Lụa Tân Châu (An Giang) từ lâu đã nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài. Không biết nghề tầm tang, canh cửi, tơ lụa ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng nói về nghề dệt thủ công cổ truyền của Việt Nam thì Hà Đông ở phía Bắc và Tân Châu ở phía Nam xưa nay vẫn được coi là hai trung tâm dệt lớn nhất…
Ngược dòng thời gian, vào đầu thế kỷ 20, ở Nam Bộ đã có nhiều cơ sở tơ tằm dệt lụa rất thịnh hành. Thời đó, tơ lụa của Tân Châu làm ra không kịp bán, từng xuất cảng qua Campuchia, Pháp. Dọc theo hai bên bờ Sông Tiền, Sông Hậu từ biên giới Campuchia đến Tân Châu, Tân An, Chợ Mới, nhất là các làng Tân An, Vĩnh Hòa (Tân Châu), Long Điền, Chợ Thủ (Chợ Mới), đâu đâu cũng bạt ngàn những bãi dâu, những nong tằm đang kỳ chín rộ. Dưới sông, nhà bè chen chúc thành một làng nổi. Sát bờ nước là những vườn dâu xanh ngát. Hai bên đường, nhà san sát, nhìn vào thấy những khung cửi, những quay tơ ánh vàng và nhưng cô thợ dệt xinh xắn khắp các làng Tân An, Vĩnh Hòa… (Tân Châu), rồi Long Điền, Chợ Thủ (Chợ Mới) giờ nào cũng nghe tiếng lách cách đưa thoi…
Người dân Tân Châu rất tự hào về quê lụa vang danh của mình với các sản phẩm lụa có hoa văn đẹp, vóc lụa mềm óng ả, màu sắc không phai được nhuộm từ các loại chât liệu tự nhiên như chàm, vỏ đước... Tân Châu cũng là quê hương nổi tiếng với mặt hàng Mỹ A “độc nhất, vô nhị”, mà bất luận người phụ nữ nào hồi đầu thế kỷ XX cũng đều mơ ước, với màu đen bóng, nhuộm từ trái mặc nưa có nhiều đặc tính quý như: dai, bền, mềm mại, nhẹ, hút ẩm cao, mà chưa có loại tơ nào qua mặt được. Chất liệu lụa Tân Châu thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, không bị hấp hơi như một số loại vải bằng sợi nylon, có lẽ vì vậy người ta gọi lụa Tân Châu là “Nữ hoàng” của các loại tơ.
Tuy nhiên để có được những vóc lụa đẹp là cả một kỳ công, phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ 20 ngày đến một tháng, tùy theo thời tiết mà không phải nơi đâu cũng làm được. Thoạt tiên là chải cửi, rồi đến xe tơ, chọn sợi... Dưới bàn tay tinh tế của người thợ, từng sợi tơ được lựa chọn kỹ lưỡng bởi chỉ một sợi to hơn cũng sẽ làm tấm lụa không còn mịn màng nữa. Sau khi dệt thành tấm, lụa sẽ được ngâm, xả, phơi khô, ủ nhựa cây rừng, nhuộm mầu, phơi nắng rồi lại nhuộm lần thứ hai... Nắng để phơi lụa phải là thứ nắng dịu để khỏi làm hư lụa. Nhựa cây rừng dùng để ngâm ủ lụa cũng phải được lấy đúng mùa, lụa mới ra đúng màu sắc đã ấn định. Được làm hoàn toàn thủ công, không hề sử dụng chất hóa học nên lụa bền chắc, óng ả và vẹn nguyên qua dòng chảy của thời gian.
Nhưng từ khi vải dệt trên thị trường, đặc biệt là các nguồn vải nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan trở nên đa dạng hơn với nhiều chủng loại khác nhau và giá thành rẻ, thì lụa Tân Châu đã đứng trước những khó khăn thực thụ. Những người thợ dệt chân chất chưa có nhiều kinh nghiệm để chủ động quảng bá các sản phẩm lừng danh của mình đến với khách hàng gần xa. Chỉ gần đây, một số khách hàng người Pháp tình cờ nhận ra được vẻ đẹp hoàn mỹ của lụa Tân Châu đã đến đặt vóc lụa Mỹ A cung cấp cho thị trường thời trang của Châu Âu thì người thợ dệt Tân Châu mới thực sự càng tin tưởng hơn vào thị trường lụa chất lượng cao mà cha ông đã truyền lại và hy vọng sẽ được hợp tác nhiều hơn nữa với bạn bè trên thế giới để đưa nét quý phái của lụa Mỹ A đến với muôn người.
Theo langnghe.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét