Qua nhiều năm thăng trầm, hôm nay làng kềm Mỹ Thạnh đã được khẳng định. Từ một vài cơ sở, nay đã tăng lên trên 70 cơ sở, thu hút hàng trăm lao động, góp phần khá lớn ổn định và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Làng kềm được công nhận làng nghề là điều kiện để người dân Mỹ Thạnh chăm chút thêm cho sản phẩm của mình ngày một khéo hơn, đẹp hơn và vươn xa hơn.
Từ thị xã Bến Tre xuôi theo tỉnh lộ 885, qua khỏi cầu kênh Chẹt Sậy là gặp ngay làng kềm thuộc xã Mỹ Thạnh, nằm cách thị trấn Giồng Trôm khoảng 11km. Làng nghề kềm Mỹ Thạnh tập trung chủ yếu ở ấp Chợ, xã Mỹ Thạnh. Theo thống kê, toàn xã có số người trong độ tuổi lao động là 5.425, chiếm khoảng 59,51% tổng số dân cư. Trong đó, lao động nông nghiệp chiếm 42,76%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 18%. Làng nghề có 76 hộ với 491 người, chiếm 19,63% dân số. Thu nhập bình quân đầu người đạt 8,5 triệu đồng/năm. Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường trên 9 triệu sản phẩm. Chất lượng luôn được nâng lên, mẫu mã không ngừng cải tiến. Nếu năm 2003 chỉ có 52 hộ, sản xuất 6,258 triệu sản phẩm thì nay đã có trên 76 hộ tham gia sản xuất với 9,153 triệu sản phẩm, doanh thu trên 17 tỷ đồng.
Ngoài làng nghề kềm, Mỹ Thạnh còn nổi tiếng với làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng cũng đã đạt chuẩn, góp phần giải quyết trên 500 lao động trong nông thôn.
Theo ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Giám đốc sở Công thương, việc công nhận đạt chuẩn làng nghề là một sự ghi nhận kết quả phát triển của làng nghề Mỹ Thạnh trong hơn 50 năm qua. Đây là cơ sở để xem xét hỗ trợ thực hiện chính sách theo quy định của Nhà nước nhưng cũng mới chỉ là bước đầu. Điều quan trọng là sự phát triển trong tương lai. Làng nghề Mỹ Thạnh hiện còn nhiều mặt hạn chế các hộ sản xuất còn riêng lẻ, chưa có doanh nghiệp nào đầu tư lớn, đủ sức hỗ trợ các hộ phát triển mạnh hơn. Phần lớn các hộ chỉ làm gia công, chưa có thương hiệu riêng nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sắp tới, các hộ trong làng nghề cần quan tâm hơn về kế hoạch, phương án đầu tư, chú ý chất lượng, nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, thị trường tiêu thụ; đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị, hợp tác để đưa làng nghề phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh nỗ lực đó, làng nghề cũng cần được quan tâm, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư vốn để thay đổi trang thiết bị, đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo langnghe.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét