Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Làng nghề dệt Thổ Cẩm Gia Lai

Địa chỉ: Xã GLar - Huyện Đắc Đoa - Tỉnh Gia Lai. Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai đang có nhiều làng nghề hoạt động, trong đó làng nghề dệt thổ cẩm ở xã GLar huyện Đắc Đoa là đi đầu và được duy trì trong thời gian dài (gần 10 năm). Mô hình dệt thổ cẩm nơi đây đã thu hút được hàng trăm chị em tham gia, góp phần tận dụng được lao động nhàn rỗi lúc hết mùa cũng như thu nhập cho mọi người nhưng... "Mọi người chỉ làm lúc hết mùa, nhưng cái bụng thích thì làm, còn không thì thôi. Mình giao vật liệu cho mọi người, khung dệt tự tìm, thời gian, mẫu mã thì còn tuỳ khả năng mỗi người nhưng không phải ai cũng có thể làm tốt, nhiều khi sản phẩm làm ra không thể dùng được nhưng mình vẫn phải trả tiền, biết làm sao được." chị MLor tâm sự và bản thân chị cũng chỉ biết giao công việc và tìm thị trường tiêu thụ, còn việc ổn định, tổ chức công việc cho các chi nhánh của mình lao sao cho đạt kết quả tốt nhất thì MLor không biết.
Không như GLar, ở xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) lại có cách đi riêng cho mình khi thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm với 53 thành viên tham gia sáng lập. Hoạt động của CLB khá bài bản và quy cách với quy chế hoạt động, sinh hoạt hẳn hoi. Tại CLB này các chị em tham gia cũng đã tự nguyện trích tiền thu được từ chính sản phẩm của mình để đóng góp vào quỹ CLB nhằm hỗ trợ cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tham gia, giúp họ an tâm gắn bó với nghề.
Ngoài 2 địa chỉ trên hiện nay tại các xã, huyện vùng sâu như huyện Kôngchro cũng đã hình thành làng thanh niên dệt thổ cẩm (ở làng Nghe Lớn, Nghe Nhỏ thị trấn Kôngchro), tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở xã Ia Phìn (huyện Chư Prông), Ia Pếch (huyện Mang Yang)... cùng nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng tự hình thành cho mình những làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống với sự tham gia của hàng trăm hộ gia đình, nhất là lớp thanh niên... Còn với các ngành, nghề khác như tạc tượng, đan lát... ở Gia Lai thì tương lai... chưa có câu trả lời. Ở cấp tỉnh thì thỉnh thoảng mới có một cuộc thi cho các nghệ nhân nhưng cũng không thu hút được đông đảo mọi người tham gia, ở huyện thì chờ cuộc thi tỉnh lại cử các nghệ nhân cũ đi thi. Việc đan lát hiện nay chủ yếu là từ các nghệ nhân già, lúc rãnh rổi lại đan lát để dùng trong gia đình chứ mọi người chưa có ý định làm sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hoá, đưa sản phẩm vươn ra thị trường.
Cái chung nhất ở các làng nghề vẫn là cá nhân tự phát, không có định hướng, mục tiêu rõ ràng, chủ yếu phục vụ nhu cầu của cá nhân, gia đình, việc phát triển này không biết là sẽ đi về đâu và liệu có tồn tại trong thời gian tới hay không nếu không có đột biến nào khác.
Định hướng cho làng nghề
Cần phải "chuyên môn hoá" cho các làng nghề, tổ, nhóm hay hợp tác xã (tương lai) để tạo niềm tin cho các hộ, cá nhân tham gia.
Mô hình GLar cũng loay hoay mãi tìm hướng đi mới đến giờ đã thấy tương lai sáng hơn với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Trước thực trạng "tự phát" của làng nghề huyện Đắc Đoa rất quan tâm và giúp đỡ để định hướng phát triển cho mô hình. Nhiều biện pháp hỗ trợ cho mô hình này đã được triển khai như cấp kinh phí để mở lớp dạy dệt thổ cẩm cho 50 chị em là người đồng bào dân tộc thiểu số có tuổi đời từ 15 đến 45, mời nghệ nhân có tay nghề tốt về hướng dẫn, tìm hướng đi cho dự án này, trong đó sẽ hình thành một mô hình hợp tác xã dệt thổ cẩm tại chính nơi đây từ đó hình thành một thương hiệu cho chính người dân nơi đây. Việc đào tạo cho học viên ở nơi đây rất căn bản để giúp mọi người vững tay nghề trước khi bước vào một môi trường làm việc mới khoa học theo hướng sản xuất hàng hoá đã được niềm tin cho mọi người.
Ngoài việc ổn định trong tổ chức, hiện nay bản thân mỗi cá nhân ở các mô hình cũng đã tự biết đổi mới để theo kịp nhu cầu của thị trường. Chị Rơ Lan Pel, Chủ CLB dệt thổ cẩm ở xã Biển Hồ cho biết: "Hiện nay các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai như thổ cẩm, đan lát, tạc tượng rất phong phú và đang dạng. Ngoài các sản phẩm truyền thống, nghệ nhân các nơi còn tự mày mò, sáng tạo ra nhiều kiểu mới thu hút được đông đảo người xem, mua như áo, túi sách, đồ trang sức thổ cẩm.... Chị em ở câu lạc bộ ngoài việc làm ra sản phẩm thì cũng rất chú ý đến việc cho ra đời thêm nhiều mẫu mới mà nhu cầu đang cần, nếu thị trường có mẫu mới thì học hỏi. Mình không thể bị động mà phải tự thân vận động trước mới có thể đứng vững được như phải tự liên hệ và giới thiệu sản phẩm của mình cho các cửa hàng bán đồ lưu niệm, Trung tâm thương mại ở Pleiku".
Một niềm vui cho những ai tâm huyết với nghề truyền thống, trong năm 2006 này tỉnh Gia Lai cũng đã quyết định đầu tư 6,5 tỷ đồng cho hai dự án dạy nghề là "Dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề" và "Dự án đào tạo nghề cho nông dân và học sinh dân tộc thiểu số nội trú", trong đó ưu tiên dạy các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát...với sự đầu tư, giúp đỡ này tin rằng trong tương lai không xa nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Gia Lai sẽ có vị trí xứng đáng trong xã hội. Theo ông Huỳnh Hữu Sâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết: "các giá trị truyền thống của đồng bào sẽ bị mai một nếu ta không có biện phát để bảo tồn và phát triển. Việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ là việc giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân (thông qua bán sản phẩm, thu hút khách du lịch...) mà nó còn góp phần giáo dục thể hệ trẻ ở đồng bào các dân tộc nơi đây biết lưu giữ những giá trị tinh thần, là nét đẹp của văn hoá trong cồng động mình để sau này các thế hệ sau vẫn và sẽ được lớn lên trong môi trường mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc mình.
Làng nghề truyền thống tưởng chừng như ngủ yên nay đã trỗi dậy với sức sống mãnh liệt cùng niềm tin thắng lợi tại các buôn làng trong tỉnh Gia Lai.
Theo langnghe.org.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét