Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng

Ngày 7-4, xã Mỹ Thạnh được công nhận làng nghề truyền thống “Bánh tráng Mỹ Lồng”.
Nằm cách thị xã Bến Tre 7km về hướng Đông là làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Nhiều người dân cư ngụ lâu năm ở địa phương bảo rằng làng nghề này đã tồn tại cách nay trên dưới 100 năm. Nhiều thế hệ người Mỹ Lồng suốt một đời tận tụy tráng từng chiếc bánh tráng và truyền "bí quyết" lại cho con cháu để giữ lấy cái nghề của cha ông. Ở làng Mỹ Lồng ngày nay có nhiều gia đình có đến 2-3 thế hệ sống bằng nghề này.
Không phải đợi đến ngày Tết làng Mỹ Lồng mới rộn rã tiếng cối xay gạo, mà từ lâu âm thanh ấy đã là nhịp thở thường nhật của người dân nơi đây. Hương vị thơm, béo của bánh tráng dừa, vị mằn mặn, cay cay của bánh tráng thập cẩm luôn song hành với nỗi cơ cực của những người chịu khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng bằng nghề truyền thống của ông bà.
Chị Châu Thị Bê ở ấp Nghĩa Huấn đã từng “ba chìm bảy nổi” với nghề nấu rượu, bán bánh tiêu, do buôn bán thất thường nên vốn liếng không còn. Thấy anh chị em mình theo nghề bánh tráng truyền thống có cuộc sống khá dần lên nên chị quyết định theo. Mới đó mà đã 10 năm trong nghề. Giờ đây, chị Bê đã có thể cười thoả mãn, vì sau bao năm theo nghề, cuộc sống gia đình chị đã dễ chịu hơn trước nhiều.
Những năm qua, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Giồng Trôm nói chung và xã Mỹ Thạnh nói riêng. Gần đây, khi nghề sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ vốn thì số hộ tham gia sản xuất ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, toàn xã có 157 hộ sản xuất bánh tráng, tập trung nhiều nhất ở ấp Nghĩa Huấn với hơn 100 hộ. Từ nguồn lực này, mỗi năm làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng cung cấp cho thị trường khoảng 85.000 thiên bánh(*), đạt doanh thu trên 10 tỉ đồng.
Thời gian gần đây, sản phẩm bánh tráng Mỹ Lồng đã được các hộ sản xuất chú trọng hơn về chất lượng, và mẫu mã bao bì sản phẩm cũng được thiết kế bắt mắt hơn. Đã xuất hiện nhiều nhãn hiệu gây được ấn tượng tốt như Danh Dự, Ngọc Anh, Phương Uyên, Yến Thanh. Chị Nguyễn Thị Kim Hằng, chủ hộ sản xuất bánh tráng ở ấp Nghĩa Huấn cho biết: “Tuy cách tráng bánh được cha mẹ truyền lại, nhưng nếu không tự mày mò, học hỏi thêm kinh nghiệm thì không thể nâng cao chất lượng bánh. Nếu vậy, chúng ta không thể cạnh tranh với những làng bánh khác. Mẫu mã, bao bì cũng rất quan trọng. Để phân biệt với các lò bánh khác, các chủ lò cần đặt cho mình cái tên riêng kèm theo thương hiệu Bánh tráng Mỹ Lồng.”
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết: “Hiện nay, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng cung cấp bánh cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc bày bán tại các quầy, sạp ở chợ và dọc 2 bên đường trung tâm xã Mỹ Thạnh, bánh tráng Mỹ Lồng còn được trưng bày tại các hội chợ triển lãm mặt hàng truyền thống và các siêu thị ở TP HCM. Mức tiêu thụ bánh cao nhất là vào những ngày cận Tết, từ khoảng tháng 10 đến 12 âm lịch. Ông Trần Văn Xem, trưởng ấp Nghĩa Huấn kể: “Vào dịp này, trung bình mỗi nhà làm ra khoảng 20.000 bánh. Cả làng Mỹ Lồng đều thức trắng!”
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng phát triển còn tác động tích cực đến kinh tế nông nghiệp địa phương. Mỗi năm, làng nghề tiêu thụ khoảng 1,2 triệu trái dừa, 30 tấn đường, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 500 lao động, góp phần cùng địa phương xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng là 7 triệu đồng/năm. Đây là tín hiệu vui cho một làng nghề vốn còn lắm khó khăn như làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng.
Để làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng tiếp tục phát triển, giữ vững thương hiệu trên thị trường, ông Võ Văn Hai, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho rằng, cần có nguồn nguyên liệu tại chỗ để cung ứng đầy đủ, kịp thời cho làng nghề. Mặt khác, việc nâng cao chất lượng bánh phải đi đôi với vệ sinh an toàn thực phẩm, và bảo đảm vệ sinh môi trường. Việc quảng bá thương hiệu phải được đẩy mạnh hơn nữa thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, internet, hệ thống siêu thị và các hội chợ triển lãm mặt hàng truyền thống, các khu du lịch, đồng thời khai thác tốt phòng trưng bày sản phẩm tại địa phương. Ngoài ra, các hộ sản xuất cũng cần có sự thống nhất về giá cả và từng bước cơ giới hóa, công nghệ hoá qui trình sản xuất.
Theo  langnghe.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét