Nằm ven sông Đuống, làng Lạc Thổ có những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Việt Nam và là một trong hai làng cổ của tỉnh Hà Bắc cũ. Hà Bắc có Lạc Thổ và Đại Tráng là làng có số tiến sĩ đỗ đạt từ 5 người trở lên... Riêng số cử nhân ở Lạc Thổ có trên 50 người, tiến sĩ: 6 người. Tên tuổi các bậc tài nhân đều được ghi lên bia, hiện lưu giữ ở làng.
Lạc Thổ là một vùng quê yên ả với những mái ngói, đình làng cổ kính, cảnh quan thiên nhiên bình dị mang nét đẹp của làng quê Việt Nam. Vua Tự Đức triều Nguyễn đã từng phong cho làng là "Mỹ tục khải phong", điều đó đủ thấy nét đẹp văn hóa của làng cổ này.
Năm 1522 khoa thi cả nước có 32 vị thi cử tiến sĩ thì riêng làng có 3 vị đỗ đạt cao. Thi cử nhân có 50 người thì có cụ Nguyễn Xuân Liêm xếp thứ 15. Năm 1786, triều đình nhà Lê tàn phá làng Lạc Thổ. Trước cảnh đó, bà Tá Thị Hoa đã đứng ra chiêu mộ dân xây lại làng, hiện ở làng còn có bia ghi lại công đức của bà.
Làng Lạc Thổ là địa danh rất nổi tiếng bởi giống gà Hồ, giống gà đặc biệt chỉ có duy nhất ở đây. Người Nhật Bản đã về tận làng đặt mua gà giống, trả 20-30 đô la một con mới nở mà dân làng không bán. Năm nào cũng vậy, mỗi khi hội làng, vào tháng 2 và ngày 10/8 âm lịch, Lạc Thổ có hội thi gà Hồ để chọn con gà đẹp nhất. Hiện nay, ở làng còn có hội thả chim. Làng có tới trên 30 nhà nuôi chim hội, mỗi đàn từ 20 đến 40 con. Nuôi chim hội phải bỏ công rất tốn kém, chăm sóc công phu, vậy mà khi thi đấu sơ xuất chim bỏ đi cả đàn, chủ đành phải nuôi lại đàn khác. Làng có hội sinh vật cảnh, có nhiều nhà vườn, ao cá, cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời. Nói đến thú "điền viên" phải nói tới ông Nguyễn Văn Mỹ- chủ tịch hội sinh vật cảnh. Vườn nhà ông hơn 700 m2 mà chật những cây cảnh, gồm 100 loài từ khắp các miền đất nước. Làng cổ có bề dày lịch sử hơn 2000 năm này hiện nay không chỉ dừng ở một làng cổ văn hóa nữa, làng không ngừng đổi mới, nâng cao đời sống của người dân và phát huy truyền thống vốn có của làng văn hóa cổ đất Kinh Bắc. Các thế hệ mới đỗ đạt cao nay cũng được ghi vào danh sách, đưa vào văn chỉ của làng.
Theo langnghe.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét