Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Làng nghề dệt vải Lục Nam

Cùng với thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, trong những năm gần đây Bắc Giang đã quan tâm tới việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Đặc biệt tại các vùng dân tộc thểu số khôi phục và phát triển nghề truyền thống còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của các tộc người đang sinh sống trên địa bàn và tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.
Bản Khe Nghè xã Lục Sơn huyện Lục Nam, có có 60 hộ gia đình với 276 nhân khẩu,100% là đồng bào dân tộc Cao Lan.Trước đây bất kể người con gái Cao Lan nào cũng đều rất khéo thuê thùa, dệt vải và bản Khe Nghè vốn được biết đến với nhiều nghề truyền thống như dệt vải, làm giấy dó và bốc thuốc nam. Tuy nhiên nét văn hóa truyền thông này đã dần bị mai một. Nhằm khôi phục nghề truyền thống tại đây UBND huyện Lục Nam đã đầu tư triển khai đề án"Khôi phục nghề dệt vải truyền thống của người dân tộc Cao Lan". Ông Phạm Văn Thể Chủ tịch UBND xã Lục Sơn cho biết lúc đầu triển khai đề án cũng gặp phải một số khó khăn do từ nhiều năm nay nghề dệt vải ở đây đã không còn được duy trì song cùng với sự nỗ lực của chính quyền, sự tâm huyết với nghề của các nghệ nhân nên nghề dệt vải truyền thống của người Cao Lan đã được khôi phục. Các nghệ nhân trong bản đã bỏ rất nhiều công sức tìm lại những mẫu trang phục xưa, rồi mầy mò nhớ lại các công đoạn se sợi dệt vải, may áo, yếm, dải, thắt lưng, khăn ngang, khăn vuông, xà cạp....để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Cao Lan sau đó nghề được truyền dạy cho con cháu. Một trong những nghệ nhân tâm huyết với việc tìm lại nghề truyền thống của dân tộc Cao Lan ở Khe Nghè phải kể đến bà Trạc Thị Ngọt. Vốn là người con gái Cao Lan bà Ngọt đã được mặc những trang phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc mình khi về nhà chống. Nên dù đã cao tuổi song bà vẫn miệt mài, tâm huyết đi tìm lại nghề truyền thống. Bà đã từng lặn lội đến nhiều nơi có người Cao Lan sinh sống ở các tỉnh phía Bắc để học hỏi, sưu tầm tìm mượn những mẫu áo váy của người Cao Lan xưa về nghiên cứu, ghép nối và truyền dạy cho con cháu.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cao Lan đã được khôi phục từ năm 2007- 2008 thông qua cách truyền nghề trực tiếp. Những nghệ nhân trong bản được mời đến để dạy nghề và truyền kinh nghiệp cho lớp trẻ, nhiều chị em phụ nữ trong bản đã rất hào hứng tham gia khôi phục lại nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Bà Tống Thị Lâm - Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Khe Nghè cho biết hầu hết chị em trong chi hội phụ nữ đã tham gia các lớp truyền nghề, nhiều chị em đã thành thạo các công đoạn se sợi, dệt vải và đã may được những bộ áo yếm truyền thống, những dải thắt lưng, sà cạp, những vật dụng nhỏ trang trí bằng chất liệu vải truyền thống của người Cao Lan.
Việc khôi phục thành công nghề truyền thống đặc sắc tại Khe Nghè đã có một ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan, đồng thời góp phần tạo ra những sản phẩm đặc sắc của địa phương phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Bản Khe Nghè đã có 15 khung thêu và 30 người thợ lành nghề... Tuy nhiên hiện nay sau khi hết thời gian thực hiện của dự án, nghề dệt vải ở Khe Nghè lại đang đi vào ngõ cụt. Bài toán muôn thủa thiếu đầu ra cho sản phẩm đã khiến nghề dệt vải ở đây vừa được khôi phục đã lại có nguy cơ tan rã. Để phát triển nghề dệt truyền thống của người Cao Lan một cách bền vững và lâu dài các vấn đề về đầu tư sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu nhập của người lao động cần tiếp tục được quan tâm./.

Theo  langnghe.org


0 nhận xét:

Đăng nhận xét