Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Làng nghề bánh đa thôn Đoài

Thôn Đoài (Tam Giang, Yên Phong) nằm bên cạnh dòng sông Cầu, có những bãi bồi xanh ngát ngô và dâu tằm. Người dân thôn Đoài chủ yếu sống bằng nghề nông và nghề phụ tráng bánh đa, làm mì sợi. Hình ảnh những giàn bánh phơi trắng dọc con đê làng đã trở thành quen thuộc.
Theo những người cao tuổi trong làng kể lại, nghề tráng bánh đa có từ thời kỳ chống Pháp và trở thành nghề truyền thống ở địa phương. Khi chưa có máy xay bột bằng điện, người làm bánh đa, mì sợi vô cùng vất vả, cực nhọc trăm phần. Các bà dậy từ 3 giờ sáng xay bột bằng tay, dụng cụ xay là những chiếc cối bằng đá, ai xay nhiều cũng chỉ được 15kg, để sáng ra bắt đầu tráng bánh đa, mì sợi rồi phơi cho được nắng.
Khi có điện, người thôn Đoài từng bước hiện đại hoá quy trình gia công, chế biến, máy xay bột chạy bằng mô-tơ 3 pha. Họ mua gạo ngon, về xay thành bột và bán rong chủ yếu cho các hộ bán tạp hóa trong và ngoài huyện. Lời lãi chính là nước vo gạo, bột gạo thu được trong quá trình xay bột, hoặc là để tăng gia sản xuất, hoặc là để lại cho người chăn nuôi lợn.
Trước đây, có tới 90% số hộ trong làng làm nghề tráng bánh đa, mì sợi, mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân. Cùng với quá trình công nghiệp hoá, số người làm nghề suy giảm dần. Hiện tại, thôn có 580 hộ dân với 3025 nhân khẩu thì chỉ còn lại 60 hộ theo nghề.
Từ năm 1991, những chiếc máy xay đầu tiên được người dân nơi đây mua về ứng dụng và cải tiến cho phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Nhờ đó, năng suất được nâng lên gấp 10 lần so với trước. Mỗi ngày, cả làng tráng hết gần 2 tấn gạo, cho ra lò 1,5 tấn bánh đa, mì sợi. Nghề tráng bánh đa, mì sợi cho thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày, song người dân nơi đây vẫn tự hào với sản phẩm làm ra. Bánh đa và mì sợi thôn Ðoài không pha bột sắn, chỉ làm bằng thứ gạo trắng ngon nõn nà.
Bà Nguyễn Thị Sổ, một người làm nghề (đã đến đời thứ 4) tâm sự: “Nghề này vất vả lắm, nay trong làng chỉ còn mấy chục hộ gia đình tráng bánh, một số người dân đang chuyển sang ngành nghề khác, đi làm thợ xây, người thì làm KCN... Nghề tráng bánh đã không quá tấp nập nữa”. Bà Sổ không ngần ngại "bật mí" bí quyết làm bánh đa và mì sợi của gia đình, gạo ngon vo sạch rồi cho vào ngâm 3 tiếng đồng hồ, sau đó mang xay bỏ thêm chút muối rồi cho lên tráng. Mì sợi tráng một lượt, bánh đa tráng 2 lượt sau đó rắc vừng lên trên rồi mang hong khô, có 2 người làm bánh ngồi cạnh một chiếc lò than lớn để tráng bánh. Người này mệt, người kia thay phiên. Mỗi ngày gia đình bà Sổ tráng được 60kg gạo. Giá mì sợi khô từ 7.000-8.000 đồng/kg. Giá bánh đa 5.000 đồng/chiếc.
Gia đình anh Nguyễn Sỹ Loan, một điển hình làm nghề cho biết: “Tận dụng những phụ phẩm thu từ nghề, vợ chồng tôi nuôi 30 con lợn thịt, tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Đi lên từ nghề mì sợi, anh Loan luôn biết cách tính toán để công việc của mình mang hiệu quả kinh tế cao. Đã 23 năm làm mì sợi, từ tay trắng anh xây được nhà, mua xe máy và sắm sửa tiện nghi sinh hoạt, cho các con học hành đến nơi đến chốn, đó là niềm tự hào và nguồn động viên to lớn của gia đình. Nhờ có nghề làm bánh đa, mì sợi, gia đình anh không những đã vượt qua những khó khăn mà còn từng bước làm giàu hiệu quả.
Cực nhọc là thế nhưng nhờ tần tảo và tiết kiệm, làm bánh đa, mì gạo đang là nghề giúp nhiều người dân thôn Đoài ăn nên làm ra, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Họ đã hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nhau, giúp nhau có thu nhập ổn định, có cuộc sống ngày càng được cải thiện, người dân thôn Đoài đã thay đổi cuộc sống và từng bước làm giàu nhờ hạt gạo quê hương.
Theo  langnghe.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét