Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Làng nghề cá Lập Lễ

Nằm bên cửa Nam Triệu, cách vịnh Bắc bộ vài chục hải lý, xã Lập Lễ lấy nghề khai thác thuỷ, hải sản là nghề truyền thống của mình. Hiện, 85% số hộ ở đây có lao động làm nghề biển.
Toàn xã có một đội tàu hùng hậu trên 600 chiếc đánh bắt xa bờ. Song, ít ai biết chuyện vươn khơi của Lập Lễ đã trải qua biết bao chìm nổi. Và điều quan trọng nhất, người Lập Lễ luôn biết vượt lên mọi thử thách để làm giàu...
Làng nghề cá Lập Lễ
Ngư dân chuẩn bị ra khơi
Nổi chìm nghề cá
Chúng tôi đến Tập đoàn đánh cá Nam Triệu (xã Lập Lễ, Thủy Nguyên) sau những ngày tết giá lạnh. Bến cảng Mắt Rồng chật cứng tàu thuyền. Tập đoàn trưởng Vũ Văn Cự dẫn chúng tôi đến gia đình bác Tô Văn Ngọc nằm sát bến cảng và giới thiệu: "Chuyện vươn khơi làm giàu cứ hỏi bố con bác Ngọc là hiểu tất cả...".
Trò chuyện với chúng tôi bác Ngọc nói: "Nghề cá ở Lập Lễ cũng nhiều phen chìm - nổi lắm. Có điều Đảng uỷ, chính quyền địa phương thời nào cũng xác định cho dân muốn làm giàu phải bám lấy biển. Nên vậy, nghề cá cũng nhiều rủi ro, nhưng mấy ai từ bỏ đâu. Năm nay cả Tập đoàn tận thu hơn 13 ngàn tấn cá, tôm các loại (cao nhất từ trước đến nay). Nói gì thì nói, mấy năm nay Nam Triệu được mùa cá. Tôi không còn đủ sức đi biển nữa nên phải nhường lại cho con trai từ vài năm nay. Gia đình có hai chiếc tàu vươn khơi, hàng năm cũng có của ăn của để. Ngôi nhà khang trang thế này của gia đình tôi là do nghề cá đấy...".
Tập đoàn trưởng Cự nói xen vào: "Những gia đình say với nghề vươn khơi đều khá cả. 5 năm gần đây nhờ có cơ chế đổi mới, được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn để trang bị phương tiện đánh bắt, tổng sản lượng khai thác tăng nhanh. Nếu chỉ tính từ năm 1999, Tập đoàn chỉ đóng mới 120 phương tiện, sản lượng khai thác năm ấy 3.200 tấn tôm, cá thì đến năm 2003 tập đoàn đã có gần 600 phương tiện tàu cá, sản lượng khai thác tăng lên 8.000 tấn.
Cũng nhờ sự tăng trưởng nhanh như vậy, bình quân mỗi phương tiện trừ các khoản chi phí còn đạt 40 - 60 triệu đồng/ tháng. Cả năm cùng với nguồn thu khác (chủ yếu vẫn là nghề cá) tính theo đầu người của xã đạt 7 triệu đồng/ người/ năm. Chả thế mà đến đầu năm 2004, cả Lập Lễ có hơn 800 điện thoại gia đình, gần 200 ngôi nhà cao tầng, ít gia đình không có xe máy, ti vi... Tập đoàn Nam Triệu hiện đang là tập đoàn đánh bắt lớn nhất của thành phố Hải Phòng...".
Với nụ cười mãn nguyện Tập đoàn trưởng Vũ Văn Cự chốt lại: Lập Lễ tự hào lắm với nghề truyền thống. Dân giàu thì nước mạnh. Hiện nhà nước đang duyệt dự án đầu tư bến cảng cá cho Nam Triệu có đến cả trăm tỷ đồng. Tương lai tập đoàn không dừng lại như thế này, Hiệp định hoạt động vùng biển đang mở ra con đường "thảm đỏ" cho Nam Triệu....
Chúng tôi góp vui, Lập Lễ giàu là phải. Nhưng trước đây nghe nói Lập Lễ cũng lao đao lắm. Lúc này thì bác Ngọc bồi hồi nhớ lại: Nổi - chìm, chìm - nổi vốn là cái nghiệt ngã của nghề đánh bắt ngoài khơi. Nó giống như thời tiết, lúc thuận lợi thì bội thu, khi sóng gió thì kém lắm. Được cái cơ chế bây giờ khác, phương tiện đánh bắt hoàn thiện hơn, làm ăn chắc ăn hơn.
Trước năm 1983, cả Lập Lễ mới có vài chục con thuyền gỗ đánh bắt ven bờ theo truyền thống. Nhiều nhà phương tiện chỉ có chiếc thuyền mủng, vài ba vàng lưới men theo cửa sông Bạch Đằng đánh bắt tôm, cá nhỏ. Nhưng chài lưới có được như bây giờ đâu, nên chủ yếu cầu may vào thời tiết. Năm 1994, là năm bắt đầu đầu tư lớn xã đứng ra làm chỗ dựa, dân mạnh dạn vay Ngân hàng trang bị phương tiện. Những năm ấy cả xã vốn đầu tư cho nghề cá có khoảng 20 tỷ đồng. Chủ yếu cũng chỉ sắm lưới rê tôm và lưới đánh bắt cá nhám sủ. Phương tiện dày đặc, nhưng cũng không vươn xa được, thu nhập từ nghề cá không đủ vốn tái sản xuất. Nhiều gia đình vay ngân hàng không biết nhìn vào đâu để trả nợ.
Sức ép tứ bề, năm 1996 hầu như không thu được vốn vay của ngư dân Lập Lễ, ngân hàng buộc phải đóng cửa đối với xã. Nghề ngư chìm nghỉm, nợ nần chồng chất. Đến bây giờ khi nhớ lại vẫn còn rùng mình. Nhiều đời gắn bó với biển, lúc ấy không ít gia đình rơi vào cảnh cạn kiệt vì đầu tư cho nghề mà không mang lại hiệu quả. Ví như gia đình ông Nguyễn Đức Lời, nghề đánh bắt cá nhám sủ được xếp vào bậc cao thủ, thế mà chỉ vì đầu tư phương tiện không đủ mạnh, làm ăn thua lỗ từng ngày. Chẳng riêng gia đình nào, mà ở Lập Lễ từng chìm trong nỗi buồn nghề cá truyền thống. Chính vào thời khắc tưởng như tan rã tất cả ấy, Lập Lễ đã táo bạo xoay chuyển tình thế.
“Hết mưa trời lại nắng”
Tập đoàn trưởng Vũ Văn Cự nói với chúng tôi: Năm 1997, nếu như đảng uỷ, chính quyền chưa biết lo cho dân, không tôn vinh nghề truyền thống của địa phương mình chắc rồi Lập Lễ không biết sẽ như thế nào. Có nghị quyết, lãnh đạo cử từng người cắp cặp đến từng phòng ban của huyện xin giúp đỡ. Lần nữa, ngân hàng tin ở quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền cho Lập Lễ vay lại vốn tập trung đóng mới và cải hoán, nâng cấp phương tiện đánh bắt cá xa bờ.
Ngoài phương tiện đã có, trang bị lại 120 phương tiện khác, khuyến khích thêm các hộ phát triển cho đội tàu. Quả thật, khai thác xa bờ năm ấy sản lượng tăng vọt gần 3.000 tấn, tận thu gần 25 tỷ đồng. Đó cũng chính là bước khởi nguồn vực dậy nghề cá của xã. Năm tiếp sau đó, Lập Lễ làm bước đột phá thành lập thêm tập đoàn đánh bắt cá, đầu tư đóng mới 80 phương tiện. Đội tàu đánh bắt cá xa bờ đã khởi sắc. Gần 4.000 tấn sản lượng được khai thác với tổng thu lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Hai năm sau, thêm nhiều đội tàu vươn khơi ra đời và đến năm 2003 toàn xã đã phát triển gán 600 tàu, thuyền khai thác và dịch vụ gom hải sản, phần lớn tàu có công suất từ 90-250 CV. Tổng sản lượng khai thác đã đạt tới mức chưa từng có (hơn 8.000 tấn, giá trị sản lượng hơn 100 tỷ đồng/ năm, bình quân thu nhập đạt 60-80 triệu đồng/ tháng/ tàu). Chỉ ngần ấy năm, Lập Lễ cơ bản hoàn trả vốn cho ngân hàng và làm giàu bằng chính nghề đánh bắt xa bờ.
Được biết, vào thời điểm này xã Lập Lễ có 8 thôn, thôn nào cũng thành lập đội tàu. Thôn Lạch Sẽ, Bảo Kiếm, mỗi thôn có từ 100-120 phương tiện ra khơi quanh năm, mùa nào đánh bắt thứ ấy. Gia đình nào có tàu, kinh tế đều khá giả cả. Anh Tô Văn Tuấn (con trai bác Tô Văn Ngọc) khẳng định: Ngày trước xã không mạnh dạn đầu tư chắc nghề cá đã bị chìm rồi. Gia đình tôi đây ngoài con tàu 180 CV còn phải đầu tư một phương tiện nữa để đánh bắt và thu gom. Vốn liếng cho phương tiện đến tiền tỷ chứ không phải chơi, nhưng sinh lời nhanh nên cũng yên tâm. Nhiều gia đình ở đây bây giờ đều thế cả.
Lập Lễ hôm nay khác hẳn xưa. Người dân trong vùng "ghen tỵ" với Lập Lễ và bóng gió rằng "giàu lên vì có kiều" (ám chỉ có nhiều người ở nước ngoài), nhưng không phải thế, Lập Lễ đi lên từ chính nghề truyền thống, từ chính bản lĩnh của mình trước thử thách. Đời sống kinh tế phát triển, an ninh trật tự cũng nhờ đó mà đứng vững. Chúng tôi hiểu câu nói của Bí thư Đảng uỷ xã Đinh Tiến Lực: "Phải biết đi lên bằng chính đôi chân của mình. Nghề đánh bắt xa bờ vực dậy xã Lập Lễ này chứ không phải ngoại lực nào hết. Lập Lễ sẽ còn vươn xa...".
 Theo langnghe.org.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét