Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Làng nghề nấu rượu Kiên Lao

Rượu Kiên Lao đã có từ thời nào thì không ai nhớ, chỉ biết rằng, thời chống Pháp rượu ở khu vực này đã nổi tiếng ngon, thơm.
Nam Định là đất của nhiều làng nghề nổi tiếng như: Đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, ươm tơ dệt lụa Cổ Chất, làng nghề cây thế cây cảnh Vị Khê ... Bên cạnh đó cũng có nhiều làng nghề nhỏ, giới hạn trong phạm vi địa phương nhưng sản phẩm của nó lại rất được ưa chuộng. Có một làng nghề như thế đã và đang tồn tại, đó là làng nghề nấu rượu Xuân Kiên (tức Kiên Lao Tổng trước đây).
Nhắc đến rượu ở Nam Định là phải kể đến rượu ở Tổng Kiên Lao, nay là hai xã Xuân Kiên - Xuân Tiến, huyện Xuân Trường. Rượu Kiên Lao đã có từ thời nào thì không ai nhớ, chỉ biết rằng, thời chống Pháp rượu ở khu vực này đã nổi tiếng ngon, thơm.
Rượu Kiên Lao được chế biến công phu từ gạo nếp cái hoa vàng. Cứ 10 kg gạo sẽ cho ra 6 đến 7 lít rượu. Nhà nào cũng làm với phương thức thủ công trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ nên rượu rất trong, giữ nguyên được hương vị gạo ngon của quê nhà.
Để làm ra được một mẻ rượu, người dân Kiên Lao phải chú trọng từ khâu lấy men, chọn gạo. Gạo làm ra rượu ngon, phải là gạo nếp cái hoa vàng được trồng từ đất Hải Hậu nổi tiếng.
Bước đầu tiên trong quá trình chế biến là xóc gạo cho sạch để chống chua, sau đó cho vào xoong nước đã đổ sẵn lên bếp lò (bằng than bùn) hoặc bếp củi. Khi nước sôi mới đổ gạo vào, điều chỉnh nước sao cho ngập gạo khoảng 1 phân để chống sống cơm. Khi cơm sôi, ghế thật đều tay, đợi khoảng 5 phút lấy hơi rồi cho vào bếp đã ủ sẵn than, tiếp đó đem vùi. Bốn tiếng sau mới bắc ra, đổ cơm ra phên, đánh tơi và rắc lên bề mặt cơm một lớp men rượu. Qua công đoạn đó, cho cơm vào thùng nhựa, rắc thêm một lượt men nữa và lấy ni lông ủ quấn lại, hoặc cho vào trong những thùng đã chôn sẵn dưới lòng đất, đợi một tuần để gạo lên men mới cho vào chum. Khi nấu, chỉ việc cho gạo rượu đã lên men vào trong nồi, đun hơn một giờ đồng hồ sẽ cho ra nước cất trong veo, đó chính là rượu thành phẩm. Rượu Kiên Lao trong như nước suối, có vị thơm, cay ngọt, hấp dẫn người thưởng thức ở sự nguyên chất và cách thức chế biến rất cầu kỳ như vậy.
Ở Tổng Kiên Lao xưa, nhà nào cũng nấu rượu nhưng chỉ mang tính chất tự cung tự cấp, làm ra chỉ để phục vụ chính nhu cầu hàng ngày của nhân dân trong vùng. Tiếng ngon rượu Kiên Lao được nhiều người sành xứ Bắc tìm đến mua, đưa lên đất Kinh Kỳ làm vật biếu lễ.
Ngày nay làng vẫn còn nhiều gia đình làm nghề để tự phục vụ. Người Kiên Lao tự hào là làng nghề làm ra rượu nhưng không có người nghiện thức uống này. Họ uống rượu để thưởng thức, nhâm nhi và bàn công chuyện chứ không phải để nhậu nhẹt đến say sỉn.
Rượu Kiên Lao trong thời buổi thị trường có nhiều nhu cầu thưởng thức mới vẫn được đưa đi các nơi, đó là món quà của quê hương rất được ưa chuộng.
Theo  langnghe.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét