Nhắc tới Mão Điền (Thuận Thành) người ta thường biết với cái tên đất học, làng cá con, làng kẹo kéo… và ai cũng biết nơi đây còn gắn với 1 món ăn ngon có tiếng đó là bánh cuốn
Trước đây khi những người đàn ông ở Mão Điền đi bán cá, những người phụ nữ ở nhà làm bánh cuốn nuôi con ăn học. Bánh cuốn ngày đó được làm bằng phương pháp thủ công phải qua nhiều công đoạn hơn các loại bánh khác. Đầu tiên phải xây lò, đóng than, đan giàng, đóng khuôn và đặt nồi. Bánh cuốn thơm và ngon hơn bởi hành vì vậy khâu chuẩn bị hành đòi hỏi rất công phu. Hành phải là những củ nhỏ, bóc hết vỏ khô, rửa sạch rồi thái mỏng đem phi thơm. Phi hành xong giã nhỏ khi nào bánh chín để nguội mới bôi lên. Khi đã có đủ những thứ đó người phụ nữ phải chọn, ngâm gạo, sát bột (sát bột bằng cối), lọc bột cho hết chất chua rồi mới quạt lò, tráng bánh. Để tráng được một thúng bánh từ 35-40kg người tráng phải ngồi bên lò suốt 5-6 giờ, mọi công đoạn đều đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo, kiên trì và nhanh nhẹn. Từ 2-3 giờ sáng những người phụ nữ đã phải gánh bánh đi bán khắp các làng các chợ để kịp cho khách ăn sáng. Công việc hết sức vất vả thế nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, chủ yếu người dân lấy chất thừa như bột, cám để chăn nuôi lợn tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Những năm gần đây nhân dân địa phương đã đầu tư công nghệ sản xuất bánh theo phương pháp mới. Mọi công đoạn sát bột, thái hành đều làm bằng máy. Sản xuất bánh cuốn bằng máy cho năng suất cao gấp 10-20 lần tráng bằng phương pháp thủ công, ít tốn công sức, thời gian và nguyên liệu hơn. Hiện nay, xã có 12 chiếc máy sản xuất bánh hiện đại, công suất lớn, sản xuất cho hơn 200 hộ tiêu thụ. Trong đó tập trung chủ yếu ở thôn 3 với 7 chiếc máy, sản xuất bánh cho hơn 100 hộ tiêu thụ. Một máy sản xuất trung bình 3,5 - 4tạ bánh/ngày vào mùa đông, 6-7 tạ bánh/ngày vào mùa hè. Một máy sản xuất có lợi nhuận từ 7-8 triệu đồng/tháng. Với những hộ tiêu thụ bánh, năng suất phụ thuộc vào tài kinh doanh của từng người. Hộ ít nhất bán được 50-70 kg bánh/ngày, hộ bán được nhiều nhất từ 2-3 tạ bánh/ngày, giá bánh cuốn là 10-12.000đồng/kg, trung bình thu nhập từ 2-9 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống ngày càng cao hơn của thực khách người dân làm 2 loại bánh, bánh hành và mộc nhĩ. Bánh được mang đi bán không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh. Nhiều quán ăn, nhà hàng có tiếng ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương biết tiếng đã đặt bánh cuốn Mão Điền. Nhiều người ăn bánh cuốn Mão Điền còn lầm tưởng đây là bánh cuốn Thanh Trì-loại bánh cuốn nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.
Gia đình anh Phan Duy Hiếu là một trong những gia đình sản xuất bánh nhiều và ngon của địa phương. Anh tâm sự: Bánh cuốn Mão Điền giờ ngon có tiếng lắm, chúng tôi phải thuê thêm người làm và phải làm việc liên tục từ 2 giờ chiều đến 3, 4 giờ sáng mới kịp bánh giao cho mọi người đi bán. Bánh mới luôn dẻo, dai, ngon và bảo đảm chất lượng”.
Ông Vũ Đăng Hách, Trưởng thôn 3 cho biết: Địa phương có chủ trương khuyến khích phát triển nghề làm bánh cuốn. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm địa phương thường xuyên phối hợp với các cán bộ y tế xã, huyện đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường ở các cơ sở sản xuất bánh, nếu cơ sở nào không đảm bảo theo đúng yêu cầu sẽ bị xử lý nghiêm và buộc dừng sản xuất. Những đợt kiểm tra vừa qua cho thấy không có cơ sở nào vi phạm, hệ thống xử lý nước thải đều đáp ứng yêu cầu”.
Hiện Mão Điền có nhiều hộ làm bánh mang lại thu nhập cao cho nhiều người, góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển. Nhờ phát triển các nghề phụ như sản xuất bánh cuốn đã nâng những ước mơ, hoài bão của lớp lớp những người con quê hương được bay cao, bay xa và trở thành hiện thực
Theo langnghe.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét