Bình Dương là một tỉnh nằm ở phía Tây của Miền nam Việt Nam, có thị xã Thủ Dầu Một nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 30km. Bình Dương nằm trên vùng cao nguyên giữa sông Sài Gòn và sông Đồng Nai với diện tích là 2.716km2 và dân số khoảng 743.000 người.
Một trong những đặc trưng văn hoá nổi bật của Bình Dương là hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống như gốm, sơn mài, chạm khắc, đúc đồng...trải dài trên toàn tỉnh. Trong số các nghề truyền thống này, sản xuất gốm thật sự là niềm tự hào của người Bình Dương. Cho đến bây giờ các thế hệ người Bình Dương, với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo đã tạo ra vô số các sản phẩm gốm sứ các loại, hình thành nên thương hiệu trên thị trường thế giới.
Theo các nhà sử học, sản xuất gốm đã xuất hiện ở Bình Dương từ thế kỷ 18 do có nguồn cao lanh chất lượng cao dễ khai thác và nguồn nhiên liệu củi đốt dồi dào. Thực tế là những người thợ gốm của Trung Quốc đã đến Bình Dương trên thương thuyền, với kinh nghiệm của mình, họ đã nhận ra nguồn tiềm năng dồi dào cho việc phát triển làng nghề gốm Bình Dương. Họ đã ở lại đây và làng nghề gốm Bình Dương được hình thành phát triển cho đến ngày nay.
Các mặt hàng gốm ở Bình Dương từ trước đây đã rất đa dạng về mẫu mã thiết kế. Bên cạnh gốm hoa lam có một loại gốm nổi tiếng khác được nhắc tới với tên gọi là “Bát con gà Lái thiêu”. Loại sản phẩm này phần lớn là đồ gia dụng: bát, đĩa, ấm, chén, liễn ... và được trang trí hoa văn trên men theo lối công bút và phóng bút ba màu: đỏ tía-lá cây-đen hoặc đỏ-đen-lam. Hoa văn chính là con gà trống, cây chuối, cụm hoa cúc. Ngoài ra còn có các loại hoa văn khác như hoa điểu, phong cảnh.... Gốm Bình Dương chủ yếu ở dạng sành xốp nên men trắng vẫn ở dạng trắng ngà , các loại hoa văn trang trí ngày càng đa dạng đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Các sản phẩm gốm Bình Dương được nung trong hệ thống lò bầu và lò ống. Trải qua quá trình phát triển, hệ thống sản phẩm, lò nung và quy trình sản xuất ngày càng được hoàn thiện. Những người thợ gốm Bình Dương đã từng bước đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm.
Ngày nay trên địa bàn Bình Dương đã có 125 cơ sở sản xuất với trên 500 lò gốm hoạt động tập trung chủ yếu tại huyện Thuận An, Thị xã Thủ Dầu 1 và huyện Tân Uyên, sản xuất hàng triệu sản phẩm mỗi năm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong nước và chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Một số nhà xuất khẩu lớn đã gây được tiếng vang trên thị trường quốc tế như công ty Nam Việt ở Tân Uyên với các loại lò nung hiện đại, có diện tích nhà xưởng trên diện tích 27 ha, hàng năm xuất khẩu hàng nghìn container hàng sang thị trường Châu Âu và Nam Mỹ; công ty Minh Long 1 với hệ thống lò tuy nen và dây chuyền sản xuất hiện đại từ khâu phối trộn nguyên liệu, đến khâu thiết kế, tạo mẫu, sấy khô và phủ men... Ngoài ra cũng còn phải kể thêm rất nhiều công ty khác như Thành Lễ, Minh Tâm, Hiệp Kỳ, Cường Phát... cùng các tổ hợp sản xuất đã góp phần giới thiệu sản phẩm Gốm Bình Dương đến khắp mọi châu lục trên thế giới, đem lại nguồn kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên tới 60 triệu USD.
Theo langnghe.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét