồn ngoại tệ đáng kể và làm rạng danh cho An Đổ. Ngày ấy, dũa An Đổ đã đăng kí chất lượng 17493 và 3 lần đạt huy chương vàng hội chợ hàng tiểu thủ công nghiệp vào các năm 1980 - 1981 và 1982.
Nguyên liệu làm dũa có 2 nguồn: một là thép cây đặc chủng Y12A của Liên Xô (cũ), hai là các loại vòng bi đã hết hạn sử dụng. Dụng cụ để làm dũa khá đơn giản, gồm đe, búa, khuôn, dao băm, lò luyện, bễ rèn, đôi càng nạo (nay được thay bằng máy mài chạy điện), axít và xút để tẩy rửa. Nghề làm rũa ở đây đã đi vào chuyên môn hoá, theo 6 khâu cơ bản: tạo phôi, tạo mặt phẳng, tạo răng, tôi luyện, kiểm hoá và đóng gói.
Đầu tiên là dùng lò rèn để xẻ nguyên liệu, tạo phôi bằng khuôn, tạo phôi xong phải mài mặt phẳng (trước đây phải dùng nạo để tạo mặt phẳng vừa lâu vừa tiêu tốn sức lao động, nay đã sử dụng máy mài tạo mặt phẳng), mài xong đến công đoạn băm răng dũa. Công đoạn này cũng làm thủ công. Bởi lẽ băm dũa bằng tay thì gai sắc và gợn hơn băm bằng máy. Khâu cuối cùng trong sản xuất dũa là tôi luyện tạo độ cứng của dũa. Đây thực sưj là bí quyết nghề nghiệp. Những người thợ lành nghề hoàn toàn tôi luyện dũa bằng kinh nghiệm của mắt - nhìn dũa chuyển màu để biết tôi luyện thế nào cho dũa cứng đủ độ, không non quá mà cũng không già quá. Bởi nếu non quá thì dũa kém chất lượng, mà già quá thì hay gãy. Mỗi gia đình làm dũa ở đây đều tự chuyên sâu vào một công đoạn sản xuất, nhờ vậy sản phẩm làm ra chất lượng tốt hơn.
Các loại dũa: dũa tam giác, dũa bán nguyệt, dũa vuông, dũa tròn, dũa chữ nhật, dũa dẹt… với hàng trăm chủng loại từ cỡ 1mm đến 350mm. Những hộ làm dũa ở đây còn nhận làm dũa mỹ nghệ cho các công ty chuyên trạm khắc gỗ, kỹ nghệ vàng bạc. Làm các loại dũa theo đơn đặt hàng đòi hỏi phải có tay nghề cao và việc tôi luyện cũng khó hơn, bù lại thu nhập lại cao khoảng gần 1 triệu đồng/tháng.
Gần 50 năm qua, nghề dũa An Đổ đã từng bước tự khẳng định mình, tạo uy tín trên thị trường, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong sự nghiệp công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn.
Những năm gần đây, mỗi tháng ở An Đổ xuất 500.000 sản phẩm và chủ yếu được tiêu thụ ở Hà Nội, các tỉnh phía nam. Hiện nay dũa An Đổ có mặt trên thị trường của các nước ASEAN.
Những người thợ làm dũa An Đổ vẫn muốn tự mình kí được hợp đồng xuất khẩu chứ không phải qua con đường tiểu ngạch. Họ còn lo nguồn nguyên liệu đầu vào bấp bênh và hy vọng tìm được nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất.

Theo langnghe.org.vn

Làng nghề mây tre đan Ngọc Động

Xã Hoàng Đông (Duy Tiên) có diện tích tự nhiên gần 7km2, dân số 6.894 người. Xã có 6 thôn, nơi đây có nghề mây tre đan truyền thống. Trong khi nhiều làng nghề truyền thống gặp không ít khó khăn thì nghề mây tre đan ở đây lại đang trên đà phát triển.
Làng nghề mây tre đan Ngọc Động
Ngày mới ra đời, ở đây chủ yếu sản xuất ghế mây. Sản phẩm này ngay lập tức được nhiều người chấp nhận bởi mẫu mã đẹp lại phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Càng ngày tiếng tăm của làng nghề càng vang xa, người về đặt mua sản phẩm, người bán nguyên liệu ngày một tấp nập.
Cũng như nhiều làng nghề khác, nghề mây tre đan ở Ngọc Động đã gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi cơ chế. Song lớp thợ Ngọc Động đã trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã tìm kiếm thị trường ở Tây Âu và các nước Đông Nam Á. Nhờ vậy làng nghề đã trụ vững và đi lên.
Nguyên liệu cung cấp cho làng nghề là 2 thứ cây có nhiều ở nước ta: cây giang và cây mây. Các sản phẩm như bát, đĩa, khay, lọ hoa, lọ độc bình, lãng hoa hiện nay rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Có những lọ độc bình cao đến 1,8m, giá xuất xưởng xấp xỉ 500.000đ.
Làng nghề mây tre đan Ngọc Động
Hiện nay ở Ngọc Động, mô hình sản xuất theo hộ gia đình là chính, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm lại phải thông qua một số người. Điều này thường gặp nhiều ở làng nghề. Những người này có vốn, nắm bắt được thông tin nên họ đứng ra đặt hàng rồi thu gom hàng để bán.
Nghề mây tre đan ở đây có ưu điểm là: vốn ít (chỉ cần từ 300.000 - 500.000đ là tạm đủ cho một hộ 4 người sản xuất), tận dụng được lao động phụ đặc biệt là trẻ em và người già, thu nhập cao (thợ kỹ thuật bậc cao khoảng 25.000 - 30.000đ/ngày, lao động phổ thông cũng đạt 10.000 - 15.000đ/ngày).
Nghề truyền thống đã mang lại cho Ngọc Động những lợi ích kinh tế rõ rệt không thể phủ nhận được. Ngoài ra, những lợi ích khác về xã hội mà làng nghề đem lại cũng không thể tính đếm hết, như đẩy lùi các tệ nạn xã hội, trẻ em ngoài việc học hành còn tham gia giúp gia đình làm thêm việc đan lát. Những nghệ nhân cao tuổi thì sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng; người già, trẻ em thì làm nan; những ông chủ thì mua gom sản phẩm, tìm kiếm những hợp đồng có giá trị kinh tế; những người trực tiếp làm ra sản phẩm thì phơi, sấy; những người thợ khai thác lại chuẩn bị cho những chuyến đi…
Làng nghề ở Ngọc Động đã tồn tại qua bao thăng trầm. Lớp thợ hôm nay dám nghĩ dám làm để những sản phẩm của mình tiếp tục nối tiếp truyền thống của những người đi trước. Sản phẩm mây tre đan Ngọc Động được khẳng định chẳng những trên thị trường trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Đó là một niềm vui không những của riêng người dân Ngọc Động mà còn là niềm tự hào của ngành TTCN tỉnh Hà Nam.

Làng nghề nuôi cấy ngọc trai Hạ Long

Làng nghề nuôi cấy ngọc trai trên biển đầu tiên của vùng Ðông Bắc Việt Nam thuộc huyện đảo Vân Ðồn, cách thành phố Hạ Long khoảng 60km. Nghề này đã ra đời và phát triển ở đây khoảng 40 năm. Huyện đảo Vân Ðồn có diện tích các bãi triều ngập nước là 10.969ha, cùng hàng vạn ha đất có mặt nước tại các vụng, tùng, vịnh… ẩn khuất trong trùng điệp núi đá, núi đất thuộc vịnh Bái Tử Long là những nơi lý tưởng để phát triển nghề này.
Làng nghề nuôi cấy ngọc trai Hạ Long
Vân Ðồn là nơi tập trung tới bốn loài trai ngọc có giá trị, gồm trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson. Ðây là những loài trai ngọc rất quí và có giá trị xuất khẩu cao. Với diện tích mặt nước hàng vạn ha, cùng với khí hậu, môi sinh rất thuận lợi cho việc nuôi trai cấy ngọc, tạo nên một vùng nuôi cấy ngọc trai rất lớn ở Vân Ðồn.
Làng nghề nuôi cấy ngọc trai Hạ Long
Theo tàu ra vịnh, du khách có dịp tới thăm các “ngư trường” nuôi trai cấy ngọc trên biển của “làng” trai ngọc Vân Ðồn. Dưới ánh nắng ban mai lấp loá những giàn phao, lưới lồng nhấp nhô trải dài theo con sóng, chắc bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng, thích thú bởi cảnh vật nơi này.
Làng nghề nuôi cấy ngọc trai Hạ Long
Ngày xưa, nghề nuôi trai, cấy ngọc được làm theo phương pháp thủ công. Lồng nuôi trai, cấy ngọc được treo lên đầu sào tre, số lượng ít, hiệu quả kinh tế không cao. Ngày nay nhờ áp dụng kĩ thuật nuôi trai lồng bè với phao dây theo phương pháp khoa học kĩ thuật tiên tiến như treo lồng ở độ sâu không quá 2,5m để khi triều rút, lồng nuôi không được nổi lên mặt nước biển hoặc không được chạm đáy, loài khác sẽ ăn trai hoặc con trai sẽ hớp phải bùn… Một phương pháp nữa cũng được áp dụng, đó là ghép bè thành giàn bằng các cây tre dài và thẳng, diện tích vài trăm mét vuông/khu, mỗi lồng cách nhau 0,5m. Những bè nuôi như vậy có thể nuôi trai theo nhiều lứa tuổi, việc di chuyển chăm sóc trai cũng dễ dàng hơn.
Theo langnghe.org.vn

Làng nghề nghệ thuật móc đất cảng

Nếu thêu đưa ta vào một thế giới nghệ thuật mang tính sâu lắng với những tông chuyển tiếp khéo léo bao nhiêu thì đến với đất Cảng, người ta chợt nhận ra một vẻ đẹp hoàn toàn khác lạ, một vẻ đẹp phóng đãng của nghệ thuật móc chỉ mà chỉ một lần nhìn thôi còn nhớ mãi không quên…
Làng nghề nghệ thuật móc đất cảng
Những sản phẩm móc bằng chỉ, sợi, len đã có từ rất lâu nhưng có lẽ chỉ thực sự phát triển ở Việt Nam, hay nói chi tiết hơn là ở Hải Phòng từ năm 1980 trở lại đây. Không có ở đâu nghề móc lại phát triển như ở Hải Phòng, từ thành phố, đến thị trấn Đồ Sơn hay đến các huyện vùng nông thôn như vùng An Hải. Sản phẩm móc này đã đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như nhiều nước trên thế giới, bởi không chỉ tính tiện dụng trong cuộc sống hàng ngày mà còn ở giá trị thẩm mỹ mang tính nghệ thuật cao. Hàng móc rất đẹp bởi những hoạ tiết hoa văn trang trí hợp mốt được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công một cách tỉ mỉ và cầu kỳ sang trọng. Những sản phẩm móc luôn toát lên sự quyền quý, song lại rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày, từ những bộ trang phục, quần, áo, khăn choàng, mũ, găng tay, tất chân, túi xách … cho đến các hoạ tiết móc tinh tế trong những sản phẩm trang trí trong nội thất gia đình như khăn trải bàn, khăn trải giường, gối, khăn phủ sa lông, đế ly, đế cốc, đế lọ hoa….
Đan móc là một nghề thủ công luôn đem lại cho con người ta nguồn cảm hứng dồi dào. Chỉ bằng một mũi móc thật là đơn giản, những sợi len, sợi chỉ đa sắc màu đã dần được liên kết lại với nhau trên những đôi tay múa lượn của người dân đất Cảng. Để có được những sản phẩm mang vẻ đẹp phóng đãng đã một lần nhìn là không dễ nào quên đó, thực ra là cả một kỳ công, là sự kết hợp hài hòa của nhiều phương pháp móc khác nhau như móc xích, móc đôi, móc ba (trebles), nửa móc ba, móc Tuynidi, đan ren (đăng ten) hay đan móc Jacquard…. Song có lẽ cũng không còn mấy ai nhớ đến những cách gọi mang nặng tính học thuật đó cả mà chỉ cần một mũi móc và những sợi chỉ, sợi len thôi, những sản phẩm sẽ được hiện hình…bởi nghề móc đã trở thành một việc thường nhật của những người dân nơi đây.

Theo langnghe.org.vn

Làng vận tải biển An Lư

An Lư xưa là làng, nay là xã nổi tiếng về nghề đi biển của huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Thuở xa xưa, khi người dân An Lư ra khơi thuyền tam bản, thuyền buồm thì biển chỉ cách làng 500m. Còn hôm nay, khi dân An Lư đi biển bằng cả đội tàu viễn dương hàng ngàn tấn thì biển đã cách xa làng đến cả chục kilômét. Một làng nghề đã vươn mình ra biển khơi với việc chinh phục đường biển Đông Nam Á và trở thành một khu phố sầm uất.
Làng vận tải biển An Lư
10 năm trưởng thành
Năm 1998, 8 công ty đầu tiên của An Lư đã ngồi lại với nhau. Họ cùng có chung một nguyện vọng: giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh, nhất là khi phải giải quyết các rủi ro xảy ra. Thế là ý tưởng thành lập Hiệp hội ra đời.
Nhớ lại khi chưa có Hiệp hội, các công ty, các chủ tàu cạnh tranh không theo quy luật nào cả. Kết quả là tất cả đều thua thiệt. Bây giờ Hiệp hội đại diện gắn kết các thành viên. 250 con tàu lớn nhỏ đều là thành viên của hiệp hội, giá cước được bảo đảm, đặc biệt các thành viên hỗ trợ nhau trên biển khi gặp sự cố. Một tàu gặp sự cố, khi báo cho Hiệp hội biết tọa độ, lập tức các tàu khác ở gần có trách nhiệm đến ứng cứu. Việc ứng cứu kịp thời đã giúp nhiều con tàu thoát khỏi cơn nguy biến, giảm được rất nhiều thiệt hại.
Nhờ Hiệp hội, các con tàu không cảm thấy "cô đơn" trên biển cả mênh mông đầy nguy hiểm. Làng nghề đi biển An Lư vẫn phát triển, các con tầu được đóng mới ngay trên quê hương An Lư, nghĩa là An Lư không chỉ có vận tải biển mà nay còn có Nhà máy đóng tàu Nam Sơn đang được xây dựng trên diện tích 19ha, đóng được các con tàu biển trọng tải 4 - 5.000 tấn. Các con tàu An Lư đều được trang bị hộp đen hiện đại. Không chỉ có thế, Hiệp hội An Lư còn kết nạp cả các thành viên là công ty điện tử viễn thông chuyên cung cấp vật tư thiết bị cho các con tàu của Hiệp hội, công ty tư vấn pháp lý, mở ra hướng phát triển toàn diện cho vận tải biển.
Ngày 12/8/2008, Hiệp hội vận tải đoàn kết An Lư vừa tròn 10 tuổi. Năm này sang năm khác, số thành viên xin gia nhập Hiệp hội cứ tăng lên. Hơn ai hết những người đi biển biết rõ những rủi ro bất khả kháng có thể xảy ra. Chỉ có đoàn kết, chỉ biết dựa vào nhau họ mới tồn tại để "đi đến nơi về đến chốn". Không biết tự bao giờ, khát khao làm giàu đã ngấm vào máu vào thịt những con em làng An Lư. Nhưng chỉ có máu làm giàu thôi chưa đủ, còn cần tôi rèn bản lĩnh nghề nghiệp, bởi nghề vận tải biển vô cùng khắc nghiệt.
Không an phận trong “ao nhà”
Khát vọng vươn ra biển lớn đã manh nha từ nhiều năm trước, khi các doanh nghiệp An Lư ngày một lớn mạnh đã chuyển trụ sở của mình từ xã ra thành phố, rồi thiết lập quan hệ trên toàn quốc, vươn ra ký kết hợp đồng với đối tác ở nước ngoài.
Để thực hiện ước mơ ra biển lớn, người An Lư không chỉ đổ tiền để đóng những con tàu to hơn, họ còn đang thực hiện chiến lược đào tạo nhân lực khá bài bản. Các công ty TNHH của An Lư đã đưa con em mình vào học trong trường hàng hải hoặc quản lý kinh tế từ nhiều năm trước, hiện giờ một số trở về đang bắt đầu làm quen công việc trong công ty của cha, anh mình.
Làng An Lư nằm bên bờ biển huyện Thủy Nguyên đang đổi mới từng ngày. Đời sống của người dân ngày một được cải thiện. Nhiều người giàu lên, cả làng đã có trên trăm chiếc ôtô con toàn loại xịn BMW, Mercedes, Audi...


Theo langnghe.org.vn

Làng nghề bánh đa Nông Xá

 Thành phố Hải Phòng với những con đường rợp bóng phượng vĩ, với những hè phố rộng, từ lâu đã trở thành địa điểm kinh doanh lý tưởng của những món ngon đậm chất bình dân, bánh đa cua cũng ở những nơi như thế. Đi trên bất cứ con phố nào, bạn đều có thể bắt gặp một vài chiếc bàn, chiếc ghế được kê ngay ngắn bên hè phố, gần đó là cái bảng nhỏ với vài chữ không cần nắn nót “Bánh đa cua”...
Làng nghề bánh đa Nông Xá
Người dân Hải Phòng rất tự hào về đặc sản của đất mình, nhưng không phải ai trong số họ cũng biết rằng, tại một ngôi làng nhỏ cách trung tâm thành phố không xa, những mẻ bánh đa vừa ngon, vừa giòn, vừa dai, vừa quánh vẫn hàng ngày, hàng giờ được ra lò từ những đôi bàn tay khéo léo, cần cù, yêu lao động...
Làng Nông Xá, xã Tân Tiến, huyện An Dương vào một ngày giữa hè, đường vào làng rộng thoáng, sạch sẽ. Rải khắp đường vào và trên nóc nhà là những mẹt bánh màu trắng, màu đỏ san sát nhau, hình ảnh đó khiến cho những người đến đây lần đầu có một cảm giác ấm cúng khác lạ. Từ lâu lắm rồi, cái nghề tưởng chừng như chỉ là phụ ấy đã trở thành cứu cánh cho cuộc sống của người dân ở đây.
Làng nghề bánh đa Nông Xá
Người làm bánh đòi hỏi phải có một thái độ làm việc cẩn thận, tỷ mỷ. Chọn gạo là công đoạn đầu tiên hết sức quan trọng trong quy trình sản xuất bánh đa. Yêu cầu gạo phải có độ nở tốt, có hương vị thơm tự nhiên, tốt nhất là loại Q5, V, 132... Gạo được nhặt sạch sạn rồi cho ngâm với nước lạnh, ngâm gạo phải đủ giờ cho gạo trắng mềm, mùa hè ngâm khoảng 1 giờ, mùa đông thì 10 giờ.
Có hai loại bánh, nếu làm bánh trắng (bánh đa) thì chỉ có bột gạo, còn nếu muốn làm bánh đỏ (bánh đa cua) thì dùng đường mía cô đặc thành kẹo đắng. Gạo được xay thành bột mịn như tơ, sau đó đổ nước bột lên băng vải của máy tráng, chạy qua sức nóng của nồi hơi. Xong công đoạn tráng sẽ trải ra những phên đan, phơi se trên lò than và chủ yếu tận dụng ánh sáng mặt trời. Khi bánh đã khô tương đối, xếp chồng lên nhau, dùng cối đá ép phẳng và dùng máy cắt nhỏ khoảng từ 0,2 - 1cm tùy theo yêu cầu của khách và tùy từng cơ sở sản xuất.
Bánh thành phẩm gồm hai loại: Bánh khô được bán cho các tỉnh xa, hay dùng làm quà biếu, bánh ướt được bán ngay trong địa bàn xã và các vùng phụ cận. Do vậy, đến Hải Phòng ăn bánh đa cua, bạn sẽ được thưởng thức những sản phẩm tươi, ngon. Theo tính toán thì cứ 1 kg gạo sẽ được 0,9 kg bánh đa.
Muốn bánh ngon, giòn, dai, quánh phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản như: gạo phải chuẩn, bột mịn tơ (mịn hơn cả bột làm bánh trôi), nhiệt độ cao. Với những người làm nghề lâu năm và có nhiều kinh nghiệm, thì mùi vị của bánh đa là quan trọng nhất. Chính điều này tạo nên nét khác biệt và nổi tiếng của bánh đa Hải Phòng mà ít vùng nào sánh kịp. Nhưng để có được vị bánh thì hạt gạo phải đẫy đà, hạt trắng, phơi không được thiếu nắng.
Trong khi làm bánh chỉ cần một sơ xuất nhỏ trong mỗi công đoạn có thể dẫn tới hỏng cả mẻ. Nếu sót sạn, sẽ làm bánh bị vênh, gạo ngâm không đủ độ bánh sẽ dở, lúc tráng không đủ nhiệt độ nóng sẽ dẫn tới bánh gãy... Quan trọng nhất là công đoạn phơi, lúc này, người làm nghề chẳng còn cách nào khác là “trông trời, trông đất, trông mây...”, việc phải bỏ cả tạ bánh chỉ vì trời nắng, trời mưa không phải là chuyện hiếm.

Theo langnghe.org.vn

Làng nghề chiếu cói Lật Dương

 Ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng, ngoài Lật Dương còn có Lật Khê, Chính Nghị và Lêu vốn có nghề dệt chiếu cói. Nhưng bây giờ thì chỉ còn Lật Dương duy trì nghề truyền thống này.
Trước năm 1990, huyện Tiên Lãng cùng với huyện Vĩnh Bảo kề bên là vùng cói lớn không những của thành phố Hải Phòng mà còn của cả miền duyên hải Bắc Bộ. Chỉ kể hai cơ sở chuyên canh là nông trường Vinh Quang (Tiên Lãng) và nông trường Trấn Dương (Vĩnh Bảo) đã có gần 2.000 ha. Cũng trên địa bàn hai huyện còn có hai xí nghiệp chế biến cói, trang bị khá hiện đại, mỗi năm sản xuất hàng vạn sản phẩm từ cói như chiếu, thảm, bao manh, làn, bị cói... thu hút hàng nghìn lao động. Ðã một thời, bao manh cói, làn, bị cói được coi là "mốt" đóng gói hàng vận chuyển xa và đồ xách tay tiện lợi của các bà, các chị nội trợ. Còn chiếu cói thì khỏi nói, có nhà nào lại không mỗi năm mua một, hai đôi về trải giường, nhất là khi Tết đến muốn có chiếc chiếu hoa. Còn bây giờ, hàng ni-lông xâm nhập vào tất cả, từ chiếc làn đi chợ, túi đựng đồ đến bao bì đóng hàng, và dĩ nhiên không loại trừ cả chiếc chiếu trải giường làm bằng ni-lông bày bán đầy dãy ở các siêu thị. Vậy thì cói và nghề dệt chiếu cói ra sao?
Làng nghề chiếu cói Lật Dương
Làng nghề Lật Dương, xã Quang Phục có từ thế kỷ XVII với sản phẩm chiếu cói được trong và ngoài thành phố biết đến. Doanh thu hàng năm của làng nghề có thời đạt từ 10 - 12 tỷ đồng/ năm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, làng nghề đứng trước những khó khăn về vốn, nguyên liệu để phục vụ sản xuất.
Trước đây cuộc sống của bà con trong làng khấm khá lên nhờ nghề truyền thống, sản phẩm được tiêu thụ khắp trong và ngoài thành phố. Việc phát triển làng nghề đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho đại bộ phận người dân. Được biết, tầm tháng 7- 8 âm lịch là thời điểm các hộ dân đi thu mua cói ở các bãi, vùng trong và ngoài thành phố về sản xuất. Tuy nhiên hiện nay ở một số địa phương ven biển, diện tích cây cói bị phá bỏ để khoanh vùng nuôi trồng thuỷ sản đã đẩy nguồn nguyên liệu khan hiếm và giá thành cao. Vì vậy, tại thời điểm này, các hộ dân trong thôn luôn sản xuất cầm chừng với tâm lý sợ hết nguyên liệu.
Làng nghề chiếu cói Lật Dương
Ngoài việc thiếu nguyên liệu, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất cũng còn hạn hẹp. Được công nhận là làng nghề từ năm 1999 với việc thành lập HTX làng nghề chiếu cói Lật Dương nhưng sự đầu tư cho trang thiết bị phục vụ sản xuất ở đây vẫn lạc hậu. Thực tế cho thấy, đại bộ phận các hộ khi đi mua cói đều phải vay tiền ngân hàng, thậm chí bán cả tài sản lấy tiền mua nguyên liệu về làm.
Trước thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường, không biết bao nhiêu người ở bao nhiêu nơi đã bỏ nghề dệt chiếu, thì người Lật Dương chẳng những giữ được nghề, mà còn đưa nó thành thương hiệu "Chiếu cói Lật Dương" nổi tiếng khắp vùng Hải Phòng, Hải Dương, ra tới Quảng Ninh, lên tận Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau một thời gian dài mai một, giờ đây làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng) đã trở lại không khí nhộn nhịp, tạo sắc thái mới cho một làng nghề dệt chiếu duy nhất ở thành phố hiện nay.
Làng nghề chiếu cói Lật Dương
Nét đặc biệt của làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương là chợ chiều. Chợ được họp từ 12 giờ trưa. Chợ chỉ bán chiếu, người đi chợ đều là người làm nghề và cũng chỉ họp trong khoảng 1 tiếng thì vãn chợ. Đây là một sinh hoạt mang tính đặc thù của làng nghề mà còn ít người được biết.



Theo langnghe.org.vn

Làng nghề trồng hoa Đằng Hải

 Làng Hạ Lũng xưa, nay là làng Đằng Hải thuộc quận Hải An, TP. Hải Phòng, vốn rất nổi tiếng với nghề trồng hoa. Hoa ở Đằng Hải rất độc đáo và đã mang lại niềm tự hào cho người dân đất Cảng…
Không biết có từ bao giờ, nhưng theo những người bản địa cao tuổi cho biết, chợ Đằng Hải có từ thời thượng cổ, với tuổi đời ngót trăm năm. Chợ Đằng Hải hiếm có so với các chợ trong cả nước là đặc biệt nằm uốn lượn quanh co có hai đình và chùa nằm liền kề. Hai đình đã được xếp hạng di tích quốc gia, trong đó đình Lũng Bắc bên trong có đình và chùa, còn đình Hà Lũng nằm cuối chợ không có chùa. Ở đình Lũng Bắc thờ vương Ngô Quyền… tiếng lành về đình thiêng đã đồn xa, nên không chỉ đến dịp Tết Nguyên đán mới đông du khách thập phương đến dâng hương hoa, mà ngay cả những ngày thường, nhất là vào tuần rằm, người đi chợ chơi, mua hoa và đến lễ rất đông.
Làng nghề trồng hoa Đằng Hải
Thời điểm áp Tết đến gần, những cơn gió heo may, mang cái rét ngọt ngào cho người dân đất Cảng. Trong cái rét ngọt ngào đó dường như có âm hưởng của mùa xuân, cảm giác này trở lên rõ rệt hơn khi xuống làng hoa Đằng Hải. Những ngày này, người dân Đằng Hải đang tất bật việc chuẩn bị hoa cho dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Mỗi năm có ba vụ hoa chính và hoa Tết là một trong ba vụ mang lại nguồn sống và là niềm tự hào của người dân Đằng Hải.
Đến làng hoa Đằng Hải vào ban đêm, ta thấy cả làng hoa như một cánh đồng hoa điện lung linh. Người dân Đằng Hải luôn thức ngủ cùng hoa, lo lắng và che chở cho chúng khỏi thời tiết giá lạnh và sương muối. Mỗi bông hoa đến tay người chơi hoa đều chứa đựng bao ý nghĩa, công sức và nỗi niềm của người trồng hoa.
Làng nghề trồng hoa Đằng Hải
Những năm gần đây, ngoài trồng hoa, người dân Đằng Hải còn đi Đà Lạt, Sapa,… để đặt hoa rồi chuyển về Hải Phòng, nên chợ hoa Đằng Hải đã trở thành chợ đầu mối cung cấp hoa tươi và những gì liên quan đến hoa. Chợ hoa Đằng Hải họp từ nửa khuya tới tờ mờ sáng, chợ họp quanh năm suốt tháng, nhưng những ngày lễ thì sôi động tấp nập hơn. Chợ họp đêm nhưng rất nhộn nhịp. Dọc con phố qua Lũng Bắc và các ngả đường về chợ đâu đâu cũng thấy hoa, nào là hoa hồng, hoa ly, hoa cúc, hoa lan đua nhau đủ màu khoe sắc. Nếu du khách nào một lần đến chợ hoa hẳn thấy rất ấn tượng, trong một không gian trong trẻo ngào ngạt mùi hoa, đủ màu rực rỡ. Tới chợ hoa Đằng Hải, ai cũng có thể tìm thấy mọi thứ liên quan tới hoa, từ các loài hoa giản dị đến loài hoa đắt tiền, từ những loại lá, hạt đích, kim tuyến ru băng, giấy gói, hộp kính…đến các giống hoa hay phân bón dành riêng cho hoa... Ngoài khách thường xuyên đến lấy hoa để bán, còn có du khách đến dạo chợ để ngắm là chính, bởi đi chợ đêm là một thú vui của rất nhiều du khách. Trời sáng cũng là lúc chợ đã vãn bởi phần lớn số lượng hoa đã được tiêu thụ hết, chợ hoa đêm lúc này nhường chỗ cho chợ thương mại ban ngày.
Bên dãy sắc hoa mờ ảo, gương mặt của những người dân Đằng Hải tươi rói những nụ cười rạng rỡ như những đoá hoa lấp lánh, lồng vào dòng người và những du khách đi xem và chơi hoa tan dần trong buổi sớm.



Theo langnghe.org.vn

Làng nghề bánh chưng Thủy Đường

 “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh” từ bao đời nay đã in sau vào tâm hồn mỗi người dân Việt Nam mỗi độ xuân về. Cái mùi khói nồng nồng bốc lên từ nồi bánh chưng nhà ai làm người ta nhớ tới quê hương da diết, và háo hức chỉ muốn mau mau trở về quê ăn tết sum vầy cùng gia đình, người thân dù làm ăn tứ xứ nơi đâu.
Tôi vẫn thèm cái cảm giác ngày còn bé ngồi trông nồi bánh chưng luộc cùng bố và cái cảm giác trông ngóng thèm thuồng thưởng thức bánh chưng xanh ngày tết biết chừng nào. Có lúc tôi thầm nghĩ, cuộc sống hối hả ngày hôm nay, tiếc chẳng còn mấy em thơ được biết đến cảm giác ấy.
Và mỗi lần thèm thuồng cảm giác ngày tết, tôi lại về làng nghề bánh chưng Thủy Đường, Thủy Nguyên để kịp cảm nhận không khí tết sớm đang về hối hả từng ngày. Vẫn những tàu lá chuối hột xanh mượt, vẫn những tiếng đảo gạo, xóc đỗ, vẫn những bàn tay gói khéo léo và vẫn những dáng tất bật thoăn thoắt xếp bánh vào nồi luộc bên than rực lửa… nhưng lạ thay, mỗi lần hòa vào không khí ấy, niềm hóa hức mong đợi tết về lại rạo rực trong lòng!
Bánh chưng bà Chiển
Từ lây tiếng thơm của bánh chưng Thủy Đường đã vang xa khắp nơi, ra tận nước ngoài. Nếu ai đó muốn đặt bánh làm quà cho người xa xứ hay cúng tết nhà, ngươi ta chỉ muốn đặt bánh Thủy Đường. Ở Thủy Đường có khoảng 10 gia đình làm nghề gói bánh chưng nồi tiếng là ngon như nhà bà Trượt, ông Vượt, anh Thêm, bác Na…
Làng nghề bánh chưng Thủy Đường
Đấy là chưa kể hàng trăm người đi làm nghề gói bánh chưng thuê mỗi dịp tết đến. Từ những ông già bà già đến đám thanh niên trai trẻ ở Thủy Đường, chẳng mấy ai không biết gói bánh chưng. Và trong hàng chục nhà làm nghề bánh chưng hàng đời ở Thủy Đường này, người ta lại đặc biệt thích hơn cả là chiếc bánh chưng do chính tay bà nhà Chiển gói.
Âm thầm và bền bỉ, bánh chưng bà Chiển đã thành thương hiệu , chẳng lẫn vào đâu. Không một biển quản cáo, không một lời mời chào, tiếng thơm đồn xa, cứ tết đến, người bên phố, người ngoài tỉnh, người xa xứ, các cơ quan, tổ chức tìm vào nhà bà Chiển đặt bánh chưng tết.
Ngày thường, lúc nào bếp nhà bà Chiển cũng đỏ lửa nhưng vào những ngày giáp tết, bếp lửa rực hơn, những bàn tay nghệ nhân gói bánh chưng phải bận rộn đến đêm giao thừa khi giao chiếc bánh cuối cùng cho khách.
4 nồi thùng phi luộc bánh chưng lúc nào cũng trực sẵn trên bếp rực lửa. Ông Nguyễn Đức Chiển, 86 tuổi và bà Đồng Thị Thuận, 80 tuổi, ở xóm 2, có lẽ là những người già nhât làng còn theo nghề bánh chưng đến giờ.
Còn những nhà khác, có cụ đã già, có cụ đã mất nên chỉ còn con cái các cụ theo nghề. Bắt đầu từ ngày 17-12 âm lịch, khách rộ về đặt bánh chưng tết. Nhà ông bà phải huy động nhân công, nào con cháu, nào thuê người mới kịp làm bánh cho khách.
Ngồi nắn bánh chưng, ông Chiển vui sướng nói: “Trước kia, chỉ có gia đình tôi làm nghề gói bánh ở đây, người ta đến xếp hàng mua bánh đông lắm. Bánh vừa vớt từ nồi ra là mọi người trực sẵn, xí phần của mình không kịp gói bán dù mấy người làm cả ngày cả đêm”.
Ông Chiển theo nghề gói bánh chưng đã hơn 60 năm, những vui buồn của cuộc đời ông đều gắn liền với nồi bánh chưng tết. Nghề này, ông học từ bà nhà. Bà Thuận – vợ ông – vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề gói bánh chưng lâu đời nhất làng.
Bà biết gói từ năm lên 12, khi lấy ông, bà truyền nghề và hai ông bà sống với nghề ngót nghét đã gần hết cả cuộc đời mình. 7 người con trai của ông bà đều biết gói nhưng cũng chỉ có anh Dũng, anh Anh nối nghề các cụ.
Vừa gói bánh chưng, anh Nguyễn Đức Dũng (con cụ Chiển) cười mãn nguyện: “Tôi biết gói bánh chưng từ khi còn trong bụng mẹ! Hớ, bà vừa mang bầu mình vừa gói bánh nên tôi tranh thủ học nghề của bà!”. Đúng là con nhà nòi, anh Dũng gói bánh cứ nhanh thoăn thoắt…, còn cái bánh cứ gọn gàng chắc nịch làm ngươi ta phải mê mẩn!.
Bánh chưng làm quà xứ người
Đến với làng nghề bánh chưng từ lâu rồi nhưng phải tầm khoảng năm 1989, ông Chiển mới thực sự làm bánh tại gia đình. Trước ông gói bánh cho cửa hàng mậu dịch Duyên Hải, khách sạn thành phố bên Hải Phòng.
Ông bảo, hồi ấy bà Năng bên phố sơ tán về Thủy Nguyên, thấy vợ chồng ông gói bánh ngon, thế là bà ấy mời sang phố gói bánh. Từ đó, bánh của ông gói ra là được mang đi biếu lên trung ương, thành phố.
Ông lại cười: “Chỉ có bánh của ai gói ngon mới được mang đi tặng cho ông Trần Đồng – nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng ngày đấy. Ông khen bánh của tôi ngon. Tôi có đứa cháu lái xe cho ông Trần Đồng nên thỉnh thoảng lại được gặp ông ấy, lại biếu ông ấy bánh chưng tết.
Rất nhiều cán bộ lãnh đạo đã ăn bánh chưng tết do chính tay tôi gói, không vui sướng nào bằng việc mang không khí tết đầy ý nghĩa đến mọi người”.
Năm nào, bánh chưng nhà ông Chiển cũng bay ra xứ ngoài. Người ta đến nhà ông bà đặt bánh làm quà cho họ hàng, người thân ở các nước Anh, Canada, Mỹ, Hồng Kong,.. Giữa tháng 12 âm lịch này, nhà ông đã tíu tít nhận đặt hàng gói hơn trăm chiếc bánh chưng to làm quà tết gửi ra nước ngoài.
Còn nữa, ông và các con cháu đang gói 100 bánh cho một hội nghị ở Hà Nội. Năm nào cơ quan của anh Tuấn bên cảng Hải Phòng cũng đặt 200 bánh chưng làm quà tết cho anh em công ty . Nhiều khách lớn lắm , nhiều khách lớn lắm, nhiều hợp đồng số lượng lớn lắm, ông Chiển không nhớ hết được .
Xưởng bánh chưng nhà ông làm tất bật nhất từ ngày 26-29 âm lịch tết. Mỗi ngày phải luộc 4 nồi bánh chưng với hơn một nghìn bánh. Ông phải huy động tất tần tật con cái trong nhà. Anh Dũng, con ông đã được cơ sở gói bánh chưng bên Hồ Sen, Hải Phòng mời sang gói bánh thuê trả 300 nghìn đồng/ngày nhưng anh từ chối vì công việc nhà bận rộn làm không xuể.
Đứa cháu ông mang nghề gói bánh chưng vào Sài Gòn lập nghiệp và cũng đang phát triển mạnh, tạo thương hiệu bánh chưng Thủy Đường bay xa hơn. Dù bánh ở đâu ngon nhưng cũng thể ngon bằng bánh “bà Chiển”. Ông Chiển cho biết: gói được bánh chưng ngon không bị mốc, và để được lâu phải có bí quyết nên ai cũng tìm đến đích xác nhà ông đặt bánh.
Có người tận Quảng Ninh mời ông trực tiếp ra đấy gói bánh cho họ nhưng ông bà già rồi không đi xa được nên chỉ gói ở nhà. Anh Nguyễn Tất Bệ cũng theo nghề gói bánh chưng 40 năm nay và năm nào anh cũng gói bánh thuê cho cụ Chiên, liến thoắng tay xóc gạo, miệng cười phớ lớ: “Chỉ có thông Thường Sơn là nổi tiếng gói bánh chưng ngon nhất vùng.
Ngoài nhà ông ra, có không ít chủ lò bánh lúc nào cũng rực lửa với quy mô lớn hơn hàng nghìn cái bánh vào mỗi ngày tết. Về đến đầu làng Thủy Đường là người ta cảm nhận được hương vị bánh chưng rồi. Đấy, như nhà ông Dương Vượt, bà Trượt đó, ngày thường họ cũng gói hàng trăm cái bánh, cũng phát triển lắm nhưng chưa ai có tiếng thơm ngon bằng nhà ông Chiển đâu!”.
Bếp nhà cụ Chiển lúc nào cũng rực lửa, hễ ai đặt hàng thì cụ lại cùng các con cháu xắn tay gói bánh, bắc nồi lên bếp, ngay cả ngày mồng một tết cụ cũng làm. Có lẽ không lúc nào cụ Chiển có thể rời xa nghề của mình được. Những lò bếp rực lửa không bao giờ tắt ấy như chính sự rực lửa yêu nghề của một lão làng trong làng bánh chưng Thủy Đường!


Theo langnghe.org.vn

Làng nghề hương thơm Kiền Bái

Những ngày này dọc các con đường ở xã Kiền Bái (Thủy Nguyên) đầy những nong phơi tưm tre đỏ rực xòe như đóa hoa trăm nghìn cánh. Khắp trong nhà, ngoài ngõ, đâu cũng thấy màu vàng của bột hương, màu đỏ của chân hương…
Làng nghề hương thơm Kiền Bái
Nằm ngay trên trục đường chính của xã, cơ sở sản xuất hương thơm Thanh Lâm với gần chục công nhân đang tất bật làm việc. Người thì se hương, phơi hương, đóng gói… Thoăn thoắt se hương cùng các nhân công, bà Nguyễn Thị Lâm, chủ cơ sở chia sẻ: “Người làm hương bận rộn quanh năm. Nhưng càng gần Tết việc lại càng nhiều. Bởi lẽ trong thời gian này, thị trường cần một lượng lớn hương để chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán”.
Ông Phạm Khắc Ngọc, trưởng thôn 6 cho biết: Dù không phải nghề truyền thống nhưng nghề làm hương ở Kiền Bái đã có hơn 20 năm nay. “Lúc đầu chỉ một số người trong làng làm hương nhưng dần dần nó đã trở thành nghề chính của rất nhiều hộ. Đến nay xã đã có khoảng 60 hộ sản xuất hương quanh năm” – ông Ngọc nói.
Sản xuất hương thơm ở Kiền Bái có nhiều loại nhưng loại phổ biến nhất có lẽ là hương se. Theo bà Lâm, cách làm hương se không khó: chỉ cần trộn bột hương được xay nhuyễn từ nhiều loại hương liệu, gồm các thứ như: bột hương bài, quế, thuốc bắc với nước keo… Sau đó, lấy chân hương quấn bột, se lại với bột khô rồi đem phơi. Thứ tạo nên mùi thơm đặc trưng là hương liệu. Tuy nhiên, mỗi người lại có bí quyết pha trộn hương lieu riêng, không thể tiết lộ với người ngoài. Phối trộn nguyên liệu xong thì đến khâu se hương. Khâu này yêu cầu người làm phải thực hiện động tác nhanh, gọn mới làm ra được những nén hương có độ đồng đều về kích cỡ, lượng nguyên liệu sử dụng, thân hương nhẵn, khô, độ dính kết cao.
Cách làm đơn giản là vậy nhưng để nén hương thắp lên, có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất kỹ. Đầu tiên là chân hương. Đó phải được làm bằng loại tre, nứa ngâm được trẻ nhỏ, đều tăm tắp, có vậy mới dễ cháy. Tiếp đến là bột hương được nghiền từ cây hương bài. Hầu hết các hộ sản xuất hương ở Kiền Bái đều phải đến tận các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… thu mua rồi đem về phơi khô, nghiền nhỏ. Ngoài ra, mỗi que hương thường có thêm thành phần nhất định từ nhiều loại dược liệu khác nhau như đại hoàng, mộc hương,cam thảo, đinh hương… Tất cả tán thành bột mịn, pha trộn với nhau theo tỉ lệ nhất định.
Có thể nói, hương được tiêu thụ quanh năm, vả lại thị trường tiêu thụ rộng lớn. Do vậy, mấy năm nay nhiều hộ ở Kiền Bái có thu nhập khá, thậm trí không ít gia đình trong làng giàu lên từ làm hương. Thế nên, chuyện xây nhà cao tầng, mu axe ô tô từ làm hương của nhiều gia đình ở Kiền Bái không còn là chuyện hiếm. Gần đây, một số hộ sản xuất hương trong làng đã mạnh dạn đầu tư đến khâu đóng gói, in nhãn mác để tạo thương hiệu. Anh Bùi Hoàng Thăng, chủ cơ sở hương thơm Hồng Ngọc ở thôn 6 vui mừng cho biết: Mỗi vụ, gia đình anh làm khoảng 4 tấn hương, tạo công ăn việc làm cho hơn 15 lao động theo thời vụ thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Hàng làm ra được cơ sở của anh xuất đi Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế, vào TP. Hồ Chí Minh, thậm chí ra cả nước ngoài.
  
Theo langnghe.org.vn

Làng nghề cá Lập Lễ

Nằm bên cửa Nam Triệu, cách vịnh Bắc bộ vài chục hải lý, xã Lập Lễ lấy nghề khai thác thuỷ, hải sản là nghề truyền thống của mình. Hiện, 85% số hộ ở đây có lao động làm nghề biển.
Toàn xã có một đội tàu hùng hậu trên 600 chiếc đánh bắt xa bờ. Song, ít ai biết chuyện vươn khơi của Lập Lễ đã trải qua biết bao chìm nổi. Và điều quan trọng nhất, người Lập Lễ luôn biết vượt lên mọi thử thách để làm giàu...
Làng nghề cá Lập Lễ
Ngư dân chuẩn bị ra khơi
Nổi chìm nghề cá
Chúng tôi đến Tập đoàn đánh cá Nam Triệu (xã Lập Lễ, Thủy Nguyên) sau những ngày tết giá lạnh. Bến cảng Mắt Rồng chật cứng tàu thuyền. Tập đoàn trưởng Vũ Văn Cự dẫn chúng tôi đến gia đình bác Tô Văn Ngọc nằm sát bến cảng và giới thiệu: "Chuyện vươn khơi làm giàu cứ hỏi bố con bác Ngọc là hiểu tất cả...".
Trò chuyện với chúng tôi bác Ngọc nói: "Nghề cá ở Lập Lễ cũng nhiều phen chìm - nổi lắm. Có điều Đảng uỷ, chính quyền địa phương thời nào cũng xác định cho dân muốn làm giàu phải bám lấy biển. Nên vậy, nghề cá cũng nhiều rủi ro, nhưng mấy ai từ bỏ đâu. Năm nay cả Tập đoàn tận thu hơn 13 ngàn tấn cá, tôm các loại (cao nhất từ trước đến nay). Nói gì thì nói, mấy năm nay Nam Triệu được mùa cá. Tôi không còn đủ sức đi biển nữa nên phải nhường lại cho con trai từ vài năm nay. Gia đình có hai chiếc tàu vươn khơi, hàng năm cũng có của ăn của để. Ngôi nhà khang trang thế này của gia đình tôi là do nghề cá đấy...".
Tập đoàn trưởng Cự nói xen vào: "Những gia đình say với nghề vươn khơi đều khá cả. 5 năm gần đây nhờ có cơ chế đổi mới, được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn để trang bị phương tiện đánh bắt, tổng sản lượng khai thác tăng nhanh. Nếu chỉ tính từ năm 1999, Tập đoàn chỉ đóng mới 120 phương tiện, sản lượng khai thác năm ấy 3.200 tấn tôm, cá thì đến năm 2003 tập đoàn đã có gần 600 phương tiện tàu cá, sản lượng khai thác tăng lên 8.000 tấn.
Cũng nhờ sự tăng trưởng nhanh như vậy, bình quân mỗi phương tiện trừ các khoản chi phí còn đạt 40 - 60 triệu đồng/ tháng. Cả năm cùng với nguồn thu khác (chủ yếu vẫn là nghề cá) tính theo đầu người của xã đạt 7 triệu đồng/ người/ năm. Chả thế mà đến đầu năm 2004, cả Lập Lễ có hơn 800 điện thoại gia đình, gần 200 ngôi nhà cao tầng, ít gia đình không có xe máy, ti vi... Tập đoàn Nam Triệu hiện đang là tập đoàn đánh bắt lớn nhất của thành phố Hải Phòng...".
Với nụ cười mãn nguyện Tập đoàn trưởng Vũ Văn Cự chốt lại: Lập Lễ tự hào lắm với nghề truyền thống. Dân giàu thì nước mạnh. Hiện nhà nước đang duyệt dự án đầu tư bến cảng cá cho Nam Triệu có đến cả trăm tỷ đồng. Tương lai tập đoàn không dừng lại như thế này, Hiệp định hoạt động vùng biển đang mở ra con đường "thảm đỏ" cho Nam Triệu....
Chúng tôi góp vui, Lập Lễ giàu là phải. Nhưng trước đây nghe nói Lập Lễ cũng lao đao lắm. Lúc này thì bác Ngọc bồi hồi nhớ lại: Nổi - chìm, chìm - nổi vốn là cái nghiệt ngã của nghề đánh bắt ngoài khơi. Nó giống như thời tiết, lúc thuận lợi thì bội thu, khi sóng gió thì kém lắm. Được cái cơ chế bây giờ khác, phương tiện đánh bắt hoàn thiện hơn, làm ăn chắc ăn hơn.
Trước năm 1983, cả Lập Lễ mới có vài chục con thuyền gỗ đánh bắt ven bờ theo truyền thống. Nhiều nhà phương tiện chỉ có chiếc thuyền mủng, vài ba vàng lưới men theo cửa sông Bạch Đằng đánh bắt tôm, cá nhỏ. Nhưng chài lưới có được như bây giờ đâu, nên chủ yếu cầu may vào thời tiết. Năm 1994, là năm bắt đầu đầu tư lớn xã đứng ra làm chỗ dựa, dân mạnh dạn vay Ngân hàng trang bị phương tiện. Những năm ấy cả xã vốn đầu tư cho nghề cá có khoảng 20 tỷ đồng. Chủ yếu cũng chỉ sắm lưới rê tôm và lưới đánh bắt cá nhám sủ. Phương tiện dày đặc, nhưng cũng không vươn xa được, thu nhập từ nghề cá không đủ vốn tái sản xuất. Nhiều gia đình vay ngân hàng không biết nhìn vào đâu để trả nợ.
Sức ép tứ bề, năm 1996 hầu như không thu được vốn vay của ngư dân Lập Lễ, ngân hàng buộc phải đóng cửa đối với xã. Nghề ngư chìm nghỉm, nợ nần chồng chất. Đến bây giờ khi nhớ lại vẫn còn rùng mình. Nhiều đời gắn bó với biển, lúc ấy không ít gia đình rơi vào cảnh cạn kiệt vì đầu tư cho nghề mà không mang lại hiệu quả. Ví như gia đình ông Nguyễn Đức Lời, nghề đánh bắt cá nhám sủ được xếp vào bậc cao thủ, thế mà chỉ vì đầu tư phương tiện không đủ mạnh, làm ăn thua lỗ từng ngày. Chẳng riêng gia đình nào, mà ở Lập Lễ từng chìm trong nỗi buồn nghề cá truyền thống. Chính vào thời khắc tưởng như tan rã tất cả ấy, Lập Lễ đã táo bạo xoay chuyển tình thế.
“Hết mưa trời lại nắng”
Tập đoàn trưởng Vũ Văn Cự nói với chúng tôi: Năm 1997, nếu như đảng uỷ, chính quyền chưa biết lo cho dân, không tôn vinh nghề truyền thống của địa phương mình chắc rồi Lập Lễ không biết sẽ như thế nào. Có nghị quyết, lãnh đạo cử từng người cắp cặp đến từng phòng ban của huyện xin giúp đỡ. Lần nữa, ngân hàng tin ở quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền cho Lập Lễ vay lại vốn tập trung đóng mới và cải hoán, nâng cấp phương tiện đánh bắt cá xa bờ.
Ngoài phương tiện đã có, trang bị lại 120 phương tiện khác, khuyến khích thêm các hộ phát triển cho đội tàu. Quả thật, khai thác xa bờ năm ấy sản lượng tăng vọt gần 3.000 tấn, tận thu gần 25 tỷ đồng. Đó cũng chính là bước khởi nguồn vực dậy nghề cá của xã. Năm tiếp sau đó, Lập Lễ làm bước đột phá thành lập thêm tập đoàn đánh bắt cá, đầu tư đóng mới 80 phương tiện. Đội tàu đánh bắt cá xa bờ đã khởi sắc. Gần 4.000 tấn sản lượng được khai thác với tổng thu lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Hai năm sau, thêm nhiều đội tàu vươn khơi ra đời và đến năm 2003 toàn xã đã phát triển gán 600 tàu, thuyền khai thác và dịch vụ gom hải sản, phần lớn tàu có công suất từ 90-250 CV. Tổng sản lượng khai thác đã đạt tới mức chưa từng có (hơn 8.000 tấn, giá trị sản lượng hơn 100 tỷ đồng/ năm, bình quân thu nhập đạt 60-80 triệu đồng/ tháng/ tàu). Chỉ ngần ấy năm, Lập Lễ cơ bản hoàn trả vốn cho ngân hàng và làm giàu bằng chính nghề đánh bắt xa bờ.
Được biết, vào thời điểm này xã Lập Lễ có 8 thôn, thôn nào cũng thành lập đội tàu. Thôn Lạch Sẽ, Bảo Kiếm, mỗi thôn có từ 100-120 phương tiện ra khơi quanh năm, mùa nào đánh bắt thứ ấy. Gia đình nào có tàu, kinh tế đều khá giả cả. Anh Tô Văn Tuấn (con trai bác Tô Văn Ngọc) khẳng định: Ngày trước xã không mạnh dạn đầu tư chắc nghề cá đã bị chìm rồi. Gia đình tôi đây ngoài con tàu 180 CV còn phải đầu tư một phương tiện nữa để đánh bắt và thu gom. Vốn liếng cho phương tiện đến tiền tỷ chứ không phải chơi, nhưng sinh lời nhanh nên cũng yên tâm. Nhiều gia đình ở đây bây giờ đều thế cả.
Lập Lễ hôm nay khác hẳn xưa. Người dân trong vùng "ghen tỵ" với Lập Lễ và bóng gió rằng "giàu lên vì có kiều" (ám chỉ có nhiều người ở nước ngoài), nhưng không phải thế, Lập Lễ đi lên từ chính nghề truyền thống, từ chính bản lĩnh của mình trước thử thách. Đời sống kinh tế phát triển, an ninh trật tự cũng nhờ đó mà đứng vững. Chúng tôi hiểu câu nói của Bí thư Đảng uỷ xã Đinh Tiến Lực: "Phải biết đi lên bằng chính đôi chân của mình. Nghề đánh bắt xa bờ vực dậy xã Lập Lễ này chứ không phải ngoại lực nào hết. Lập Lễ sẽ còn vươn xa...".
 Theo langnghe.org.vn

Làng nghề Mỹ Đồng

Với nghề thủ công nghiệp truyền thống, làng nghề Mỹ Đồng đang là điểm sáng của huyện Thủy Nguyên đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn Thủy Nguyên. Nhưng, làng nghề này đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường do thiếu mặt bằng sản xuất.
Thiếu mặt bằng sản xuất và nguy cơ ô nhiễm môi trường
Đến xã Mỹ Đồng, ai cũng cảm nhận nơi đây không còn là làng nghề mà là “phố nghề”, bởi hệ thống hạ tầng giao thông khang trang rộng rãi, có vỉa hè, điện chiếu sáng, hàng trăm doanh nghiệp có trụ sở lớn ở mặt đường, các công xưởng quy mô lớn, nhịp điệu sản xuất khẩn trương, phương tiện ô-tô ra vào tấp nập
Làng nghề Mỹ Đồng.
Làng nghề Mỹ Đồng cần mặt bằng để mở rộng sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng Nguyễn Đăng Tâm chỉ trên bản đồ xã giới thiệu: Cụm công nghiệp Mỹ Đồng hình thành từ năm 2002 và đưa vào khai thác năm 2004. Trên mặt bằng 5,4ha mới thu hút 22 cơ sở công nghiệp vào sản xuất. Với diện tích này chỉ giải quyết chưa được 10% số doanh nghiệp của địa phương, bởi theo quy hoạch 2,7 ha trong cụm công nghiệp dành cho sản xuất, phần còn lại để xây dựng hạ tầng giao thông, đất lưu không trồng cây xanh. Trong khi các công ty ở xã có nhu cầu muốn ra cụm công nghiệp là rất lớn. Hiện xã có 200 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, trong đó có 80 doanh nghiệp, gồm 29 công ty TNHH, 2 xí nghiệp tư nhân, 33 công ty cổ phần, 16 doanh nghiệp tư nhân… Vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất trong xã vẫn phải sản xuất, giao dịch thương mại trong khu dân cư. Hằng ngày, từ giám đốc đến người lao động và nhân dân trong xã sống chung với khí độc hại, bụi công nghiệp từ các lò đúc, tiếng ồn xả thải ra, nguy cơ phơi nhiễm các bệnh hô hấp, thần kinh là rất cao. Giải quyết bài toán này, không còn cách nào khác là phải mở rộng mặt bằng sản xuất và xây dựng cụm công nghiệp mới đủ rộng đáp ứng việc đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Hướng mở trong tương lai
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đồng Nguyễn Văn Huy cho biết: Việc đưa các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp mang lại hiệu quả rõ rệt về nhiều mặt. Thứ nhất, các cơ sở có điều kiện đầu tư công nghệ sản xuất trên quy mô lớn, tạo năng suất hiệu quả cao. Thứ hai, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho địa phương, hiệu năng sử dụng điện cao do ít hao tổn, không gây ách tắc giao thông trên đường 352 qua trung tâm xã. Doanh nghiệp cơ khí đúc gang Thành Phương thuê 5000 m2 trong cụm công nghiệp có điều kiện đầu tư lò nấu gang bằng điện, thay cho nấu gang bằng than, sử dụng thiết bị nâng hạ hiện đại, sản xuất ba ca liên tục, tận dụng điện thấp điểm khá hiệu quả. Đây chỉ là một trong số doanh nghiệp làm ăn tốt khi được vào cụm công nghiệp Mỹ Đồng.
Từ thực tế trên, xã Mỹ Đồng kiến nghị huyện Thủy Nguyên và thành phố cho phép mở rộng thêm 19 ha đất liền kề cụm công nghiệp Mỹ Đồng để giải quyết nhu cầu của các doanh nghiệp trong xã, đồng thời xin cấp 25-30 ha diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả nằm cạnh tuyến đường trục lớn đã quy hoạch để xây dựng cụm công nghiệp mới. Đây sẽ là lối thoát cho “phố nghề” Mỹ Đồng trong tương lai, cơ bản giải quyết việc đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, hạn chế ô nhiễm môi trường khí thải, bụi công nghiệp và tiếng ồn cho người dân địa phương. Cái lợi đã thấy rõ khi hình thành cụm công nghiệp mới với quy mô lớn là tận dụng giá điện giờ thấp điểm, giảm tổn hao điện năng khi tách điện sản xuất ra khỏi điện sinh hoạt. Do nằm gần đường trục huyện nên giải quyết cho xe trọng tải lớn ra vào cụm công nghiệp thuận lợi, không đi qua khu dân cư, hạn chế hỏng đường và mất an toàn giao thông.
Hướng tới mục tiêu phát triển ổn định kinh tế- xã hội, người dân Mỹ Đồng nói chung và các doanh nghiệp của xã nói riêng mong có sự ủng hộ của các cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên và thành phố.
Theo langnghe.org.vn