Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Làng nghề mây tre đan Tiên Sa

Gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như thiếu nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào cao, đầu ra cho sản phẩm không ổn định..., song thời gian qua, làng nghề mây tre đan Tiên Sa ( xã Hồng Thái, huyện An Dương) vẫn duy trì ổn định.
Theo người dân làng nghề, có được kết quả này nhờ sự đóng góp không nhỏ của bí thư chi bộ thôn, Giám đốc xí nghiệp tập thể thương binh Hồng Thái Phạm Văn Xưởng.
Làng nghề mây tre đan Tiên Sa
Công nhân Xí nghiệp tập thể thương binh Hồng Thái chuẩn bị nguyên liệu sản xuất tại xưởng.
"Gọi là làng nghề mây tre đan, nhưng sản phẩm chính của làng nghề là sản phẩm đăng đó. Năm 2007, làng được thành phố công nhận là làng nghề. Thời kỳ thịnh vượng nhất của làng nghề vào những năm 1985 - 1994" - ông Xưởng bộc bạch. Thời gian đó, khi gần 40 tuổi, ông Xưởng bắt đầu gắn bó với nghề và đảm nhận công việc chung của làng. Năm 1977, ông xuất ngũ, sau đó xin làm việc tại Cảng Hải Phòng rồi tham gia công tác tại địa phương. Năm 1985, ông thành lập xí nghiệp tập thể thương binh Hồng Thái, giữ cương vị giám đốc xí nghiệp.Từ đó đến nay, công việc của xí nghiệp gắn liền với sự phát triển của làng nghề. Những năm gần đây, trước tác động của nền kinh tế thị trường về giá cả nguyên liệu, đầu ra sản phẩm, nhân công... làng nghề không còn sôi động như trước. Trước kia, 100% số hộ trong thôn theo nghề, nay chỉ khoảng 15%. Nhiều cơ sở sản xuất lớn trong làng nghề không trụ vững được. Trước những tác động trên, ông cùng mọi người trong xí nghiệp luôn xác định “đã là nghề truyền thống và người dân Tiên Sa từ trước đến nay vẫn sống bằng nghề làm đăng đó thì nghề này không bị mai một”. Trước khó khăn đặt ra, để giữ sản phẩm làng nghề cần phải bảo đảm chất lượng và giá cả, giảm chi phi đầu vào, bảo đảm nguồn nguyên liệu. Thay vì đặt hàng qua các trung gian, ông đặt hàng trực tiếp tới người dân ở Ba Chẽ, Tiên Yên (Quảng Ninh). Sau đó, nhờ xe vận chuyển về. Trung bình một cây tre có giá 22.000 đồng, ông chỉ mua với giá 14.000 đồng (tiền tre, công vận chuyển). Cùng với đó là tổ chức chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất. Trước đây, một người phụ trách tất cả công đoạn hoàn thành sản phẩm (từ vót nan đến đan đăng, đó), hiện mỗi người đảm nhận một khâu sản xuất. Khắc phục tình trạng thiếu lao động, các gia đình trong thôn tranh thủ lúc nông nhàn nhận gia công sản phẩm. Việc gia công mở rộng ra các cơ sở ở địa phương khác. Công hoàn thành sản phẩm rẻ hơn trước. “Thay vì mất 7 công, bây giờ chúng tôi mất 3 công để hoàn thành một sản phẩm”- ông Xưởng cho biết. Cũng để bảo đảm nguồn vốn sản xuất, xí nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh như kinh doanh vật liệu xây dựng. 6 năm gần đây, nhờ bảo đảm chất lượng sản phẩm và giá cả nên thị trường làng nghề Tiên Sa được mở rộng sang các tỉnh, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh... Thu nhập thường xuyên của hơn 80 lao động đạt trung bình 2,5 triệu đồng/tháng/ lao động trực tiếp tại xưởng, 800.000 đồng/tháng /gia đình nhận gia công. Mới đây, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, ông đầu tư xây xưởng sản xuất mới. Ông Xưởng khẳng định, làng nghề tiếp tục phát triển nếu tổ chức tốt việc tiêu thụ hàng hoá, tổ chức lực lượng phân phối hàng đến tận tay người có nhu cầu để giảm chi phí vận chuyển. Thời gian tới xưởng sẽ đầu tư mua một số thiết bị máy móc để đa dạng hóa sản phẩm từ mây tre, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Theo langnghe.org.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét