Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Làng nghề chạm gỗ Phù Khê

Vốn đã nổi tiếng trong lịch sử với những sản phẩm chạm rồng truyền thống, ngày nay làng nghề chạm gỗ Phù Khê lại nổi tiếng khắp vùng gần xa với những sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp, có giá trị kinh tế cao, không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu với số lượng không hề nhỏ.
Là một trong những vùng đất trù phú nằm ở phía Bắc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, làng nghề chạm gỗ Phù Khê từ lâu đã nổi tiếng là nơi lưu giữ nhiều tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chạm rồng. Trải qua gần 800 năm lịch sử, sản phẩm chạm rồng của Phù Khê vẫn được những người trong nghề đánh giá là mềm mại, tinh tế nhưng rất cá tính trong hình dáng đường nét.
Ngày nay, trong vòng xoáy mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và trước những nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, Phù Khê không chỉ đổi mới, phát triển những sản phẩm chạm khắc truyền thống mà còn mở rộng sang sản xuất những sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng thôn Phù Khê cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây mảng sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ của Phù Khê phát triển rất mạnh. Làng nghề hiện có 3 doanh nghiệp và 70 cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ mỹ nghệ, giá trị sản xuất của nghề chiếm tới 80% tổng giá trị sản xuất toàn thôn.
Và theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ Cở sở sản xuất Tiến Mạnh, sản phẩm của làng nghề bao gồm cả sản phẩm truyền thống (chạm rồng, tạc tượng, tạc con giống…) và sản phẩm mộc mỹ nghệ (sập, tủ, bàn ghế, hương án, bình phong…) đều mang những đặc điểm riêng chỉ có ở Phù Khê như: tinh xảo, có hồn, chính xác và thoáng… những đặc điểm này đã tạo nên giá trị kinh tế rất lớn cho sản phẩm của làng nghề. Ví như một bộ bàn ghế Khánh, không khảm có giá từ 50-500 triệu đồng tùy theo chất lượng của gỗ, hay một bức tượng phật quan âm cao khoảng 40cm, được làm bằng gỗ hoàng đàn có giá khoảng 80 triệu đồng....Và cũng chính những nét chạm khắc độc đáo của sản phẩm mộc Phù Khê đã đưa sản phẩm của làng nghề vượt sang thị trường Trung Quốc, Lào, các nước Đông Âu…, trong đó 70% sản phẩm xuất khẩu của làng nghề được xuất đi Trung Quốc với giá trị khoảng 70 tỷ đồng mỗi năm.
Với nhiều nỗ lực trong việc nắm bắt sự thay đổi của thị trường, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thiết bị công nghệ vào sản xuất (hiện 90% công đoạn sản xuất của làng nghề được cơ giới hóa), làng nghề chạm gỗ Phù Khê đã có những bước tiến dài trong quá trình phát triển và ngày càng khẳng định được thương hiệu sản phẩm gỗ Phù Khê trên thị trường.
Tuy nhiên, chính sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề đã khiến Phù Khê rơi vào tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động tay nghề cao. Mặc dù, có đến 85% số lao động của Phù Khê và luôn có khoảng 800 thợ ở các địa phương khác về Phù Khê học và làm nghề nhưng theo lời của ông Mạnh, “làng nghề vẫn thiếu lao động trầm trọng”. Nhiều CSSX đã không dám nhận đơn đặt hàng của các DN trong và ngoài nước do không đảm bảo được thời gian giao hàng. Đứng trước tình trạng thiếu lao động, từ năm 2009 Hiệp hội làng nghề Phù Khê đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương khác có nguyện vọng học nghề, nhưng hình thức đào tạo chủ yếu thông qua truyền nghề và vừa học vừa làm là chính nên thời gian học lâu và không bài bản khoa học. Đặc biệt, không phải 100% số lao động được đào tạo học được cách chạm khắc những sản phẩm truyền thống, do để làm được những sản phẩm này ngoài việc đòi hỏi phải có thời gian học lâu, lòng kiên nhẫn và đặc biệt là “tố chất” của người học. Hiện nay Phù Khê ngoài nghệ nhân Nguyễn Kim thì số người làm được những sản phẩm chạm khắc truyền thống chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì vậy, để Phù Khê phát triển tương xứng với tiềm năng, làng nghề rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong việc tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực./.
Theo  langnghe.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét