Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Làng nghề Mỹ Đồng

Với nghề thủ công nghiệp truyền thống, làng nghề Mỹ Đồng đang là điểm sáng của huyện Thủy Nguyên đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn Thủy Nguyên. Nhưng, làng nghề này đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường do thiếu mặt bằng sản xuất.
Thiếu mặt bằng sản xuất và nguy cơ ô nhiễm môi trường
Đến xã Mỹ Đồng, ai cũng cảm nhận nơi đây không còn là làng nghề mà là “phố nghề”, bởi hệ thống hạ tầng giao thông khang trang rộng rãi, có vỉa hè, điện chiếu sáng, hàng trăm doanh nghiệp có trụ sở lớn ở mặt đường, các công xưởng quy mô lớn, nhịp điệu sản xuất khẩn trương, phương tiện ô-tô ra vào tấp nập
Làng nghề Mỹ Đồng.
Làng nghề Mỹ Đồng cần mặt bằng để mở rộng sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng Nguyễn Đăng Tâm chỉ trên bản đồ xã giới thiệu: Cụm công nghiệp Mỹ Đồng hình thành từ năm 2002 và đưa vào khai thác năm 2004. Trên mặt bằng 5,4ha mới thu hút 22 cơ sở công nghiệp vào sản xuất. Với diện tích này chỉ giải quyết chưa được 10% số doanh nghiệp của địa phương, bởi theo quy hoạch 2,7 ha trong cụm công nghiệp dành cho sản xuất, phần còn lại để xây dựng hạ tầng giao thông, đất lưu không trồng cây xanh. Trong khi các công ty ở xã có nhu cầu muốn ra cụm công nghiệp là rất lớn. Hiện xã có 200 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, trong đó có 80 doanh nghiệp, gồm 29 công ty TNHH, 2 xí nghiệp tư nhân, 33 công ty cổ phần, 16 doanh nghiệp tư nhân… Vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất trong xã vẫn phải sản xuất, giao dịch thương mại trong khu dân cư. Hằng ngày, từ giám đốc đến người lao động và nhân dân trong xã sống chung với khí độc hại, bụi công nghiệp từ các lò đúc, tiếng ồn xả thải ra, nguy cơ phơi nhiễm các bệnh hô hấp, thần kinh là rất cao. Giải quyết bài toán này, không còn cách nào khác là phải mở rộng mặt bằng sản xuất và xây dựng cụm công nghiệp mới đủ rộng đáp ứng việc đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Hướng mở trong tương lai
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đồng Nguyễn Văn Huy cho biết: Việc đưa các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp mang lại hiệu quả rõ rệt về nhiều mặt. Thứ nhất, các cơ sở có điều kiện đầu tư công nghệ sản xuất trên quy mô lớn, tạo năng suất hiệu quả cao. Thứ hai, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho địa phương, hiệu năng sử dụng điện cao do ít hao tổn, không gây ách tắc giao thông trên đường 352 qua trung tâm xã. Doanh nghiệp cơ khí đúc gang Thành Phương thuê 5000 m2 trong cụm công nghiệp có điều kiện đầu tư lò nấu gang bằng điện, thay cho nấu gang bằng than, sử dụng thiết bị nâng hạ hiện đại, sản xuất ba ca liên tục, tận dụng điện thấp điểm khá hiệu quả. Đây chỉ là một trong số doanh nghiệp làm ăn tốt khi được vào cụm công nghiệp Mỹ Đồng.
Từ thực tế trên, xã Mỹ Đồng kiến nghị huyện Thủy Nguyên và thành phố cho phép mở rộng thêm 19 ha đất liền kề cụm công nghiệp Mỹ Đồng để giải quyết nhu cầu của các doanh nghiệp trong xã, đồng thời xin cấp 25-30 ha diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả nằm cạnh tuyến đường trục lớn đã quy hoạch để xây dựng cụm công nghiệp mới. Đây sẽ là lối thoát cho “phố nghề” Mỹ Đồng trong tương lai, cơ bản giải quyết việc đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, hạn chế ô nhiễm môi trường khí thải, bụi công nghiệp và tiếng ồn cho người dân địa phương. Cái lợi đã thấy rõ khi hình thành cụm công nghiệp mới với quy mô lớn là tận dụng giá điện giờ thấp điểm, giảm tổn hao điện năng khi tách điện sản xuất ra khỏi điện sinh hoạt. Do nằm gần đường trục huyện nên giải quyết cho xe trọng tải lớn ra vào cụm công nghiệp thuận lợi, không đi qua khu dân cư, hạn chế hỏng đường và mất an toàn giao thông.
Hướng tới mục tiêu phát triển ổn định kinh tế- xã hội, người dân Mỹ Đồng nói chung và các doanh nghiệp của xã nói riêng mong có sự ủng hộ của các cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên và thành phố.
Theo langnghe.org.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét