Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Làng nghề nón lá Nghĩa Châu

Xã Nghĩa Châu huyện Nghĩa Hưng cách thành phố Nam Định khoảng 17 km theo đường tỉnh lộ 490. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống. Hình ảnh các bà, các chị túm năm tụm ba bên gốc tre làng chuyện trò vui vẻ, tay thoăn thoắt khâu nón sẽ để lại cho du khách những ấn tượng khó quên và chắc hẳn việc chọn mua một vài chiếc nón làm kỷ niệm sẽ là một việc không thể nào quên với mỗi du khách khi một lần về với nơi này.
Để tạo ra những chiếc nón thanh thoát, bền đẹp, ngoài sự khoé léo của đôi tay, người làm nón phải thật sự tài hoa và có óc thẩm mỹ cao. Lá nón mua về được tãi ra phơi nắng, hấp diêm sinh để lá có độ trắng ngà, không bị mốc khi gặp mưa. Xong công đoạn đó, người thợ đặt từng lá nón lên mặt lưỡi cày nung nóng, dùng búi giẻ vuốt cho lá phẳng ra, tay vuốt đều. Những lá nón làm xong được xếp lên khuôn, giữa 2 lớp lá lót một lượt mo nang lạng thật mỏng và được buộc cho chắc; sau đó tới công đoạn khâu. Những bàn tay thoăn thoắt luồn mũi kim lên, xuống đều đặn nhịp nhàng sao cho lỗ khâu thật khít. Người thợ khâu nón tài hoa thường có tài lẩn chỉ, khéo léo giấu những nút nối vào trong. Chiếc nón khi hoàn chỉnh vừa bền, vừa đẹp, được trang trí thêm nhiều hoạ tiết phong phú, sinh động.
Cuộc sống hiện đại ngày nay càng xuất hiện nhiều loại mũ, nón đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chất lượng nhưng nón lá vẫn gần gũi với mọi người, đặc biệt là với các thiếu nữ nông thôn. Chiếc nón còn là vật kỷ niệm, đồ trang sức, có mặt trong những điệu múa nón uyển chuyển, nhịp nhàng cùng với áo dài tạo nét duyên dáng đặc biệt cho các thiếu nữ Việt Nam.
Theo  langnghe.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét