Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Gian nan nghề đục hà

Mạnh mẽ và gan lỳ, bền bỉ và cần cù… có lẽ đó là những đức tính mà những người dân chài ven biển đã truyền đời nối nghiệp trải qua ngàn vạn năm sinh sống nơi đầu sóng ngọn gió. Mùa gió chướng, tàu thuyền không ra khơi, neo trong vụng tránh bão, những con hà bám trên vỉa đá hay thân tàu trở thành món ăn đỡ lòng trong ngày biển động. Và rồi loài nhuyễn thể có vị đậm, ngậy đã trở thành một món ăn đặc sản của người dân vùng biển dùng để thết khách phương xa.




Có lẽ ít người biết rằng, để có bát canh hà ngon ngọt nhường kia, những dân chài theo nghề đục hà đã phải trải qua không ít gian nan.
“ Yết Kiêu ” chân sóng
Xoè cho tôi xem đôi bàn tay thô sần, dọc ngang những đường chỉ tay rất lạ, Hùng mở miệng cười hết cỡ, khuôn mặt hơi nhàu đi nhưng bù lại rất tươi, bảo: “ Không phải chỉ tay đâu, bị vỏ hà cứa đấy. Lớp nọ chồng lên lớp kia, lắm khi bóc được cả mảng da tay. Em mà đi xem bói bàn tay, chắc ông thầy rối tung chả biết đâu mà lần”. Cũng như nhiều thanh niên vùng Phục Lễ, Phả Lễ (huyện Thuỷ Nguyên), Hùng theo cha mẹ đi lưới đánh bắt ven bờ.
Gần đây, nguồn lợi thuỷ hải sản dần cạn kiệt, Hùng và mấy anh em bàn nhau đi đục hà vì những con hà có ruột to thường bán rất được giá. Trung bình một cân hà loại to có thể bán được 60.000đồng, loại thường thì có giá 50.000đồng… Suy đi xét lại, Hùng tặc lưỡi mua cuốc gẩy và gia nhập đội quân đục hà vốn chỉ toàn các bà các cô. Lúc đầu còn ngại, sau quen vì nghĩ mình làm bằng sức lao động của mình chứ có tranh hớt của ai đâu.
Quen nghề, Hùng nghĩ tới những bãi khai thác xa hơn, tại những vỉa đá ngầm hay chân đê biển hoặc những xác tàu thuyền chìm sâu trong vụng… Trong lần đi khai thác cách đây chưa lâu, Hùng đã cậy được một con hà ước chừng nặng đến 3 lạng, ruột hà săn rắn, nặng hơn 1 lạng. Có người Việt kiều cùng xóm mới về nước hỏi mua với giá 200.000 đồng, bằng bốn cân ruột hà thông thường. Đắn đo mãi, Hùng quyết định mang về ăn vì ” Em có làm cả đời chắc cũng chả tìm được con nào to hơn thế. Trời cho mình mà bán đi thì mất lộc”.
Thật chẳng dễ dàng gì để có thể cạy được những con hà sắc bám chết chặt trên đá, nếu không thạo nghề có thể bị cuốc bổ vào tay hoặc vỏ hà cứa lẹm thịt như chơi chứ chưa nói đến việc vừa lặn vừa đục hà. Hùng và Thịnh thường lặn đôi, dụng cụ lặn gồm kính bơi và ống thở tự chế để duy trì việc hô hấp dưới độ sâu khoảng 10 – 30m trong vòng 5 phút.
Cuốc đào hà cũng to hơn những chiếc cùng loại. Với những dụng cụ thô sơ như vậy, những cậu thiếu niên rất giỏi bơi lội này mỗi ngày lặn 2 giờtheo những dải đá ngầm ven biển để đục từng mảng đá có cả chục con hà lớn bám chặt, bỏ vào chiếc giỏ sắt treo toòng teng trên lưng. Chốc chốc lại ngoi lên thở, đầu tóc đỏ ngầu vì bọt sóng. Cả hai kình ngư đục hà này từng đoạt giải trong cuộc thi bơi vượt sông nên việc lặn biển như thế này đối với họ không mấy khó khăn. Nhưng do khu vực đục hà thường nhiều ghềnh đá ngầm, nhiều rều rác trôi dạt quẩn lại nên nếu không cẩn thận có thể xảy ra bất trắc. Hai người cùng lặn sẽ hỗ trợ cho nhau khi ở dưới nước, kịp thời ứng cứu khi bạn mình gặp nguy hiểm.
Trước đây cũng có khá nhiều đàn ông lặn biển đục hà, nhưng do áp lực kinh tế gia đình, con cái đi học nên họ bảo nhau ra phố đi làm thuê kiếm “ tiền tươi ”. Thịnh bảo do nghề cá hiện cho thu nhập tàm tạm nên cậu phải theo nghề của gia đình, giúp đỡ bố thu lưới và lái tàu. Nhưng các loại hải sản ngày càng ít đi, gia đình Thịnh không đủ vốn đầu tư tàu thuyền công suất lớn để đánh cá xa bờ nên thu nhập chỉ đủ ăn. Cứ đà này, sớm muộn cậu cũng phải ra nội thành, may ra mới gom được ít vốn khá khá để sửa lại căn nhà, cưới vợ, rồi … tính tiếp!
Đục hà trên triền đá
Rời Thủy Nguyên, chúng tôi về vùng biển Đồ Sơn. Dù là khu du lịch nhưng do địa hình bán đảo nên ngoài khu vực bãi biển, người dân Đồ Sơn còn có nhiều núi đá và bãi đá nằm sát biển. Khi triều rút, những bãi đá này trở thành khai trường lý tưởng cho những người đi đục hà. Với dụng cụ khá đơn giản là chiếc cuốc chim bị nước biển làm ô xi hóa gần hết và một âu nhựa, hai người đàn bà, sau tôi mới biết tên là chị Hiền và chị Lan, chân đi dép tổ ong, mặt bịt kín lầm lũi đi giữa những bãi đá.
Họ là cư dân của Vạn Hương, buổi sáng đi bốc cá thuê cho thuyền cá, chiều rủ nhau ra biển đục hà. Đến mùa sứa họ lại cùng chồng ra khơi, chuyển sang vớt sứa bằng bè gỗ gắn máy nổ, chạy ven bờ. Nhờ thông thổ và chịu được vất vả, họ thường lợi dụng lúc triều xuống, đi men theo phía sau núi để đục hà ở mé Vạn Hương và Bàng La. Mỗi buổi xuống bãi như vậy họ thu được chừng 30 nghìn đồng. Cũng có hôm phải về không do nước triều cao, các bãi đá ngập trắng.
Chị Lan kể cho tôi nghe về một “hút chết”. Lần ấy, theo những vỉa đá, chị ra đến cuối dải đá cách bờ gần 300m mà không để ý nước triều đang lên nhanh. Loáng cái nước đã ngập vào bãi, chỉ còn lại chừng dăm tảng đá lớn phía ngoài cao hơn mặt nước biển vài chục cm. Lúc ấy chị hoảng thật sự. Dù là người vùng biển, bơi lội chả kém ai nhưng đây là bãi đá ngầm với cả nghìn hòn đá lớn nhỏ, hòn nào cũng lởm chởm những vỏ hà sắc lẹm. Đã vậy, mặt nước trắng băng làm chị mất phương hướng. Vậy là đành nín thở đứng chờ nước lên. Triều dâng ngập đầu gối, rồi ngập hông và trồi dần lên bụng, chiếc âu đựng ruột hà nổi lềnh phềnh, cuốc chim chìm nghỉm.
Khi đã chắc là nước đủ tầm để bơi, chị mới quẫy mạnh chân tạo đà rồi trườn vào dòng nước còn ấm dưới ráng triều, nhắm thẳng hướng ngọn đồi Độc mà bơi tới. Sau khoảng hơn 200 sải tay, chân chị chạm bờ. Nghỉ ngơi vài hôm, chị lại ra biển vì: “Sinh ra ở biển thì phải sống nhờ nhờ biển thôi. Nhiều lần tôi đã bỏ lên phố làm thuê nhưng cứ thấy thế nào ấy. Được độ non tháng là xin về. Đi làm thuê trông thấy tiền ngay đấy nhưng còn gia đình, có đồng tiền mà bỏ lửng con cái không quan tâm chăm sóc được thì có ngày mất con cô ạ” . Hai cô con gái của chị sàn sàn trứng gà trứng vịt đều học khá và ngoan nên chị cũng tạm yên một phía, giờ chỉ tập trung làm để cải thiện kinh tế gia đình, có tiền nuôi con ăn học thành người.
Tuy nhiên, chị Lan cũng như nhiều người làm nghề đục hà khác còn không ít băn khoăn. Nghề đục hà mang lại cho họ một khoản thu nhập tạm đủ để duy trì cuộc sống hằng ngày, chuẩn bị cho những chuyến đi khơi xa nên ngày càng có nhiều người tham gia đục hà trên bãi biển, vì vậy nguồn hải sản này không còn sẵn như trước.
Hơn nữa các nhà hàng thường đặt mua hà trong khoảng 4 tháng hè phục vụ khách, những tháng còn lại việc tiêu thụ trông vào dân địa phương nên không được mấy giá, nhiều khi phải mang về ăn. Thêm nữa, trong quá trình đục hà, họ thường xuyên phải lội nước, chân tay tiếp xúc với đá nhọn và vỏ hà sắc lẹm nên nhiều chị em bị bệnh nấm ngoài da, bệnh phụ khoa hoặc bị nhiễm trùng các vết thương do vỏ hà gây ra. Vốn quen chịu đựng, lại hà tiện, nên họ không đi khám bác sỹ mà cứ cố chịu hoặc chữa qua loa, dẫn đến nhiều trường hợp không được chữa trị kịp thời, sinh biến chứng và dẫn đến những thương tật vĩnh viễn.
Âu cũng là một nghề trong trăm kế sinh nhai!.
Theo langnghe.org.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét